Theo báo cáo vừa được Ngân hàng Thế giới (WB) công bố, mặc dù dự báo tăng trưởng toàn cầu hạ xuống còn 2,4% so với mức 2,9% được đưa ra hồi tháng 1/2016 nhưng Việt Nam và một số nước ASEAN vẫn giữ vững mức tăng trưởng.
Ảnh minh họa
Ông Jim Yong Kim, Chủ tịch Ngân hàng Thế giới (WB), nhận định: “Mức tăng trưởng chậm toàn cầu cho thấy các nước phải theo đuổi các chính sách nhằm tăng trưởng kinh tế và cải thiện đời sống cho nhóm những người nghèo cùng cực”.
Các thị trường mới nổi nhập khẩu hàng hóa nguyên liệu và các nước đang phát triển có khả năng đề kháng tốt hơn các nước xuất khẩu tuy rằng phải mất nhiều thời gian thì mới có thể khai thác được lợi ích của xu thế giá năng lượng và giá các hàng hóa khác đi xuống. Dự báo các nền kinh tế này sẽ đạt mức tăng trưởng 5,8% năm 2016, giảm nhẹ so với mức 5,9% năm 2015, nhờ vào giá năng lượng thấp và mức tăng trưởng nhẹ tại các nền kinh tế phát triển.
Đối với khu vực Đông Á Thái Bình Dương, dự kiến tăng trưởng sẽ giảm xuống còn 6,3% trong năm 2016 như đã dự đoán trước đây, trong đó mức tăng trưởng Trung Quốc sẽ giảm xuống mức 6,7%. Toàn khu vực, trừ Trung Quốc, sẽ đạt mức tăng trưởng 4,8% trong năm 2016, bằng với mức năm 2015. Tại các nước khác trong khu vực, tăng trưởng sẽ phụ thuộc vào tăng đầu tư (tại một số nền kinh tế lớn như Indonesia, Malaysia, Thái Lan) và tăng tiêu dùng nhờ giá nguyên vật liệu thấp (Thái Lan, Philippines, Việt Nam).
Theo báo cáo này, mức tăng trưởng nhẹ tại các nước ASEAN vừa đủ bù cho sụt giảm tăng trưởng tại Trung Quốc trong năm nay. Sự phục hồi tại các nước phát triển, giá năng lượng thấp, tăng cường ổn định chính trị và điều kiện thuận lợi trên thị trường tài chính toàn cầu bất chấp việc Hoa Kỳ sẽ thắt chặt chính sách tiền tệ sẽ có lợi cho các nước trong khu vực.
Trong số các nước xuất khẩu nguyên vật liệu, dự kiến Indonesia sẽ đạt mức tăng trưởng 5,1% năm 2016 (năm 2015 là 4,8%) với điều kiện là phải thực hiện cải cách nhằm khuyến khích đầu tư và nâng cao năng suất. Malaysia sẽ giảm tăng trưởng xuống mức 4,4% năm 2016 do cầu trong nước suy giảm. Thái Lan sẽ tăng tốc dần dần nhưng sẽ vẫn nằm dưới mức 3% tính chung cho cả giai đoạn 2016-18 do nợ hộ gia đình làm giảm gia tăng tiêu dùng và do xuất khẩu cũng chỉ tăng nhẹ. Các hoạt động kinh tế tại Philippines sẽ gia tăng và đạt mức tăng trưởng 6,4% năm 2016 nhờ các dự án hợp tác công tư và chi công tăng. Còn Việt Nam dự kiến sẽ tăng trưởng 6,3% trong cả giai đoạn 2016 -18 do đầu tư nước ngoài đổ vào ngành công nghiệp chế tạo hiện đang rất cạnh tranh về chi phí.
Tuy nhiên, báo cáo cũng chỉ ra rằng Việt Nam và một số nước như Mông cổ, Papua New Guinea, sẽ phải đối mặt với thâm hụt ngân sách lớn. Các nước Indonesia, Malaysia và Mông Cổ sẽ được hưởng lợi nếu tiếp tục cắt giảm sự lệ thuộc vào nguồn thu từ xuất khẩu nguyên vật liệu. Bên cạnh đó, việc cải cách doanh nghiệp nhà nước, bao gồm tăng cường minh bạch và quản trị sẽ giúp Trung Quốc, Thái Lan và Việt Nam giảm rủi ro tài khoá liên đới. Phát triển thương mại và đầu tư theo chiều sâu trong khu vực sẽ giúp tăng cường các hoạt động kinh tế và tạo việc làm. Các mối quan hệ đối tác mới, kể cả hiệp định TPP và các hiệp định thương mại khác như Cộng đồng Kinh tế ASEAN và Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực mới đề xuất sẽ giúp củng cố quá trình tái cơ cấu, thúc đẩy thương mại và nâng cao tiềm năng tăng trưởng khu vực.