Ông Khánh Vũ, Phó giám đốc điều hành của quỹ đầu tư VinaCapital Fund Management, đã chia sẻ với tờ The Banker nhận định về triển vọng của nền kinh tế Việt Nam và những lĩnh vực chín muồi để đầu tư.
Việt Nam đang gặt hái thành công về kinh tế sau khi giành ngôi vị nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất châu Á vào năm 2022, với mức tăng trưởng rất tốt là 8%. Việt Nam cũng đang có tỷ lệ lạm phát thấp, trung bình 3,3% trong nửa đầu năm 2023.
Chuyên gia Khánh Vũ nhận định: "Chúng tôi đã thấy lãi suất ngân hàng tăng vào năm ngoái, nhưng sau đó đã giảm xuống trong những tháng gần đây, với bốn lần cắt giảm lãi suất trong vòng ba tháng qua. Hiện lãi suất tiền gửi ngân hàng giảm xuống khoảng 7%. Lãi suất cho vay cũng giảm xuống khoảng 8% đến 9%. Những chính sách này sẽ giúp hỗ trợ tăng trưởng kinh tế."
Những tín hiệu cải thiện
Nhìn nhận rằng đang có những cải thiện trong chu kỳ kinh doanh, đồng thời lợi nhuận và tăng trưởng thu nhập cũng có tín hiệu tích cực, ông dự đoán thị trường Việt Nam sẽ ghi nhận mức tăng trưởng thu nhập trung bình là 10% vào năm 2023 và 25% vào năm 2024. Việc thận trọng trong hoạt động cho vay, tập trung vào các lĩnh vực chẳng hạn như sản xuất, vận tải, hậu cần, và xây dựng đã trực tiếp hỗ trợ tăng trưởng kinh tế.
Ông Khánh Vũ đưa ra nhận định về tình hình kinh tế Việt Nam. Ảnh: The Banker.
Bất động sản là một trong những lĩnh vực gặp khó khăn khi thanh khoản cạn kiệt. Ông Vũ nhận định: "Chính phủ đang thúc đẩy hoạt động xây dựng. Nhu cầu về nhà ở vẫn rất lớn do thiếu hụt căn hộ giá rẻ tại Hà Nội và TP.HCM. Mặc dù đô thị hóa đang tăng với tốc độ chỉ dưới 2% một năm, nhưng dân số Việt Nam vẫn bị phân chia giữa khoảng 60% ở nông thôn và 40% ở thành thị, điều này cho thấy nhu cầu về nhà ở vẫn còn rất đáng kể".
Cũng đang có những dấu hiệu cho thấy không gian sản xuất có thể bắt đầu phục hồi khi nhu cầu xuất khẩu tăng lên. Ông Vũ đánh giá: "Sau đại dịch Covid-19, các chuỗi cung ứng đã bị quá tải và xảy ra tình trạng dư cung hàng tồn kho. Do đó, chúng tôi nhận thấy hoạt động xuất khẩu của Việt Nam trong những tháng gần đây còn yếu. Nhưng điều này đang được khắc phục. Hiện tại chúng tôi đang ghi nhận hàng tồn kho của các nhà bán lẻ lớn ở Mỹ như Walmart và Costco đang chạm đáy. Vào cuối mùa hè, chúng tôi dự đoán các đơn hàng xuất khẩu của Việt Nam sẽ gia tăng để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng tăng cao cho dịp Giáng sinh và Tết năm mới. Do đó, chúng tôi kỳ vọng số lượng xuất khẩu sẽ tăng mạnh hơn trong nửa cuối năm nay và đến năm 2024."
Nền kinh tế Việt Nam cũng đã được hưởng lợi trong những năm gần đây từ việc các công ty đang tìm cách mở rộng cơ sở sản xuất của họ ở châu Á. Chính phủ cũng đang bắt nhịp với việc đẩy mạnh hợp tác với các thị trường mới. Ông Vũ đánh giá: "Việt Nam hiện có 16 hiệp định thương mại tự do với một số quốc gia và khối thương mại. Việt Nam cũng có 3 hiệp định khác đang được đàm phán. Chúng tôi nhận thấy tốc độ giải ngân vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vẫn đang tăng trưởng tích cực từ đầu năm đến nay và chúng tôi kỳ vọng sẽ có sự gia tăng đầu tư trong nửa cuối năm 2023."
Việt Nam đã ký một hiệp định thương mại với Israel vào tháng 7 năm 2023, theo đó sẽ xóa bỏ thuế quan đối với ít nhất 86% sản phẩm của Việt Nam và 93% sản phẩm của Israel, theo Bộ Công Thương. Thương mại song phương Việt Nam – Israel được dự báo sẽ tăng lên 3 tỷ USD, sau khi ghi nhận 2,2 tỷ USD vào năm 2022.
Tín hiệu tích cực từ dòng FDI
Khi nền kinh tế Việt Nam tăng trưởng thì dòng vốn FDI ngày càng trở nên quan trọng. Đang có nhiều thương hiệu toàn cầu quyết định mở cơ sở hoạt động tại Việt Nam.
Ông Vũ nói: "Lego cho biết họ dự kiến sẽ bắt đầu sản xuất tại nhà máy trung hòa carbon đầu tiên tại Việt Nam vào năm 2024. Công ty này sẽ có một vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ cộng đồng địa phương, cung cấp việc làm cho hơn 1400 người. Nhiều công ty khác cũng đã cam kết chuyển sản xuất sang Việt Nam, bao gồm Foxconn, Apple và Pandora."
Mặc dù đây là những động thái tích cực nhưng Việt Nam về lâu dài cũng không thể dựa mãi vào sản xuất hoặc dịch vụ có tay nghề thấp. Ông Vũ đánh giá: "Về dài hạn, Việt Nam cần đảm bảo rằng sẽ tiếp tục thăng hạng trong chuỗi giá trị sản xuất. Bạn có thể thấy là nhiều công ty công nghệ cao đang chuyển đến Việt Nam nhờ lực lượng lao động lành nghề, cơ sở hạ tầng được cải thiện và hậu cần cũng như môi trường kinh doanh thuận lợi."
Trong khi chính phủ hỗ trợ các doanh nghiệp vốn FDI, ông Vũ cũng lưu ý cần thận trọng trong việc ưu tiên các doanh nghiệp quốc tế: "Việt Nam cần phát triển các thương hiệu và công nghệ trong nước, đồng thời phát triển một hệ sinh thái để các doanh nghiệp địa phương có thể cạnh tranh với các công ty khu vực và toàn cầu", chuyên gia này cho hay.