Các chuyên gia nhận định mức tăng trưởng GDP 6,68% năm 2015 dù ấn tượng nhưng bình quân 5 năm qua vẫn thấp hơn nhiều các giai đoạn trước và mô hình tăng trưởng còn thiếu bền vững.
Phân tích về tình hình năm 2015 của GS. TS Trần Thọ Đạt và PGS. TS Tô Trung Thành (Đại học Kinh tế Quốc dân) tại hội thảo khoa học gần đây hé lộ nhiều bất ổn trong mô hình tăng trưởng của kinh tế Việt Nam.
Năm 2015, tăng trưởng kinh tế lên mức cao nhất trong 5 năm khi đạt 6,68% và được xem là một điểm sáng trong điều hành kinh tế vĩ mô khi đưa nền kinh tế phục hồi. Tuy nhiên, theo phân tích của nhóm chuyên gia này, nền kinh tế Việt Nam vẫn trong vùng trũng suy giảm và thiếu nhiều động lực để vượt qua vùng trũng ấy. Lý do được ông Tô Trung Thành đưa ra là mức tăng trưởng năm 2015 dù cao nhưng thực tế bình quân 5 năm (2011-2015) chỉ đạt 5,8% (thấp hơn mức bình quân 2006-2010) và kém xa mức 7,61% của giai đoạn trước khủng hoảng 2000-2006.
GDP tuy tăng cao nhưng chất lượng tăng trưởng lại thấp là một trong những vấn đề khiến các chuyên gia lo ngại về kinh tế Việt Nam. Ảnh: Anh Quân. |
GDP tuy tăng cao nhưng chất lượng tăng trưởng lại thấp là một trong những vấn đề khiến các chuyên gia lo ngại về kinh tế Việt Nam. Ảnh: Anh Quân.
Theo ông Tô Trung Thành, dù GDP 2015 cao nhất 5 năm nhưng chất lượng tăng trưởng hiện vẫn thấp, một bằng chứng là năng suất lao động đang tụt hậu khá xa so với các nước trong khu vực. Ông dẫn chứng số liệu cho thấy giá trị gia tăng công nghiệp trên mỗi lao động (GDP trên một lao động) của Việt Nam chỉ bằng một nửa so với Philippines và một phần tư với Trung Quốc.
Chia sẻ nhận định này, hai chuyên gia GS. TS Ngô Thắng Lợi và PGS. TS Trần Thị Vân Hoa (Đại học Kinh tế Quốc dân) cũng cho rằng tăng trưởng kinh tế vẫn chưa chất lượng khi nhờ nhiều vào gia công.
"Xu hướng kinh tế gia công không chỉ ở ngành công nghiệp mà còn lan sang cả nông nghiệp. Sản xuất nông nghiệp giờ có xu hướng gia công, nhập cả phân bón, thuốc trừ sâu, giống cây trồng, vật nuôi,...", các tác giả nêu. Ngoài ra, cơ cấu tăng trưởng không hợp lý khi chủ yếu tăng ở ngành công nghiệp, vật liệu xây dựng trong khi dịch vụ có xu hướng giảm; khu vực FDI tăng nhanh còn doanh nghiệp trong nước lại quá thấp...
Các chuyên gia cũng đề cập tới câu chuyện "thoát" Trung vốn được đặt ra trong năm vừa qua. Theo ông Tô Trung Thành, ngay cả thoát được Trung Quốc thì Việt Nam cũng vẫn là nền kinh tế phụ thuộc vào một quốc gia khác, có thể là Hàn Quốc hoặc bất cứ nước nào do cơ cấu nền kinh tế quá trông chờ vào doanh nghiệp FDI. Không thể phủ nhận đóng góp của khu vực FDI rất lớn, chiếm 18% sản lượng cả nền kinh tế nhưng nhóm này chủ yếu tập trung vào ngành gia công, không đóng góp tích cực cho cải thiện công nghệ. Hiện chỉ có 5-6% doanh nghiệp FDI sử dụng công nghệ cao tại Việt Nam, phần lớn (80%) vẫn dùng công nghệ trung bình. Chưa kể, khu vực này cũng chỉ tạo ra khoảng 5% việc làm cho nền kinh tế.
Phân tích của nhóm chuyên gia Đại học Kinh tế Quốc dân cho thấy, xu hướng nhập khẩu từ Trung Quốc hay Hàn Quốc sẽ còn tiếp diễn, không chỉ bởi Việt Nam phụ thuộc phần lớn nguyên liệu đầu vào từ họ. Thực tế, Việt Nam đang tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu nhưng lại chỉ đóng góp vị trí cuối cùng trong chuỗi giá trị đó. Chiến lược "Trung Quốc +1", hay "Thái Lan +1" đang được nhiều tập đoàn đa quốc gia theo đuổi để tìm một địa điểm ngoài hai nước này đặt cơ sở gia công, sản xuất nhằm tránh xu hướng tiền nhân công tại Trung Quốc ngày một gia tăng. Đồng thời, địa điểm ấy vẫn đủ gần để xuất ngược trở lại Trung Quốc hay Thái Lan. Với tiêu chí này, Việt Nam là lựa chọn hàng đầu.
"Thế nhưng, Việt Nam chỉ tham gia ở một khâu cụ thể, điểm cuối của chuỗi sản xuất này, là lắp ráp các chi tiết nhập khẩu và thiếu sự tham gia của các doanh nghiệp trong nước", ông Tô Trung Thành phân tích.
Tại hội thảo, nhóm chuyên gia khuyến nghị Chính phủ cần có cơ chế thu hút các doanh nghiệp quy mô vừa và nhỏ từ nước ngoài (như Nhật Bản, Đài Loan, Hàn Quốc) đầu tư vào ngành công nghiệp phụ trợ thay vì chỉ tập trung hút vốn từ các tập đoàn đa quốc gia.
"Điểm mấu chốt là cần xây dựng ngành công nghiệp phụ trợ hiện đại, đáp ứng nhu cầu, mở rộng cơ hội kết nối vào mạng sản xuất toàn cầu", PGS. TS Tô Trung Thành nói.
(Theo Thanh Thanh Lan - VnExpress)