Chuyển đổi sang kinh tế tuần hoàn là cơ hội lớn để Việt Nam phát triển nhanh, bền vững. Với doanh nghiệp, đó là con đường buộc họ phải đi, nếu muốn “làm ăn” với thế giới.
Những mô hình sáng tạo
Heineken là cái tên thường được nhắc tới rất nhiều trong những năm gần đây, không chỉ vì đó là một thương hiệu bia nổi tiếng thế giới, mà còn vì nhà sản xuất này đã nhiều năm liền lọt vào tốp đầu doanh nghiệp bền vững nhất Việt Nam.
“Chúng tôi đã và đang tiếp tục nỗ lực hoạt động sản xuất - kinh doanh một cách bền vững, thông qua việc áp dụng tối đa mô hình kinh tế tuần hoàn, từ đó mang lại những tác động tích cực cho môi trường”, bà Lê Thị Ngọc Mỹ, Giám đốc Phát triển bền vững của Heineken Việt Nam chia sẻ tại Hội thảo Kinh tế tuần hoàn: Hướng phát triển bền vững cho doanh nghiệp Việt Nam, được tổ chức cuối tuần qua.
Những nỗ lực mà Heineken thực hiện có thể kể đến như sử dụng năng lượng tái tạo tại 5/6 nhà máy; cắt giảm khí thải CO2 trên toàn bộ mạng lưới của mình. Chỉ riêng trong năm 2019, Heineken đã cắt giảm hơn 2.000 tấn khí thải CO2 nhờ việc tối ưu hóa tải trọng, sử dụng xe tải đạt chuẩn Euro 4 và tận dụng vận chuyển bằng xe lửa.
Đặc biệt, hiện nay, Heineken gần như không còn thực hiện việc chôn lấp chất thải và phế phẩm, bởi 99% trong số này được tái chế. Chai và két bia sau khi ra thị trường đều được thu hồi về nhà máy, trải qua quá trình khử trùng nghiêm ngặt, đảm bảo đạt tiêu chuẩn vệ sinh để có thể tái sử dụng. Một chai thủy tinh có thể được tái sử dụng tới 20 lần và một két bia có thể tái sử dụng trong 5-10 năm, sau đó sẽ được cán vụn và bán lại cho các công ty cung cấp thủy tinh và nhựa.
Hẳn nhiên, điều này sẽ mang lại lợi ích cho Heineken, vừa tiết kiệm được chi phí sản xuất, vừa góp phần quan trọng trở thành một nhà sản xuất xanh. Không những thế, với thu mua vỏ trấu, phế phẩm, phụ phẩm nông nghiệp để chuyển đổi sang sử dụng nhiên liệu sinh khối, Heineken còn giúp mang lại thu nhập cho người dân địa phương. Chỉ trong năm 2019, con số được tính toán là khoảng 52,6 tỷ đồng.
“Điều này cho thấy, kinh tế tuần hoàn không chỉ mang lại lợi ích cho môi trường và cộng đồng, mà còn có giá trị về mặt kinh tế cho doanh nghiệp địa phương”, bà Lê Thị Ngọc Mỹ nói.
Cùng với Heineken, một số doanh nghiệp khác cũng đã được nhắc đến như là ví dụ điển hình trong việc tích cực và sáng tạo áp dụng kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam. Unilever là một doanh nghiệp như vậy. Công ty này phấn đấu đến năm 2025, toàn bộ chất thải bao bì nhựa sẽ được thu gom, tái chế và tái sử dụng.
Các mô hình khác được ông Nguyễn Thế Chinh, nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược chính sách tài nguyên và môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) nhắc đến là trường hợp 9 công ty, bao gồm Coca-Cola Việt Nam, Friesland Campina, La Vie, Nestlé Việt Nam, NutiFood, Suntory PepsiCo Việt Nam, Tetra Pak Việt Nam, TH Group và URC Việt Nam đã thành lập Liên minh Tái chế bao bì Việt Nam (Pro Việt Nam). Hay mô hình chế biến phụ phẩm thủy sản (vỏ tôm, đầu tôm…) tạo ra Chitosan và SSE, với tiềm năng mang lại nguồn thu 4-5 tỷ USD/năm…
Tuy nhiên, chính ông Chinh cũng thừa nhận, những mô hình này không nhiều. Ở một số doanh nghiệp, việc tái sử dụng và tái chế chưa triệt để, công nghệ còn cũ và lạc hậu, mới chỉ chú trọng kinh tế, vì thế, một số mô hình tái chế chất thải lại chính là nguồn phát sinh chất thải…
Còn ông Nguyễn Quang Vinh, Tổng thư ký Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) thì cho rằng, các sáng kiến kinh tế tuần hoàn gần như mới chỉ được thực hiện ở các tập đoàn đa quốc gia với chiến lược toàn cầu và nguồn lực mạnh.
