Trong báo cáo Triển vọng Phát triển Châu Á (ADO) 2017 vừa công bố sáng 10/4, Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) đã chỉ ra nhiều “gam màu” sáng trong phát triển kinh tế Việt Nam năm 2017.
ADB dự báo tăng trưởng GDP Việt Nam sẽ tăng lên 6,5% trong năm 2017 và 6,7% trong năm 2018 |
Theo dự báo của ADB, tăng trưởng GDP Việt Nam được dự báo sẽ tăng lên 6,5% trong năm 2017 và 6,7% trong năm 2018. Với tăng trưởng mạnh trong ngành công nghiệp và dịch vụ dự kiến sẽ tiếp tục được duy trì, sản lượng nông nghiệp và khai khoáng tăng nhẹ cũng đóng góp thêm vào tăng trưởng kinh tế.
GDP Việt Nam sẽ tăng lên 6,5%
Ông Eric Sidgwick - Giám đốc Quốc gia của ADB tại Việt Nam phân tích: Khu vực sản xuất công nghiệp của Việt Nam được thúc đẩy nhờ tiếp tục triển khai các cơ sở sản xuất có vốn đầu tư nước ngoài mới, với mức giải ngân FDI đạt kỷ lục vào năm ngoái.
Sản xuất công nghiệp và xuất khẩu sẽ tiếp tục gia tăng khi nền kinh tế Mỹ tiếp tục mạnh lên, và các cơ hội thương mại mới được mở ra với Liên minh Châu Âu thông qua hiệp định thương mại tự do mới sẽ có hiệu lực vào đầu năm 2018.
Bên cạnh đó, ngành xây dựng tiếp tục tăng trưởng nhờ tỉ lệ giải ngân FDI cao nhằm xây dựng các cơ sở sản xuất mới, ngành bất động sản hoạt động mạnh mẽ hơn và đầu tư công tiếp tục cao vào hạ tầng giao thông vận tải và năng lượng.
Đặc biệt, tăng trưởng ngành dịch vụ vốn khá mạnh trong năm 2016 được dự báo sẽ tiếp tục xu hướng này trong năm 2017 và 2018, lượng khách du lịch sẽ tiếp tục gia tăng nhờ có chiến dịch quảng bá du lịch điện tử mà chính phủ mới triển khai gần đây.
Theo dự báo của ADB, ngành nông nghiệp sẽ có sự cải thiện trong năm 2017, với triển vọng giá lương thực toàn cầu sẽ tăng và tình hình thời tiết trở lại bình thường. Chính phủ đặt chỉ tiêu tăng trưởng ngành nông nghiệp đạt 2,8% trong năm 2017.
Về phía cầu, tiêu dùng tư nhân, ADB được dự báo sẽ tăng mạnh. Lòng tin của người tiêu dùng vẫn ở mức cao, thể hiện qua kết quả khảo sát hồi tháng 11/2016 cho thấy 43% doanh nghiệp dự báo doanh số bán lẻ sẽ được cải thiện trong năm 2017 và 39% dự báo điều kiện kinh doanh sẽ duy trì ổn định.
Bên cạnh đó, triển vọng đầu tư tư nhân cũng tỏ ra sáng sủa. Cải cách thực tiễn kinh doanh đã giúp Việt Nam cải thiện vị thế trong xếp hạng Môi trường Kinh doanh của Ngân hàng Thế giới từ vị trí 91 trên 189 quốc gia được khảo sát trong năm 2016 lên 82 trên 190 nước trong khảo sát năm 2017.
“Các cuộc cải cách đang diễn ra - cho phép nhà đầu tư nước ngoài được sở hữu nhiều hơn cổ phần trong nước tại các doanh nghiệp nhà nước cổ phần hoá, cùng với việc cho phép nhà đầu tư tư nhân tham gia các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng - sẽ là động lực khuyến khích đầu tư tư nhân”. - ông Eric Sidgwick khẳng định.
Số lượng doanh nghiệp mới thành lập lên đến con số kỷ lục là 110.000 doanh nghiệp trong năm 2016, tăng 16,2% so với năm 2015. Chỉ số quản trị mua hàng Nikkei – đo lường kỳ vọng dự trữ hàng tồn kho của doanh nghiệp đã đạt mức cao kỷ lục vào tháng 2/2017, với số lượng đơn hàng mới cho các nhà sản xuất đặc biệt tăng vọt.
