“Vỉa hè không chỉ để đi bộ” hay “nền kinh tế vỉa hè” đã là một suy nghĩ khó thay đổi một sớm một chiều của đại bộ phận người dân.
Vài tuần nay, quán cà phê O.T ở quận 1 ngớt khách hẳn. Bà chủ thường đứng sau quầy pha cà phê, nay cứ phải chốc lát chạy ra cửa canh chừng để khách không ngồi tràn ra vỉa hè, xe dựng đúng chỗ. “Sai phạm thì cứ một cây dù bị phạt một triệu rưỡi, một chiếc xe bị phạt 200.000 đồng”, bà than thở. Cách đó không xa, chủ một tiệm bánh ái ngại nhìn cửa tiệm loang lổ, không biết làm sao để khách lên được bậc thềm cao 1,2m sau khi bậc tam cấp bị đập đi vì lấn chiếm vỉa hè.
Không riêng chị bán cà phê, anh bán bánh mì, mà hàng triệu người đang sinh nhai bằng nghề buôn gánh bán bưng cũng lo lắng kế mưu sinh trước đợt ra quân rầm rộ của các cấp chính quyền để sắp xếp lại vỉa hè. Rất nhiều chủ đề bàn luận về cuộc ra quân này, khen có, chê có nhưng tất cả đều đồng tình cần lập lại trật tự đô thị, nhưng đồng thời phải quan tâm đến đời sống của người dân đang sống nhờ vào vỉa hè.
Những xe đẩy, gánh hàng rong... là hiện thân của một nền kinh tế phi chính thức đã bám rễ trong đời sống đô thị nhiều thập niên qua tại các nước đang phát triển ở châu Á như Việt Nam. Một đề tài nghiên cứu tại quận 1 và quận 3 đã chỉ ra đang có 72 loại hoạt động mưu sinh gắn với vỉa hè, như sửa xe đạp, vá xe, xe ôm, giác hơi... Chuyên gia kinh tế Lê Bá Chí Nhân ước tính nền kinh tế vỉa hè đang cung cấp đến 30% lượng việc làm và 40% nhu cầu ăn uống của người đô thị. Vậy nên, “vỉa hè không chỉ để đi bộ” hay “nền kinh tế vỉa hè” đã là một suy nghĩ khó thay đổi một sớm một chiều của đại bộ phận người dân.
Các đợt ra quân “giành lại vỉa hè” tại TP.HCM đang tạo nên một phong trào rầm rộ, thu hút dư luận trên cả nước. Tất nhiên, phong trào này cũng vấp phải không ít phản ứng của người dân, nhất là những hộ dân đang kinh doanh trên vỉa hè. Nhiều người cho rằng cần phải có không gian kinh doanh trước khi chính quyền mạnh tay dẹp vỉa hè. Nhiều thành phố trên thế giới như Philippines, Indonesia đã từng thất bại trong nỗ lực giành lại vỉa hè khi chưa làm tốt việc tạo không gian kinh doanh thay thế cho vỉa hè. Vì vậy, thay vì “giành lại vỉa hè” bằng những biện pháp cứng rắn nên chọn phương án “quản lý tốt vỉa hè” linh hoạt hơn.
Thông qua các đợt chỉnh trang đô thị, TP.HCM muốn học tập Singapore. Nhưng ngay cả ở Singapore, hàng quán vỉa hè, các khu ẩm thực đường phố hay bán hàng lưu niệm vẫn tồn tại, song được quy hoạch và quản lý chặt chẽ. Các phố ẩm thực hoạt động theo khung giờ cố định. Vào giờ giới nghiêm, khu vực dành cho người đi bộ cấm xe cộ lưu thông. Các mô hình bán hàng rong vẫn tồn tại, nhưng được tổ chức hợp lý. Ngay ở Quảng trường thời đại New York, Mỹ sầm uất cũng tồn tại những xe đẩy bán hotdog với giá chỉ 2USD nhưng chi phí giấy phép để có được một chỗ đậu hợp pháp lại hơn 200.000USD. Paris hoa lệ được tờ France Wanderer nhận định là thành phố của các quán cà phê vỉa hè. Washington DC, Bangkok... nhiều thành phố du lịch nổi tiếng, đa phần vẫn tồn tại bán hàng rong, âm nhạc đường phố, xe bán thức ăn...
