Trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế - xã hội Quốc gia (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) nhận định, mặc dù còn nhiều khó khăn, áp lực, song trong năm 2017, kinh tế Việt Nam nhiều khả năng sẽ tiếp tục phục hồi.
Theo phân tích của Trung tâm này, có hai lý do để nền kinh tế Việt Nam có thể tiếp tục phục hồi. Một là, các nền kinh tế lớn như Mỹ và EU đang trên đà phục hồi sẽ giúp Việt Nam thúc đẩy việc xuất khẩu vì đây là 2 thị trường xuất khẩu chủ lực của Việt Nam; Hai là, những cải thiện về môi trường đầu tư, kinh doanh, triển vọng hội nhập kinh tế quốc tế và hoạt động sản xuất kinh doanh tiếp tục khởi sắc.
Nền kinh tế Việt Nam được dự báo sẽ gặp nhiều áp lực trong năm 2017. |
Đặc biệt, những cải thiện mạnh mẽ về cơ chế chính sách liên quan đến cải cách thể chế, môi trường đầu tư, kinh doanh được Chính phủ quyết liệt chỉ đạo thực hiện trong năm 2016 và 2017 sẽ phát huy hiệu quả nhiều hơn trong năm nay, kỳ vọng rằng trong thời tới hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp Việt Nam sẽ tăng trưởng mạnh mẽ hơn, mức độ gia nhập thị trường và gia tăng vốn đầu tư cho nền kinh tế sẽ tăng mạnh hơn so với năm 2016.
Nhiều bất lợi
Tuy nhiên, cũng theo Trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế - xã hội Quốc gia, trong bối cảnh kinh tế quốc tế còn tiềm ẩn nhiều yếu tố bất lợi, kinh tế Việt Nam sẽ gặp nhiều khó khăn trong việc thực hiện mục tiêu tăng trưởng đề ra.
Thứ nhất, những thách thức từ bên ngoài do bất ổn địa chính trị năm 2016, xu hướng gia tăng bảo hộ mậu dịch và việc rút khỏi TPP và vấn đề chính trị hóa vốn đầu tư của Mỹ có thể tác động tiêu cực tới hoạt động thương mại và đầu tư trực tiếp nước ngoài của Việt Nam.
Thứ hai, những bất ổn của kinh tế Trung Quốc và tình trạng dư thừa năng lực sản xuất của nước này có thể làm giảm nhu cầu nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam, và tăng xuất khẩu hàng hóa của Trung Quốc, cũng như những rủi ro lớn khi tiếp nhận những nhà máy, máy móc thiết bị, công nghệ lạc hậu, tiêu hao nhiều nguyên vật liệu không thân thiện với môi trường thông qua đầu tư trực tiếp nước ngoài hay dưới hình thức ODA.
Thứ ba, rủi ro về tài chính tiền tệ quốc tế sẽ tạo sức ép lên tỷ giá do chính sách tăng cường bảo hộ thương mại cũng như tăng lãi suất của Mỹ và chính sách tiền tệ cũng như rủi ro từ thị trường tài chính của Trung Quốc.
Thứ tư, chính sách bảo hộ thương mại và thuế biên giới mà Mỹ đề xuất sẽ khiến cho xuất khẩu của Việt Nam vào Mỹ gặp nhiều khó khăn, do Mỹ là thị trường xuất khẩu chủ lực của Việt Nam. Việc FED tăng lãi suất của đồng USD sẽ khiến cho đồng VND giảm giá so với đồng USD.
Trong bối cảnh cơ chế tỷ giá được thay đổi theo hướng chuyển từ neo tỷ giá với đồng USD sang điều hành theo tỷ giá trung tâm, đồng VND sẽ không còn tăng giá cùng với đồng USD như trước đây. Do đó, việc Fed tăng lãi suất có thể sẽ có tác động mạnh hơn tới mặt bằng tỷ giá của Việt Nam từ năm 2017 trở đi so với năm 2016.
Trong khi đó, tăng trưởng trong nước cũng gặp nhiều thách thức. Động lực tăng trưởng truyền thống của Việt Nam như vốn, xuất khẩu và dựa vào khu vực công nghiệp đã không còn nhiều dư địa như những năm trước.