“Khi tốc độ tăng trưởng tăng lên, lạm phát cũng được dự báo sẽ tăng đến 4,0% trong năm nay, và 5,0% trong năm 2018 (hình 3.31.10). Dự báo về việc tăng giá nhiên liệu và lương thực toàn cầu cũng như lãi suất đô-la Mỹ cùng với việc đồng đô-la mạnh lên là những yếu tố làm gia tăng lạm phát từ nước ngoài đưa vào. Một nguyên nhân nữa làm cho lạm phát tăng là việc tiếp tục triển khai lộ trình điều hành giá cả trong các lĩnh vực giáo dục, y tế, điện, nước và lương tối thiểu”. – ông Eric Sidgwick nhấn mạnh.
Thâm hụt ngân sách sẽ được cắt giảm
Báo cáo của ADB dự báo, tăng trưởng cao và lạm phát tăng sẽ làm cho thặng dư tài khoản vãng lai giảm xuống. Kim ngạch xuất khẩu hàng hoá được dự báo sẽ tăng với tốc độ 10%/năm trong vòng 2 năm tới khi các nhà máy có vốn đầu tư nước ngoài bắt đầu đi vào sản xuất và các hiệp định thương mại tự do mới có hiệu lực.
Kim ngạch nhập khẩu dự báo sẽ còn tăng nhanh hơn vì các luồng vốn đầu tư FDI lớn hơn sẽ làm tăng nhu cầu nhập khẩu hàng hoá vốn và đầu vào cho sản xuất. Do vậy, mức thặng dư tài khoản vãng lai hiện nay được dự báo sẽ giảm xuống còn 2,0% GDP trong năm nay và 2,5% GDP trong năm 2018.
Ngoài ra, áp lực nợ công buộc chính phủ phải đặt ra các chỉ tiêu tham vọng về bội chi ngân sách, kiềm chế mức thâm hụt tương đương 3,5% GDP trong năm 2017 và giữ nó ở mức 4,0% trong năm 2018. Tuy nhiên, thâm hụt ngân sách sẽ được cắt giảm chủ yếu nhờ vào nguồn thu tăng lên từ việc cổ phần hoá các doanh nghiệp nhà nước, đây là một trong những nguồn thu ngân sách của chính phủ.
Nếu không tính nguồn thu này, thì kết quả cắt giảm thâm hụt ngân sách sẽ khiêm tốn hơn nhiều. Về phía chi ngân sách, chính phủ dự kiến sẽ cắt giảm 6% chi thường xuyên đồng thời tăng chi đầu tư lên 36%. Những mục tiêu củng cố tài khoá trong trung hạn là nhiệm vụ đầy thách thức, đòi hỏi phải tiến hành cải cách thuế sâu rộng hơn, quản lý thu ngân sách tốt hơn và chi tiêu công hiệu quả hơn.
Khả năng bị tổn thương trong khu vực tài chính là một rủi ro đối với những triển vọng nói trên. Tiến độ tái cấu trúc ngân hàng và xử lý nợ xấu chậm hơn mong đợi, làm cho các ngân hàng đứng trước các nghĩa vụ nợ tiềm ẩn lớn. Khi ngân hàng trung ương đặt chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng trong năm 2017 là 18%, thì việc tăng trưởng hoạt động cho vay trong nước nhanh hơn tốc độ tăng trưởng tiền gửi sẽ là đặt ra thách thức trong việc duy trì đủ thanh khoản trong hệ thống ngân hàng.
“Tỉ lệ đủ vốn (CAR) được báo cáo ước đạt 12,8% tại thời điểm cuối năm 2016, cao hơn khá đáng kể so với mức tối thiểu 9% do ngân hàng trung ương quy định, song lại không được tính theo chuẩn mực quốc tế Basel II. Theo kế hoạch của chính phủ, tất cả các ngân hàng thương mại sẽ phải đáp ứng tiêu chuẩn vốn theo Basel II vào năm 2020, đồng nghĩa với việc nhiều ngân hàng sẽ cần phải được bơm thêm vốn từ các nhà đầu tư nước ngoài. Việc này đòi hỏi khuôn khổ pháp lý phải được cải thiện đáng kể, bao gồm việc nâng trần sở hữu cho nhà đầu tư nước ngoài tại các ngân hàng”. – báo cáo cho hay.
Đặc biệt, báo cáo đã chỉ ra một nguy cơ khác đối với triển vọng này là khả năng cầu thế giới đột ngột yếu đi. Tốc độ tăng trưởng sút giảm của nền kinh tế Trung Quốc – một bạn hàng lớn của Việt Nam – sẽ làm suy yếu vị thế thương mại của Việt Nam. Ngoài ra, nếu tình hình tài chính toàn cầu có biến động xấu cũng sẽ có ảnh hưởng lan toả đến thị trường trong nước, ngay cả khi thị trường vốn của Việt Nam vẫn chưa hoàn toàn mở cửa.
Thụy Du / DĐDN