Đó là nhận định của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) trong Báo cáo Đánh giá triển vọng kinh tế châu Á và Việt Nam năm 2016, vừa được công bố sáng nay (30/3) tại Hà Nội.
Chế biến thủy sản xuất khẩu - Ảnh minh họa |
Kết quả trên cả kỳ vọng
Theo đánh giá của ADB, tăng trưởng kinh tế của Việt Nam năm 2015 là 6,7% đạt tốc độ tăng cao nhất kể từ năm 2008. Động lực cho tăng trưởng đến từ các lĩnh vực đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), tiêu dùng và cầu trong nước gia tăng cùng với các chính sách hỗ trợ tăng trưởng.
Trong đó, sản xuất công nghiệp đã tăng 9,6% đóng góp gần một nửa cho tăng trưởng kinh tế. Giải ngân FDI giai đoạn 2005-2015 tăng bình quân 17%/năm, đạt 14,5 tỉ USD năm 2015 đã thúc đẩy tiểu ngành công nghiệp chế tác định hướng xuất khẩu năm 2015 tăng 10,6%, ngành xây dựng tăng 10,8% do FDI đầu tư vào khu vực sản xuất, thị trường bất động sản phục hồi và gia tăng chi tiêu vào cơ sở hạ tầng.
Khu vực dịch vụ tăng trưởng 6,3%, doanh số bán buôn và bán lẻ tăng 9,1% nhờ tiêu dùng tư nhân cao. Chi tiêu, tiêu dùng cá nhân tăng 9,3% nhờ tỷ lệ việc làm và thu nhập tăng, lạm phát giảm… Lãi suất cho vay giảm khoảng 50% kể từ năm 2011 khôi phục lại niềm tin của người tiêu dùng và nhà đầu tư, giúp tăng trưởng tín dụng đạt 18% cao hơn chỉ tiêu đề ra là 13-15%. Nợ xấu ngân hàng theo báo cáo đến cuối năm 2015 đã giảm xuống còn 2,7% tổng dư nợ.
Nhập khẩu hàng hóa tính trên cán cân thanh toán tăng 12%, đạt 155 tỷ USD trong năm qua. Trong đó, nhập khẩu máy móc, thiết bị và linh kiện điện tử tăng trên 25% cho thấy nhu cầu hàng hóa vốn và nguyên liệu đầu vào rất mạnh cho các ngành chế tác định hướng xuất khẩu. Xuất khẩu hàng hóa đạt 162 tỷ USD, tăng khoảng 7,9%. Để thúc đẩy xuất khẩu và ứng phó với xu hướng mất giá của các đồng tiền châu Á, Ngân hàng Nhà nước đã điều chỉnh tỷ giá đồng Việt Nam/USD tương đương 3% tỷ giá tham chiếu và mở rộng biên độ giao dịch từ 1% lên 3% cả hai chiều tỷ giá tham chiếu, thắt chặt quản lý ngoại hối...
Ông Eric Sidgwick - Giám đốc quốc gia của ADB tại Việt Nam: Trong ngắn hạn, Việt Nam phải kiểm soát được ảnh hưởng của kinh tế toàn cầu tăng trưởng chậm, củng cố kinh tế vĩ mô để nâng cao sức chống chịu trước các cú sốc kinh tế mới. Về lâu dài, cần nỗ lực hơn để tăng năng suất, hỗ trợ doanh nghiệp tăng cường khả năng hội nhập vào các chuỗi giá trị toàn cầu. |
Triển vọng và thách thức
Theo nhận định của ADB, nền kinh tế Việt Nam 2016 dự kiến sẽ duy trì được tốc độ tăng trưởng 6,7%, sau đó giảm nhẹ xuống còn 6,5% vào năm 2017.
Trong năm 2016, khu vực công nghiệp chế tác xuất khẩu vẫn hoạt động mạnh, nhưng dòng vốn FDI (60% vào chế tác) và cầu trong nước sẽ bị kìm lại bởi tác động của tình trạng tăng trưởng chậm của Trung Quốc. Thu nhập tăng và lạm phát thấp (mặc dù đang tăng tốc) sẽ làm cho tiêu dùng tăng, lòng tin người tiêu dùng và của doanh nghiệp hồi phục. Đầu tư tư nhân cải thiện nhờ tác động gia nhập các hiệp định tự do thương mại và đầu tư, nhất là các FTA với EU, Hàn Quốc, TTP, Liên minh kinh tế Á - Âu, AEC…
Sản xuất công nghiệp và xây dựng năm 2016 duy trì mức tăng trưởng vững vàng; khu vực dịch vụ dự báo sẽ tăng mạnh, lạm phát ở mức 3,0%, giá dịch vụ giáo dục và y tế, tiền lương tối thiểu khu vực công dự kiến sẽ tăng, giá nhập khẩu 2016 sẽ tăng bởi tiền đồng mất giá; tín dụng tăng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, nhưng lãi suất cho vay có thể chịu áp lực tăng, lạm phát tăng dần, thanh khoản ngân hàng eo hẹp hơn. Chính sách tài khóa tiếp tục thắt chặt theo hướng hỗ trợ tăng trưởng, ngân sách sẽ tập trung chi đầu tư xây dựng cơ bản. Xuất khẩu hàng hóa dự báo 2016 tăng 10%, giá trị nhập khẩu cũng sẽ tăng theo nhu cầu tiêu dùng và hàng hóa vốn đầu vào cho sản xuất.
Tuy nhiên, tiến bộ cải cách ngân hàng và doanh nghiệp nhà nước chậm là những nguy cơ đe dọa triển vọng tích cực của nền kinh tế. Các ngân hàng thiếu vốn và thiếu minh bạch tài chính sẽ bị tổn thương trước các cú sốc tác động. Tăng trưởng tín dụng phục hồi có thể dẫn đến một làn sóng đầu cơ mới đối với các dự án bất động sản rủi ro cao. Để giảm thiểu những rủi ro này, cần thắt chặt các yêu cầu cho vay vốn đối với bất động sản, hạn chế tiềm năng mất đối xứng kỳ hạn trong hoạt động cho vay của ngân hàng; đẩy mạnh củng cố hệ thống ngân hàng, tăng tính minh bạch, phân loại tài sản, giải quyết nợ xấu, công khai thông tin.
Mặc dù Việt Nam là một trong những quốc gia được hưởng lợi nhiều nhất từ các FTA mới, song cũng sẽ phải chấp nhận một chi phí điều chỉnh đáng kể khi nền kinh tế mở cửa đón nhận cạnh tranh nhiều hơn, các tiêu chuẩn xuất khẩu ngặt nghèo hơn, doanh nghiệp trong nước sẽ phải đối mặt với nhiều áp lực canh tranh lớn hơn. Để đảm bảo nền kinh tế có thể tối đa hóa được lợi ích từ các FTA, Việt Nam cần phải nâng cao được năng suất, tiếp tục đổi mới, sáng tạo hơn, có khả năng sẵn sàng thích ứng được với các áp lực cạnh tranh này càng gia tăng./.