IMF nâng mức dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu lên 6% cho thấy triển vọng sáng sủa của kinh tế thế giới trong 2021. Điều đó chắc chắn sẽ tác động tích cực tới kinh tế Việt Nam.
IMF cũng đã dự báo rằng, kinh tế Việt Nam sẽ tăng trưởng 6% trong năm nay.
Cũng cần phải nhắc lại rằng, đây là mức tăng trưởng cao nhất kể từ những năm 1970, chủ yếu nhờ các chính sách chưa từng có của các quốc gia nhằm ứng phó với đại dịch Covid-19, đồng thời cao hơn đáng kể so với con số dự báo 5,1% vào cuối tháng 1/2021, thậm chí cao gần gấp đôi mức dự báo vào tháng 10 năm ngoái.
Trên thực tế, không chỉ Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), mà nhiều tổ chức quốc tế đã có những đánh giá tích cực hơn về kinh tế toàn cầu trong năm 2021. Có nhiều lý do để đưa ra những dự báo như vậy. Và một trong những điểm quan trọng nhất chính là gói cứu trợ 1.900 tỷ USD của Mỹ.
Triển vọng kinh tế của Mỹ rõ ràng đã sáng hơn rất nhiều sau khi Tổng thống Joe Biden thông qua gói cứu trợ lớn nhất kể từ trước tới nay. IMF thậm chí đã dự báo rằng, kinh tế Mỹ sẽ tăng trưởng 6,4% trong năm nay.
Không chỉ Mỹ, kinh tế châu Á cũng đang tăng trưởng trở lại. Hàn Quốc, Nhật Bản đều nằm trong số này. Kinh tế Trung Quốc đang cho thấy những dấu hiệu trên đà hồi phục. Kinh tế các nước ASEAN, ngoại trừ Myanmar, đều có dấu hiệu hồi phục. Trong đó, Singapore là nước có mức cải thiện mạnh nhất trong lĩnh vực sản xuất và dịch vụ với Chỉ số PMI đạt 55,2. Theo sau là Philippines, với Chỉ số PMI là 52,5…
Như vậy, ngoài khu vực châu Âu còn đang vật lộn với khó khăn, các đối tác kinh tế lớn của Việt Nam đều đang trong xu hướng hồi phục. Điều đó sẽ mang tới cơ hội cho kinh tế Việt Nam trong năm nay, khi dòng đầu tư, thương mại toàn cầu sẽ tăng trưởng trở lại. Đó cũng là lý do giải thích vì sao, IMF cũng đã dự báo rằng, kinh tế Việt Nam sẽ tăng trưởng 6% trong năm nay.
Triển vọng sáng sủa, nhưng rủi ro, thách thức là không nhỏ. Bởi dù bắt đầu có xu hướng hồi phục, song kinh tế thế giới còn rất nhiều bất định, rủi ro, thách thức.
Mỹ được dự báo sẽ tiếp tục các biện pháp kiềm chế Trung Quốc về kinh tế - thương mại - công nghệ và có thể củng cố được liên minh với một số nước đối tác nhằm thực hiện các biện pháp này.
Dịch bệnh Covid-19 và các biến thể cũng còn diễn biến phức tạp, luôn tiềm ẩn nguy cơ bùng phát làn sóng tiếp theo. Nếu dịch bệnh bùng phát trở lại, các quốc gia buộc phải thực hiện biện pháp thắt chặt. Khi đó, chuỗi cung ứng vào các thị trường xuất khẩu chính của Việt Nam như Trung Quốc, Mỹ, EU… cũng sẽ bị gián đoạn. Hơn nữa, dù có nhiều chuyển biến trong nghiên cứu và tiếp cận vắc-xin, nhưng rủi ro gián đoạn chuỗi cung ứng vắc-xin cũng chưa thể loại trừ.
Đấy mới chỉ là rủi ro của kinh tế toàn cầu. Còn với kinh tế Việt Nam, rủi ro tài khóa cũng gia tăng khi Chính phủ phải chi nhiều hơn thu để kích thích phục hồi kinh tế. Chưa kể còn rủi ro nợ xấu trong khu vực tài chính; hay rủi ro xã hội phát sinh do người dân và doanh nghiệp gặp khó khăn về tài chính…
Và một rủi ro lớn khác của không chỉ kinh tế Việt Nam, mà cả kinh tế toàn cầu, đó là lạm phát có nguy cơ tăng cao trở lại. Chính IMF cũng dự báo rằng, trong vài tháng tới, lạm phát trên toàn cầu có thể biến động mạnh vì mức giá hàng hóa đã rơi xuống mức thấp kỷ lục tại thời điểm một năm trước. Giờ khi kinh tế phục hồi, mức giá sẽ tăng nhanh.
Ở Việt Nam, dù hiện tại, lạm phát đang được kiểm soát tốt, với mức CPI bình quân 3 tháng là 0,29%, thấp nhất trong vòng 20 năm qua. Song khác với năm ngoái (CPI diễn biến theo chiều hướng giảm dần), thì năm nay, sẽ tăng dần. Trong vài tháng tới, CPI có khả năng chuyển động theo chiều hướng tăng, nhất là khi hoạt động đầu tư, sản xuất - kinh doanh, xuất nhập khẩu hàng hóa nhộn nhịp trở lại.
Chính vì vậy, dù triển vọng là sáng sủa, nhưng cần tiếp tục theo dõi tình hình để có phản ứng chính sách kịp thời, bởi bài học kinh nghiệm cho thấy, trong mọi trường hợp, ổn định kinh tế vĩ mô bao giờ cũng là nền tảng quan trọng để nền kinh tế phục hồi và tăng tốc.