Kinh tế Việt Nam nỗ lực từng ngày, từng tháng để thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2020.
Xu hướng hồi phục trở lại của xuất nhập khẩu đang dần trở nên rõ ràng hơn. Ảnh: Đức Thanh
Dẻo dai trước Covid-19
Khó có thể nói tới sức bật của nền kinh tế trong lúc này, bởi những tác động của đại dịch Covid-19 vẫn rất nặng nề. Tuy nhiên, sự bền bỉ, sức dẻo dai là điều có thể nhìn thấy rất rõ qua các số liệu thống kê về tình hình kinh tế - xã hội tháng 11 và 11 tháng năm 2020.
Dễ thấy nhất, đó là xuất nhập khẩu vẫn “đứng vững” giữa đại dịch, như cách nói của ông Jacques Morisset, Chuyên gia kinh tế trưởng của Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam. Thậm chí, không chỉ là “đứng vững”, xu hướng hồi phục trở lại của xuất nhập khẩu đang dần trở nên rõ ràng hơn.
Số liệu của Tổng cục Thống kê cho thấy, 11 tháng, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa của cả nước đạt 489,1 tỷ USD, tăng 3,5% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, xuất khẩu đạt 254,6 tỷ USD, tăng 5,3%; nhập khẩu đạt 234,5 tỷ USD, tăng 1,5%.
Như vậy, tình hình đã có sự khác biệt khá lớn. Tốc độ tăng kim ngạch xuất khẩu đã dần tăng lên: 10 tháng chỉ là 4,7%, còn bây giờ, con số là 5,3%. Tương tự, tốc độ tăng kim ngạch nhập khẩu cũng nhích dần. 10 tháng, tốc độ tăng chỉ là 0,4%, còn 11 tháng là 1,5%.
Đáng chú ý, theo bà Nguyễn Thị Hương, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê, nhập khẩu cả nhóm tư liệu sản xuất và nhóm hàng tiêu dùng đã cùng tăng so với cùng kỳ, dù mức tăng này chưa thể cao do ảnh hưởng của Covid-19.
Cụ thể, nhập khẩu hàng tư liệu sản xuất ước tính đạt 218,8 tỷ USD, tăng 1,6%; còn nhập khẩu nhóm hàng tiêu dùng ước tính đạt 15,7 tỷ USD, tăng 0,5% so với cùng kỳ. Đây là một tín hiệu tích cực, kỳ vọng sản xuất công nghiệp tiếp tục xu hướng tăng dần trong tháng cuối cùng của năm 2020, cũng như trong những tháng đầu năm 2020.
Một con số nữa khiến bức tranh kinh tế 11 tháng của “năm Covid-19” có thêm gam màu sáng, đó là xuất siêu đạt mức kỷ lục, với 20,1 tỷ USD, cao gấp đôi so với cùng kỳ. Đây là con số được Tổng cục Thống kê đánh giá là tích cực trong bối cảnh đại dịch tiếp tục diễn biến phức tạp, gây ảnh hưởng tiêu cực tới kinh tế thế giới.
Sức dẻo dai, sự bền bỉ của nền kinh tế chính là ở góc độ đó. Bất chấp khó khăn, các doanh nghiệp Việt Nam vẫn nỗ lực sản xuất để tiêu dùng trong nước và xuất khẩu. Vì thế, 11 tháng, chỉ số sản xuất công nghiệp đã tăng 3,1% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, tháng 11, IIP ước tính tăng 0,5% so với tháng 10/2020 và tăng 9,2% so với cùng kỳ năm trước, riêng ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng tới 11,9%. “Sức bật” trong ngành này đã bắt đầu xuất hiện và đó là tin mừng đối với nền kinh tế.
“Việc Covid-19 được kiểm soát tốt ở trong nước và việc Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) được thực thi đã tạo thêm động lực cho các lĩnh vực của nền kinh tế phục hồi và phát triển trong trạng thái bình thường mới”, Tổng cục Thống kê nhận định.