Tương lai của nền kinh tế
Kinh tế tuần hoàn, hiểu một cách đơn giản, chính là biến rác thải của ngành này thành nguồn tài nguyên của ngành khác. Đây là một khái niệm tương đối mới, nhưng đang trở thành xu hướng của các quốc gia, đặc biệt là các quốc gia phát triển có ít tài nguyên, nhất là khi nguồn tài nguyên trên thế giới đang ngày càng cạn kiệt.
Việt Nam cũng đang trong tình trạng như vậy. Thậm chí, việc phần lớn doanh nghiệp Việt Nam có công nghệ lạc hậu, lỗi thời, quy mô sản xuất nhỏ lẻ và thiếu nguồn lực đầu tư cho công nghệ tái chế… cũng đang khiến các mô hình sản xuất truyền thống ngày càng bộc lộ nhiều hạn chế.
Bởi vậy, một quan điểm thống nhất đã được đưa ra là, “kinh tế tuần hoàn chính là tương lai của nền kinh tế”.
Theo ông Trần Quốc Phương, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, phát triển kinh tế tuần hoàn giúp Việt Nam tránh lệ thuộc vào nền kinh tế bên ngoài, nhất là về nguyên liệu và nhiên liệu phục vụ sản xuất. Không những thế, việc chuyển đổi sang kinh tế tuần hoàn còn là một cơ hội lớn để Việt Nam phát triển nhanh và bền vững, không chỉ đạt mục tiêu kinh tế, xã hội, môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, mà còn giúp đạt được các mục tiêu của Chương trình Nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững.
Trong khi đó, nhìn ở góc độ doanh nghiệp, TS. Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh cho rằng, chuyển đổi sang kinh tế tuần hoàn là điều “buộc chúng ta phải làm”. “Một khi xuất khẩu sang châu Âu không đáp ứng được các tiêu chuẩn xanh, người tiêu dùng quay lưng, thì các doanh nghiệp buộc phải làm theo”, ông Võ Trí Thành nói và cũng nhắc đến việc Ngân hàng Nhà nước gần đây đã đưa ra chương trình tín dụng xanh, khi thẩm định cho vay dự án đều đặt “xanh” là một yếu tố quan trọng.
“Dự án không xanh, không có đánh giá tác động môi trường sẽ không vay được vốn. Không xanh không tiếp cận được vốn của các tổ chức, các ngân hàng quốc tế”, ông Thành nhấn mạnh.
Rõ ràng, vấn đề không phải chỉ là xu hướng, mà kinh tế tuần hoàn chính là con đường mà Việt Nam và doanh nghiệp Việt Nam phải đi, để phát triển nhanh và bền vững. Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Thế Chinh, có nhiều thách thức đối với việc thực hiện kinh tế tuần hoàn của Việt Nam, trong đó bao gồm cả việc nhận thức đúng về bản chất của kinh tế tuần hoàn, hay kinh tế tuần hoàn gắn với đổi mới công nghệ và pháp lý. Chưa kể, chưa có hành lang pháp lý, chưa có bộ tiêu chí để nhận diện đánh giá và cũng chưa có cơ quan đầu mối chủ trì về vấn đề này, trong khi kinh tế tuần hoàn liên quan đến nhiều lĩnh vực, từ rác thải đến biến đổi khí hậu, công nghệ và tiền vốn…
“Chúng ta cần một nhạc trưởng để thúc đẩy kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam”, các chuyên gia kết luận.
“Thực hiện mô hình kinh tế tuần hoàn sẽ giúp doanh nghiệp Việt Nam thực hiện được mục tiêu sản xuất và tiêu dùng bền vững. Việc lựa chọn nền kinh tế tuần hoàn đối với Việt Nam là yêu cầu tất yếu nhằm khắc phục hạn chế của mô hình tăng trưởng truyền thống”. - Ông Trần Quốc Phương, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư |