"Triển vọng 2016 cho vĩ mô Việt Nam đan xen cả điểm sáng lẫn tối. Sự bền bỉ ổn định trong tăng trưởng sẽ thay thế cho sự bứt tốc mạnh mẽ trong năm vừa qua".
Ảnh minh họa. |
Đó là dự báo triển vọng vĩ mô Việt Nam vừa được BSC Research công bố.
Các dự báo cơ bản của BSC Research gồm: GDP 2016 dự kiến sẽ tăng 6,7 – 6,9%; tỷ lệ lạm phát có thể dao động trong vùng 1,8 – 3,5%; vốn FDI thực hiện có thể đạt 13,5 – 17 tỷ USD.
Ngoài ra, thương mại tăng trưởng, nhập siêu khoảng 4 – 6 tỷ USD; tỷ giá tăng 5 – 8%, đồng thời thay đổi cơ chế tỷ giá hiện tại; mặt bằng lãi suất tăng nhẹ trở lại, tín dụng và cung tiền tăng trưởng so với 2015.
Theo nhận định của BSC, Việt Nam sẽ đối mặt với nhiều thách thức trong năm tới trong việc giữ được đà tăng trưởng nhanh trong 2 năm gần đây, đến từ biến động cả thế giới và nội tại của Việt Nam.
Động lực thiếu bền vững vì dựa vào FDI
Theo BSC Research, động lực tăng trưởng của Việt Nam thiếu bền vững, chủ yếu dựa vào khu vực có vốn đầu tư nước ngoài. Trong khi đó, những rủi ro mất cân bằng có dấu hiệu tái xuất hiện, như nhập siêu, dự trữ ngoại hối bào mòn, ngân sách kém bền vững, lãi suất qua vùng đáy.
Do vậy, triển vọng 2016 và các năm tới sẽ sáng sủa hơn chỉ khi Việt Nam tận dụng tốt nền tảng vĩ mô khả quan gây dựng trong các năm vừa qua, đồng thời thúc đẩy quá trình tái cơ cấu, khuyến khích kinh tế tư nhân, cải thiện năng suất, và nâng cấp mô hình tăng trưởng...
Kinh tế Việt Nam trong năm 2016 sẽ đạt mức tăng trưởng tương đương 2015, khoảng 6,7 – 6,9%, dựa vào triển vọng dòng vốn FDI, xuất khẩu và nhu cầu nội địa cũng được cho là một điểm tựa đáng chú ý cho tăng trưởng trong năm tới.
Tuy nhiên, theo BSC, tăng trưởng GDP trong năm tới gặp nhiều thách thức như chất lượng tăng trưởng thấp do năng suất lao động hạn chế, quá trình tái cơ cấu nền kinh tế còn chậm, hay sự sút giảm kinh tế khu vực Đông Nam Á và Trung Quốc.
Khởi sắc nhờ các FTA
Theo BSC, năm tới tiếp tục là một năm tăng trưởng trong thương mại của Việt Nam. Cán cân thương mại có thể thâm hụt khoảng 4-6 tỷ USD.
Kim ngạch thương mại của Việt Nam trong năm tới có nhiều triển vọng tăng trưởng tốt nhờ việc tham gia đàm phán và ký kết một loạt các hiệp định thương mại tự do song phương và đa phương quan trọng trong năm 2015.
Xu hướng nhập siêu trong năm tới nhiều khả năng sẽ tiếp diễn và nới rộng hơn năm 2015. Hoạt động nhập khẩu máy móc, nguyên vật liệu phục vụ sản xuất, xuất khẩu, cùng với định hướng công nghiệp hóa nền kinh tế sẽ gia tăng và tăng cùng với sự gia tăng của vốn FDI.
Ở chiều ngược lại, sự gia tăng tỷ giá, tình hình chưa sáng sủa của giá hàng hóa thế giới, và tăng trưởng chậm lại ở các thị trường chính của Việt Nam như EU, ASEAN, Nhật Bản cũng tạo áp lực nhất định tới xuất khẩu.
(MẠNH NGUYỄN - BizLIVE)