Báo cáo về kinh tế châu Á của Ngân hàng HSBC công bố ngày 11-7, chỉ ra ba điểm cộng và ba điểm trừ của kinh tế vĩ mô Việt Nam thời điểm này.
Nhà nước dự kiến sẽ vẫn phải tiếp tục thực hiện nhiều biện pháp nhằm thúc đẩy nhu cầu và khuyến khích đầu tư. Ảnh: Hồng Phúc
Ba điểm trừ
Thứ nhất, các tác giả báo cáo cho rằng, mức dự trữ ngoại hối vẫn khá mỏng để Việt Nam đối phó với những trường hợp rủi ro bất ngờ. Theo dữ liệu mới nhất từ IMF, dự trữ ngoại hối của Việt Nam đã giảm xuống 27,9 tỉ đô la Mỹ, tương đương hai tháng nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ theo số liệu vào cuối năm 2015. Còn theo HSBC, dựa trên dữ liệu thương mại và danh mục đầu tư hiện có cùng báo cáo truyền thông tại chỗ, họ tin rằng nguồn dự trữ có thể đã hồi phục về mức 33,6 tỉ đô la Mỹ (tương đương 2,5 tháng nhập khẩu) trong quí I-2016. Tuy nhiên, chỉ số này vẫn còn thấp, đặc biệt xét trong bối cảnh rủi ro đồng nhân dân tệ biến động, ảnh hưởng đến đồng tiền Việt Nam.
Điểm lo ngại thứ hai, lạm phát tăng dần làm hạn chế khả năng nới lỏng tiền tệ nhiều hơn. Lạm phát toàn phần trung bình ở mức 0,6% trong năm 2015, thấp nhất trong nhiều năm qua. Tuy nhiên, mức tăng CPI toàn phần đã tăng từ 0,8% so với cùng kỳ năm ngoái trong tháng Một lên 2,4% so với cùng kỳ năm ngoái trong tháng Sáu.
Lạm phát cơ bản tuy vẫn nằm trong vòng kiểm soát, dao động từ 1,6% đến 2,0% trong suốt một năm qua, nhưng sẽ vẫn tiếp tục tăng do nhu cầu nội địa dồi dào cùng tăng trưởng tín dụng mạnh mẽ. “Chúng tôi kỳ vọng lạm phát sẽ tăng thuyết phục hơn trong năm 2017 và lạm phát toàn phần sẽ chạm mốc 4,9% vào cuối năm. Điều này, theo quan điểm chúng tôi, sẽ hạn chế khả năng NHNN nới lỏng tiền tệ”, theo báo cáo.
“Vì vậy, chúng tôi trông đợi NHNN giữ nguyên lãi suất trước khi tiến hành đợt tăng đầu tiên vào quí III-2017”, báo cáo viết.
Thứ ba, thâm hụt ngân sách vẫn cao. Dựa trên số liệu tài chính hàng quí, báo cáo ước tính thâm hụt ngân sách đã giảm từ 6,7% năm 2014 và mốc 7,4% năm 2013 trở về 6,0% trong năm 2015. Tức là thâm hụt vẫn đang cao.
Theo kế hoạch ngân sách, tốc độ tăng trưởng thu ngân sách được dự báo sẽ chậm lại ở mức 11,4% so với cùng kỳ năm trước trong năm 2016, từ mốc 16,4% năm 2015, phần lớn vì doanh thu dầu mỏ giảm. Trong khi đó, tăng trưởng chi tiêu được dự đoán sẽ giảm từ 14,1% về 12,4% so với cùng kỳ năm trước trong năm 2016.
Thâm hụt ngân sách vẫn còn lớn cho thấy tỷ lệ nợ công trên GDP sẽ chạm ngưỡng giới hạn 65% do Quốc hội đặt ra cho năm 2016. Chính sách tài chính thắt chặt của Nhà nước có thể hạn chế khả năng Việt Nam phản ứng với những cú sốc kinh tế trong tương lai.
Các điểm cộng
Những điểm tích cực của kinh tế vĩ mô qua nửa đầu năm, theo báo cáo trên, nổi bật là sự cải thiện trong tốc độ tăng trưởng. Tốc độ tăng trưởng của Việt Nam trong quí I/2016 khá thấp, chỉ ở mức 5,6%. Nhưng những số liệu được công bố gần đây lại cho thấy đà tăng trưởng đã được cải thiện.
