Báo cáo Việt Nam 2035, với chủ đề Hướng tới thịnh vượng, sáng tạo, công bằng và dân chủ chính thức được công bố sáng 23/2 tại Hà Nội. Phó thủ tướng Vũ Đức Đam và ông Jim Yong Kim, Chủ tịch WB đã tham dự lễ công bố.
Sáng 23/2, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã phối hợp với Ngân hàng Thế giới (WB) chính thức công bố Báo cáo Việt Nam 2035: Hướng tới thịnh vượng, sáng tạo, công bằng và dân chủ.
Báo cáo đã hoàn thành sau hơn một năm làm việc với nhiều tâm huyết và công sức của các chuyên gia kinh tế trong và ngoài nước.
Theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh, Báo cáo là tài liệu tham khảo có giá trị cho nghiên cứu hoạch định chính sách phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam trong triển vọng dài hạn 20 năm tới và những năm trước mắt.
“Báo cáo đã đánh giá, xác định nền kinh tế Việt Nam đang ở đâu trong khu vực và trên thế giới với những phân tích, so sánh sinh động, thuyết phục. báo cáo cũng phân tích và đánh giá khái quát về môi trường quốc tế , với những xu thế lớn tác động tới kinh tế toàn cầu, khu vực và Việt Nam. Từ đó, đưa ra những mục tiêu khát vọng của Việt Nam đến năm 2035, xác định những cản trở đối với sự phát triển của Việt Nam hiện nay và kiến nghụ, đề xuất bằng cách nào để Việt Nam đạt tới mục tiêu của mình”, Bộ trưởng Bùi Quang Vinh nói.
Nhận định nền kinh tế Việt Nam đã đạt được những thành tựu đầy ấn tượng sau 30 năm Đổi mới, với tốc độ tăng trưởng GDP bình quân đầu người đạt 5,5%/năm kể từ năm 1990 (tính theo sức mua tương đương bằng USD năm 2011), làm cho thu nhập trung bình tăng 3,5 lần, chỉ đứng sau Trung Quốc, song những thua kém về năng suất lao động, khoảng cách giàu nghèo, những phí tổn về môi trường, thiết chế công ở Việt Nam chưa đáp ứng được yêu cầu…, Báo cáo đã đề xuất những khát vọng để đưa Việt Nam trở thành một nền kinh tế công nghiệp hóa - hiện đại hóa, tiếp bước các nền kinh tế Đông Á đã hoàn thành chặng đường chuyển đổi trở thành quốc gia thu nhập trung bình cao hoặc thu nhập cao.
Theo đó, tới năm 2035, GDP bình quân đầu người đạt tối thiểu 18.000 USD (tính theo sức mua tương đương bằng USD năm 2011), gần tương đương với mức của Malaysia năm 2010, nghĩa là tốc độ tăng trưởng GDP đầu người tối thiểu phải đạt 6%/năm; trên 50% người dân sống ở khu vực đô thị; tỷ trọng công nghiệp và dịch vụ chiếm trên 90% GDP; trên 70% lao động làm việc trong nền kinh tế…
Lễ công bố Báo cáo Việt Nam 2035 sáng 23/2 tại Hà Nội
Cùng với đó, Báo cáo cũng kỳ vọng tỷ trọng đóng góp của khu vực kinh tế tư nhân trong GDP chiếm tối thiểu 80%, một sự thay đổi hoàn toàn so với trước đây…
Theo Bộ trưởng Bùi Quang Vinh, Báo cáo gồm 7 chương nghiên cứu sâu về 3 trụ cột phát triển với 6 chuyển đổi lớn, phác thảo các chiến lược phát triển thích hợp với xuất phát điể của một nước thu nhập trung bình thấp trong bối cảnh thế giới đầy biến động, nhằm đưa Việt Nam trở thành nước thu nhập cao hoặc cận trên của thu nhập trung bình cao đến năm 2035.
Các chuyển đổi lớn, nói đúng hơn là 6 đột phá phải thực hiện bao gồm xây dựng thể chế hiện đại; hiện đại hóa nền kinh tế và phát triển khu vực tư nhân trong nước có năng lực cạnh tranh cao; phát triển năng lực đổi mới sáng tạo; thúc đẩy hòa nhập xã hội; tăng trưởng có khả năng chống chịu với khí hậu và chuyển dịch không gian phát triển.
6 đột phá trên là cơ sở cho việc hiện thực hóa khát vọng, đồng thời cũng chính là những mục tiêu cần đạt tới vào năm 2035, bao gồm trong ba trụ cột là thịnh vượng về kinh tế đi đôi với bền vững về môi trường; công bằng và hòa nhập xã hội; năng lực và trách nhiệm giải trình của nhà nước.
“Việt Nam đang đứng trước bước ngoặt của cải cách và phát triển. Thời cơ và thuận lợi rất lớn, nhưng thách thức và khó khăn cũng không hề nhỏ. Để đạt được khát vọng 2035, lựa chọn duy nhất của Việt Nam là thực hiện cải cách dựa trên ba trụ cột nêu trên. Không thực hiện được những cải cách đó, Việt Nam không thể khai thác được cơ hội, cũng không thể vượt qua thách thức, và nguy cơ tụt hậu xa hơn, rơi vào bẫy thu nhập trung bình sẽ khó có thể tránh khỏi”, Bộ trưởng Bùi Quang Vinh nhận định.
(Theo baodautu.vn)