Sẵn sàng cho “thắng lợi kép”
Chỉ còn đúng 1 tháng nữa, “năm Covid-19” 2020 sẽ kết thúc. Dù sức dẻo dai, sự bền bỉ của nền kinh tế Việt Nam là có thật, song trong bối cảnh kinh tế toàn cầu khủng hoảng vì đại dịch, thì chưa thể kỳ vọng một sự tăng tốc mạnh mẽ.
Tuy vậy, xét trong bối cảnh Covid-19, kinh tế toàn cầu suy giảm, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương bày tỏ sự vui mừng trước các tín hiệu tích cực của kinh tế vĩ mô. Theo Thứ trưởng, điều này cho thấy, kinh tế Việt Nam đang trên đà phục hồi, đem lại nhiều kỳ vọng về một kết quả tích cực hơn trong quý IV/2020 và tạo tiền đề cho nền kinh tế đạt được mức tăng trưởng dương trong cả năm nay.
“Đây là nỗ lực rất lớn của chúng ta trong bối cảnh các nước ASEAN hay các đối tác lớn đều tăng trưởng âm và chuỗi cung ứng trên thế giới bị đứt gãy, đặc biệt là mới đây, nhiều địa phương ở miền Trung nước ta chịu thiệt hại nặng nề do bão lũ”, Thứ trưởng Trần Quốc Phương nói.
Nếu kinh tế quý IV có kết quả tốt, mà điều này có thể là hiện thực, vì xu hướng của tháng 10 và tháng 11 là tích cực, thì cả năm, kinh tế Việt Nam sẽ đạt mức tăng trưởng 2-3% như dự báo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Điều đó cũng có nghĩa, nền kinh tế đang sẵn sàng cho “thắng lợi kép”, tất nhiên phải hiểu nghĩa “thắng lợi” trong bối cảnh Covid-19.
Thắng lợi kép là khi kinh tế duy trì tăng trưởng dương, còn lạm phát được kiểm soát tốt. Số liệu thống kê cho thấy, với chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 11 giảm 0,01% so với tháng trước, thì CPI bình quân 11 tháng chỉ còn tăng 3,51% so với cùng kỳ năm trước. Liên tục trong những tháng gần đây, CPI bình quân càng ngày càng được kéo ra xa ngưỡng mục tiêu 4%. Chỉ còn 1 tháng cuối cùng, nếu không có gì bất thường, thì khả năng rất lớn là năm nay, kinh tế Việt Nam sẽ kiểm soát được lạm phát dưới 4% như mục tiêu Quốc hội đã quyết nghị.
Hơn thế nữa, kinh tế vĩ mô còn được trợ lực bởi con số xuất siêu hơn 20 tỷ USD, giúp không chỉ tỷ giá, mà còn dự trữ ngoại hối, cán cân thanh toán quốc tế đều tích cực.
Kinh tế vĩ mô ổn định, đà tăng trưởng được duy trì sẽ là nền tảng tốt để kinh tế Việt Nam chuẩn bị cho một năm 2021 với những triển vọng sáng sủa hơn.
Doanh nghiệp tiếp tục dốc vốn vào nền kinh tế Bất chấp khó khăn, các doanh nghiệp tiếp tục dốc vốn vào nền kinh tế. 11 tháng, tuy số lượng doanh nghiệp thành lập mới giảm 1,9% so với cùng kỳ, đạt gần 124.300 doanh nghiệp, song số vốn đăng ký mới đạt gần 1,9 triệu tỷ đồng, tăng 19,3% so với cùng kỳ năm trước. Tất nhiên, số lượng doanh nghiệp phải giải thể, tạm ngừng hoạt động vẫn trong xu hướng tăng, song việc các doanh nghiệp Việt vẫn không ngại ngần bỏ vốn vào kinh doanh đã chứng tỏ thời kỳ “ngủ đông” đã qua, giờ là lúc bắt tay vào việc đón đợi những cơ hội mới. |