Tăng trưởng quí II/2016 không đổi so với cùng kỳ năm ngoái (5,6%) cũng đánh dấu bước phát triển tích cực. Ngành nông nghiệp và thủy sản tiếp tục đối mặt với vấn đề gián đoạn nguồn cung do những hiện tượng thời tiết khắc nghiệt (như El Niño). Nhưng mức tăng trưởng khiêm tốn của sản lượng các nhóm ngành chính lại cho thấy Việt Nam đã vượt qua thời kỳ gián đoạn nguồn cung tồi tệ nhất.
“Thông số GDP trong quí II góp phần khẳng định nhận định của chúng tôi: Việt Nam rất khó đạt được chỉ tiêu tăng trưởng đề ra. Nhưng Nhà nước sẽ vẫn phải tiếp tục thực hiện nhiều biện pháp nhằm thúc đẩy nhu cầu và khuyến khích đầu tư, ví dụ như hoãn kế hoạch thắt chặt tín dụng cho lĩnh vực cho thuê bất động sản. Chúng tôi vẫn giữ nguyên dự báo tăng trưởng GDP cho năm 2016 và 2017 lần lượt ở mức 6,3% và 6,6%”, theo báo cáo.
Thứ hai, nguồn vốn FDI tiếp tục dồi dào, giúp cán cân thanh toán duy trì ở mức dư dả và tạo điều kiện cho dự trữ ngoại hối phục hồi. Từ đầu năm đến tháng Sáu, nguồn FDI được giải ngân cán mốc 7,3 tỉ đô la Mỹ, đánh dấu tốc độ tăng trưởng 15,1% so với cùng kỳ năm trước. Với nhiều nhà máy bắt đầu hoạt động trong năm nay, dự báo FDI sẽ chiếm tỷ lệ ngày càng nhiều trong thị phần xuất khẩu quốc tế của Việt Nam.
Điểm thứ ba, tuy còn mờ nhạt, là các tín hiệu cải cách quan trọng khác bao gồm: tái cấu trúc và tư nhân hóa các doanh nghiệp nhà nước lớn và đẩy mạnh cải cách lĩnh vực ngân hàng.
Mới đây, Công ty quản lý Tài sản Việt Nam (VAMC) thông báo sẽ mua vào nợ xấu bằng tiền mặt. Quá trình chuyển đổi sang loại hình “mua bán thực sự” tuy chỉ một phần nhưng cũng có thể giúp đẩy nhanh quá trình cắt giảm nợ xấu của ngân hàng. Song với chi phí 2.000 tỉ đồng (tương đương 89,5 triệu đô la Mỹ), vẫn chưa thể khẳng định kế hoạch của VAMC có phát huy tác dụng không vì cơ sở vốn của VAMC có phần hạn chế trong tương quan so sánh với lượng nợ xấu quá lớn.
Nhìn về tương lai, báo cáo này dự báo lạm phát toàn phần sẽ đạt ngưỡng mục tiêu 5% vào cuối nửa đầu năm 2017. Do vậy, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) có khả năng sẽ nâng lãi suất ở kênh Thị trường Mở thêm 50 điểm cơ bản, lên mức 5,5% trong quí III/2017.
Nguồn thu ngân sách không gia tăng đáng kể cùng với giá dầu suy yếu cho thấy thâm hụt ngân sách nhiều khả năng vẫn tăng cao, hạn chế khả năng Nhà nước tăng cường chi phí đầu tư tài sản cố định.
“Trong năm 2016, chúng tôi dự đoán thâm hụt ngân sách sẽ nới rộng lên mức 6,6% GDP, khiến tỷ lệ nợ công trên GDP tiến đến ngưỡng giới hạn 65% do Quốc hội đặt ra. Để giành lại cơ hội tài chính, Việt Nam cần nỗ lực mở rộng cơ sở doanh thu và giảm thiểu chi tiêu hiện tại, nhưng những cải cách này không thể thực hiện một sớm một chiều”, theo các tác giả báo cáo.
Bạn có thể tải toàn bộ báo cáo trên tại đây.
Hồng Phúc / thesaigontimes.vn