Suốt 1/4 thế kỷ qua, tốc độ tăng GDP bình quân đầu người của Việt Nam đứng thứ 2 thế giới, chỉ sau Trung Quốc.
Sau 1/4 thế kỷ, Việt Nam đã đạt được những thành tựu ấn tượng về tăng trưởng kinh tế.
Tốc độ tăng trưởng GDP bình quân đầu người đạt 5,5%/năm kể từ năm 1990, khiến thu nhập trung bình tăng 3,5 lần.
So sánh trên thế giới, kết quả này chỉ đứng sau Trung Quốc.
Tốc độ tăng trưởng GDP đầu người của Việt Nam trong suốt 25 năm qua chỉ đứng sau Trung Quốc, mặc dù khoảng cách với đất nước này còn khá xa. Nguồn: Báo cáo Việt Nam 2035.
Động lực tăng trưởng đến từ đâu?
Báo cáo Việt Nam 2035 nhận định: Việt Nam tăng trưởng cao nhờ ổn định kinh tế vĩ mô và chính sách mở cửa mạnh mẽ
Thương mại quốc tế là một động lực tăng trưởng chính, phần lớn dựa vào đầu tư trực tiếp nước ngoài với tổng trị giá lên tới 250 tỉ USD đến từ trên 100 quốc gia khác nhau.
Tỷ trọng thương mại trong GDP của Việt Nam khá cao trong khu vực.
Đến năm 2015, đất nước đã chuyển biến hoàn toàn và trở thành một nền kinh tế năng động, có thu nhập trung bình thấp.
Tỷ lệ nghèo đã giảm nhanh chóng từ khi bắt đầu Đổi mới tính theo nhiều chuẩn nghèo của quốc tế cũng như trong nước. Theo chuẩn 1,90 USD/ngày thì tỷ lệ nghèo giảm từ mức 50% đầu thập kỷ 1990 xuống còn khoảng 3% hiện nay.
“Vấn đề của Việt Nam cũng như các nước trên thế giới là khi chúng ta sử dụng tối đa đòn bẩy – những nguồn lực chúng ta có, chúng ta phải cắt giảm một loạt những yếu tố như lãi suất, gói kích cầu… Giờ phải thực hiện cải cách về mặt cơ cấu, chính trị”, Chủ tịch Ngân hàng Thế giới (WB) Jim Yong Kim nói.
“Trên thế giới, chúng ta sẽ thấy những nước chiến thắng sẽ là những nước cam kết thực hiện những cải cách cơ cấu cần thiết để vạch ra con đường cho tăng trưởng trong tương lai”.
4 lĩnh vực còn thua xa thế giới…
Mặc dù thành tích tăng trưởng kinh tế rất đáng kể, báo cáo cũng đưa ra nhận định: Việt Nam vẫn thua kém trong một số lĩnh vực.
Một là, năng suất lao động đã và đang theo xu hướng giảm kể từ cuối thập kỷ 1990 trong hầu hết các lĩnh vực sản xuất công nghiệp, cũng như lĩnh vực khai khoáng, tài chính và bất động sản.
Hai là, tuy tránh được tình trạng bất bình đẳng gia tăng mạnh như tại các quốc gia tăng trưởng cao khác nhưng khoảng cách giàu nghèo vẫn còn lớn.
Ba là, tăng trưởng kinh tế phần lớn đạt được với những phí tổn về môi trường. Việt Nam là một trong những quốc gia dễ bị tổn thương nhất bởi biến đổi khí hậu với những khó khăn nghiêm trọng về khả năng thích ứng, nhất là ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long.
Do hầu như toàn bộ tiềm năng thủy điện lớn đã được khai thác hết và các nguồn năng lượng tái tạo khác lại chỉ được khai thác hạn chế, sự phụ thuộc ngày càng nhiều vào than là một nguy cơ ngày càng tăng về mặt bền vững môi trường và an ninh năng lượng.
Cuối cùng nhưng không kém phần quan trọng, những thiết chế công ở Việt Nam chưa đáp ứng được yêu cầu ngày càng tăng của nền kinh tế thị trường và khát vọng của một xã hội trung lưu đang dần lớn mạnh.
(Theo Trí Thức Trẻ)