Dịch Covid-19 kéo dài đã khiến tốc độ tăng trưởng kinh tế của TPHCM trong 3 tháng đầu năm 2020 chỉ đạt 0,42% so với cùng kỳ năm ngoái (cùng kỳ tăng 7,64%). Đây là mức tăng thấp nhất từ năm 2009 đến nay.
Dù nhiều chỉ số kinh tế TPHCM giảm do dịch Covid-19 nhưng xuất khẩu vẫn tăng trong quí 1-2020. Ảnh: Anh Quân
Ngày 16-4, Hội nghị lần thứ 40 Ban Chấp hành Đảng bộ TPHCM lần thứ 40 diễn ra trong bối cảnh dịch Covid-19 kéo dài đã tác động rất mạnh đến kinh tế TPHCM.
Báo cáo tại hội nghị, Phó chủ tịch UBND TPHCM Lê Thanh Liêm cho biết, dịch bệnh đã gây ra tác động tiêu cực cho kinh tế thành phố, trong quí 1-2020, có 1.523 doanh nghiệp đã hoàn tất hồ sơ giải thể, tăng 54,5% so với cùng kỳ; 5.088 doanh nghiệp tạm ngưng hoạt động.
Theo báo cáo có 998 người lao động bị chấm dứt hợp đồng và 6.424 người phải tạm ngưng việc. TPHCM dự kiến có khoảng 70.000 lao động sẽ bị tác động trong các tháng sắp tới do tác động của dịch đến kinh tế, đặc biệt là lao động ở các doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Khi giãn cách xã hội, doanh thu các ngành dịch vụ giảm rất mạnh, trong đó dịch vụ ăn uống giảm gần 32%; doanh thu ngành giáo dục giảm 26%; bất động sản giảm gần 30%.
Trong khi các ngành dịch vụ giảm thì điểm sáng của kinh tế TPHCM là các mặt hàng xuất khẩu vẫn tăng 7,5% so với cùng kỳ, tập trung ở hàng điện tử, máy tính. Tính chung, xuất khẩu trong quí 1-2020 đạt hơn 9,85 tỉ đô la Mỹ. Trong 4 ngành công nghiệp chủ lực của TPHCM thì ngành điện tử tăng trưởng 11%, hóa chất tăng trưởng 8%); tuy nhiên, dệt may và cơ khí lại giảm.
Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) trong 3 tháng đầu năm 2020 giảm 0,99% thấp hơn nhiều so với mức tăng cùng kỳ của quí 1-2019 là 6,24%.
Trao đổi với TBKTSG Online chiều 16-4, ông Huỳnh Văn Hùng, Cục trưởng Cục Thống kê TPHCM cho biết, mức tăng trưởng kinh tế của TPHCM trong 3 tháng đầu năm 2020 chỉ đạt 0,42% so với cùng kỳ (cùng kỳ tăng 7,64%). Đây là mức tăng thấp nhất từ năm 2009 đến nay.
Trước tình hình dịch bệnh vẫn còn kéo dài, ông Lê Thanh Liêm cho biết, trong quí 2-2020, TPHCM sẽ đẩy mạnh hỗ trợ doanh nghiệp trong tình hình dịch bệnh. TPHCM sẽ làm cầu nối cho các doanh nghiệp tiếp cận nhanh chóng với các gói hỗ trợ từ Chính phủ và nguồn ngân sách địa phương.
Đối với người lao động sẽ hỗ trợ người lao động khó khăn; xem xét kiến nghị gia hạn nộp thuế thu nhập cá nhân, hồ sơ khai thuế, hồ sơ khai quyết toán thuế thu nhập cá nhân năm 2019 kéo dài đến ngày 30-6.
Để kích cầu sản xuất và kinh doanh, thành phố sẽ thực hiện chương trình ổn định mặt bằng lãi suất. Thành phố sẽ tạo điều kiện để doanh nghiệp tìm được các nguồn hàng nhằm đảm bảo sản xuất, cung ứng hàng hóa.
Phát biểu tại hội nghị, Bí thư Thành Ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân đánh giá, do thực hiện các giải pháp phòng, chống dịch Covid-19 đã làm ảnh hưởng đến phát triển kinh tế của thành phố, đặc biệt là các ngành dịch vụ đều bị giảm mạnh. Khi nhu cầu giảm, dịch vụ giảm, nguồn cung cũng giảm sẽ kéo GDP giảm theo.
Ông Nhân lo lắng khi tăng trưởng kinh tế của TPHCM trong 3 tháng đầu năm 2020 chỉ đạt 0,42% so với cùng kỳ năm ngoái (cùng kỳ tăng 7,64%)
Dù các chỉ số về kinh tế giảm nhưng ông Nhân cho rằng, nhiệm vụ trọng tâm của TPHCM vẫn là phải phòng chống dịch thật tốt. Khi chống được dịch thì sẽ có điều kiện phục hồi sản xuất, dịch vụ thương mại sẽ từng bước tốt hơn.