Dù có khá nhiều tín hiệu tích cực, song các số liệu kinh tế vĩ mô 2 tháng đầu năm cho thấy còn nhiều khó khăn, thách thức cho nền kinh tế trong năm nay.
Phải rất nỗ lực thì kinh tế Việt Nam mới có thể về đích kế hoạch năm 2017
Nhiều số liệu thống kê mà Tổng cục Thống kê vừa công bố đã cho thấy, kinh tế Việt Nam đã có 2 tháng đầu năm diễn biến khá tích cực.
Một trong những bằng chứng là, trong 2 tháng đầu năm, cả nước có 14.451 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, với tổng vốn đăng ký 152.600 tỷ đồng, tăng 3,9% về số doanh nghiệp và tăng 35% về vốn đăng ký so với cùng kỳ năm 2016. Thậm chí, nếu tính cả số vốn đăng ký tăng thêm (181.300 tỷ đồng), thì tổng vốn đăng ký bổ sung vào nền kinh tế trong 2 tháng đầu năm là 333.900 tỷ đồng.
Thêm nữa, trong bối cảnh doanh nghiệp đăng ký mới tăng nhanh, thì số doanh nghiệp xin quay trở lại hoạt động cũng tăng khá mạnh so với cùng kỳ. Con số chính thức là 7.977 doanh nghiệp, tăng 7,6% so với cùng kỳ năm trước, góp phần nâng tổng số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới và doanh nghiệp quay trở lại hoạt động trong 2 tháng đầu năm lên hơn 22.400 doanh nghiệp.
Trong khi đó, số doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng hoạt động đã giảm nhẹ so với cùng kỳ năm trước.
Trong 2 tháng đầu năm, vốn đầu tư nước ngoài đăng ký vào Việt Nam đạt trên 3,4 tỷ USD, bao gồm cả phần đầu tư qua góp vốn, mua cổ phần, tăng 21,5% so với cùng kỳ năm trước. Việc cả doanh nghiệp nước ngoài và doanh nghiệp trong nước cùng sẵn lòng dốc vốn ra đầu tư, kinh doanh cho thấy, họ đã nhìn thấy những dấu hiệu ấm lên, tích cực hơn của nền kinh tế và tiềm năng tăng trưởng trong dài hạn của kinh tế Việt Nam.
Liên quan xuất khẩu, sau nhiều tháng tăng trưởng chậm, trong 2 tháng qua, xuất khẩu đã tăng tới 15,4%. Trong tổng số 27,3 tỷ USD kim ngạch xuất khẩu của 2 tháng, khu vực trong nước đóng góp 7,6 tỷ USD, tăng 12,2%. Đã rất lâu, tăng trưởng của khu vực trong nước mới đạt ở mức này. Dù kết quả chưa chắc chắn, bởi mới là 2 tháng đầu năm, song đây cũng vẫn là tín hiệu tích cực.
Mặc dù vậy, một số tín hiệu khác lại cho thấy, năm 2017 sẽ tiếp tục là một năm mà nền kinh tế Việt Nam sẽ phải phấp phỏng lo toan. Tháng 2/2016, tuy chỉ số giá tiêu dùng (CPI) chỉ tăng 0,23% so với tháng trước đó, song lại tăng tới 0,69% so với tháng 12/2016. Đặc biệt, nếu tính bình quân (bắt đầu từ năm nay sẽ được lấy làm thước đo chỉ số lạm phát của Việt Nam), thì CPI 2 tháng qua đã tăng tới 5,12% so với cùng kỳ năm 2016.
Lý giải về sự tăng giá này, Tổng cục Thống kê cho biết, nguyên nhân là do giá lương thực, giá xăng dầu và giá dịch vụ y tế tăng cao. Đây cũng là lý do khiến lạm phát chung đã tăng cao hơn mức lạm phát cơ bản (tăng 0,2% so với tháng trước, tăng 1,51% so với cùng kỳ, còn nếu tính bình quân là tăng 1,69% so với bình quân 2 tháng đầu năm ngoái).
Lạm phát rục rịch tăng cao trong những tháng đầu năm có thể sẽ ảnh hưởng đến mục tiêu kiểm soát lạm phát của cả năm, nhất là trong bối cảnh giá dầu thế giới đang có xu hướng tăng, làm tăng giá nhiều mặt hàng thiết yếu khác.
Không chỉ là những rủi ro trong kiểm soát lạm phát, những số liệu thống kê về tăng trưởng sản xuất trong nước cũng cho thấy nhiều mối lo.
Tuy tháng 2/2017, giá trị sản xuất công nghiệp tăng 15,2% so với cùng kỳ, nhưng tính chung 2 tháng lại chỉ tăng 2,4% - một mức tăng khá thấp. Đáng chú ý là, 2 tháng đầu năm nay, giá trị sản xuất ngành khai khoáng đã giảm tới 13,5%, làm giảm 2,9 điểm phần trăm mức tăng chung.
Sản xuất nông nghiệp và dịch vụ cũng chưa có nhiều cải thiện. Thậm chí, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ 2 tháng đầu năm sau khi trừ yếu tố giá cả chỉ còn tăng 5,6%, thấp hơn mức tăng 7,6% của cùng kỳ năm 2016.
Như vậy, phải rất nỗ lực thì kinh tế Việt Nam mới có thể về đích kế hoạch năm.
Hà Nguyễn / baodautu