Chia sẻ với NCĐT, kiến trúc sư Ngô Viết Nam Sơn cho biết, không khuyến khích kinh doanh trên vỉa hè là xu hướng tương lai và được quy hoạch ngay từ đầu ở những khu đô thị mới như Nam Sài Gòn, các khu vực sẽ thành hình trong tương lai ở Củ Chi, Thủ Thiêm... Còn tại các đô thị hiện hữu, bài toán vỉa hè cần giải quyết cả yêu cầu kinh tế xã hội và bản sắc văn hóa. Theo ông Sơn, tuyến vỉa hè tối thiểu cho người đi bộ cần rộng từ 1,5-2m.
Do đó, tùy vào vị trí, chiều rộng của từng vỉa hè để xác định nơi nào chỉ dành cho người đi bộ, nơi nào cho phép để xe máy và cho phép kinh doanh trên vỉa hè, bán hàng rong. Với các hộ dân kinh doanh, dù được tạo điều kiện để thuê vỉa hè kinh doanh nhưng không được xây dựng kiến trúc kiên cố để lấn chiếm vỉa hè. Kiến trúc sư Phạm Thanh Tùng, Chánh văn phòng Hội Kiến trúc sư Việt Nam, cho rằng thiết kế đô thị trên từng tuyến phố còn cần được nghiên cứu kỹ để có vị trí hợp lý cho trồng cây xanh, trạm ATM, thùng rác, điện thoại công cộng...
Một nhà nghiên cứu của Viện Công nghệ Massachusetts (MIT), Mỹ đã công bố kết quả chuyên khảo được thực hiện ở TP.HCM trong 10 năm. Ông kết luận vỉa hè ở đây là không gian công cộng, nơi mà chỉ 40% diện tích dành để buôn bán, sinh hoạt và cả đi bộ; 60% còn lại bị chiếm dụng làm chỗ để xe. Chỗ để xe cũng là một bài toán khó cho quy hoạch tại TP.HCM vì nếu chỉ lập lại trật tự vỉa hè mà không có chỗ để xe tiện lợi thì cửa hàng mở ra cũng không có khách.
Nếu được tái tổ chức bài bản, 12 triệu m² vỉa hè của TP.HCM sẽ đem về nguồn lợi không nhỏ cho thành phố và cả người dân. Theo kiến trúc sư Nguyễn Văn Tất, Phó Chủ tịch Hội Kiến trúc sư TP.HCM, nếu thành lập một đơn vị khai thác kinh tế vỉa hè đô thị, chỉ cho thuê 1/4 diện tích lề đường với giá 150.000 đồng/tháng/m², thì hằng tháng có thể thu về 450 tỉ đồng.
Để cải tổ vỉa hè trong 930ha khu vực trung tâm TP.HCM, mở rộng ra toàn thành phố là một tiến trình bền bỉ của cả cơ quan nhà nước và người dân. Phó Giáo sư - Tiến sĩ Nguyễn Minh Hòa cho biết có thể học kinh nghiệm của Singapore khi quản lý đô thị theo lộ trình 3 bước. Cố Thủ tướng Singapore Lý Quang Diệu đã dành 6 tháng để tuyên truyền về quy định cấm đến các khu dân cư để nâng cao nhận thức người dân. Sau đó là 1 tháng công bố chi tiết các điều luật, mức xử phạt, chế tài để đảm bảo luật đi vào đời sống. Đến giờ G, bất kỳ vi phạm từ quan chức đến dân thường đều bị xử phạt mà không có sự nhân nhượng nào.
Sau những ngày rầm rộ ra quân lập lại trật tự vỉa hè, cơ quan nhà nước đang có những động thái căn cơ để giải quyết việc làm thay thế cho hàng triệu lao động vỉa hè mất việc làm. Đối thoại với người dân, ông Trần Thế Thuận, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Quận 1, cho biết Quận đang chuẩn bị phương án phân loại, sắp xếp công việc cho những người bán hàng rong trên địa bàn, khuyến khích học nghề, chuyển đổi công việc để có thu nhập ổn định. Đồng thời, Quận đã đề xuất thành lập phố hàng rong tại phường Bến Nghé và Bến Thành.
Đây cũng là câu chuyện mà Tiến sĩ Huỳnh Thế Du chia sẻ: Những vấn đề của nền kinh tế phi chính thức chỉ biến mất khi giải quyết được những vấn đề của khu vực kinh tế chính thức. Đó chính là việc phải giải quyết ổn thỏa việc làm, thu nhập, chất lượng cuộc sống của người dân.
Lan Anh / nhipcaudautu