Bên cạnh đó, trong năm 2017, vốn đầu tư nước ngoài có khả năng tăng chậm lại, những lĩnh vực phụ thuộc vào vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài như công nghiệp chế biến chế tạo hay xuất khẩu sẽ chịu tác động đầu tiên.
Với việc chậm xóa bỏ rào cản trong sản xuất như “chi phí không chính thức”, “tính năng động của chính quyền”, “tiếp cận đất đai” và “cạnh tranh bình đẳng” sẽ vẫn tiếp tục gây ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động sản xuất kinh doanh của cộng đồng doanh nghiệp.
Đặc biệt, sức ép lạm phát đang gia tăng do chịu áp lực từ giá cả thế giới, sự điều chỉnh giá các mặt hàng do Nhà nước quản lý và biến động tài chính tiền tệ. Áp lực tăng tỷ giá và lãi suất có thể ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất trong nước và những phản ứng dây chuyền trên thị trường bất động sản hay thị trường chứng khoán và nguy cơ tăng lạm phát.
Ngoài ra, thu ngân sách sẽ ngày càng khó khăn do thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp tiếp tục giảm theo lộ trình cũng như thực hiện các cam kết cắt giảm thuế suất thuế nhập khẩu. Tái cơ cấu kinh tế giai đoạn 2011-2015 không đạt mục tiêu nên nền tảng kinh tế vĩ mô và một số cân đối lớn chưa vững chắc cũng sẽ gây áp lực đến tiến trình tái cấu trúc và chuyển đổi mô hình tăng trưởng trong thời gian tới.
Đâu là giải pháp?
Để tiếp tục ổn định nền kinh tế vĩ mô, đẩy mạnh sản xuất kinh doanh, theo Trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế - xã hội Quốc gia trong thời gian tới, cần tiếp tục cải cách thể chế và ổn định môi trường kinh tế vĩ mô để khôi phục niềm tin của các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh và của người tiêu dùng, thúc đẩy xuất khẩu và giảm nhập siêu. Đặc biệt cần theo dõi việc thực thi Nghị quyết 19 về cải thiện môi trường kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.
Bên cạnh đó, cần thực hiện tốt kiểm soát lạm phát trong bối cảnh giá cả hàng hoá thế giới biến động khó lường. Giảm áp lực giá cả lên tâm lý tiêu dùng của người dân bằng các biện pháp kiểm soát giá cả nói chung và một số mặt hàng, dịch vụ thiết yếu nói riêng; Điều hành chính sách tiền tệ thận trọng, linh hoạt theo tín hiệu thị trường. Có biện pháp để quản lý chặt chẽ hạn mức tín dụng, nhất là tín dụng đối với đầu tư bất động sản. Nghiên cứu giảm dần lãi suất cho vay đầu tư sản xuất kinh doanh một cách phù hợp với diễn biến lạm phát và yêu cầu phục hồi nền kinh tế.
Cũng theo Trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế - xã hội Quốc gia, cần có những giải pháp mạnh mẽ nhằm giảm chi thường xuyên, để giảm bội chi ngân sách. Đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước và vốn trái phiếu chính phủ.
Đặc biệt, cần tận dụng cơ hội do hội nhập mang lại, tiếp tục thực hiện các giải pháp tăng cường thu hút FDI và triển khai hiệu quả các chính sách ưu đãi cũng như nâng cao năng lực cạnh tranh và cải thiện môi trường kinh doanh. Tuy nhiên, cần thực hiện cơ chế chọn lọc trong thu hút các dự án đầu tư nước ngoài, đặc biệt lưu ý kiểm soát chặt chẽ đối với các dự án sử dụng công nghệ lạc hậu, tiêu hao năng lượng lớn và ảnh hưởng lớn đến môi trường.
Ngoài ra, cần khuyến khích đầu tư tư nhân vào phát triển kinh tế xã hội thông qua việc cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư tư nhân, thúc đẩy sản xuất kinh doanh của khu vực tư nhân để khai thác triệt để nguồn lực về thị trường, vốn, lao động bằng những ưu đãi về tài chính, đất đai.
Bảo Lam / DĐDN