Ngày 3/11, tại TP HCM, Hội nghị Kinh tế đối ngoại 2016 do Bộ Ngoại giao Việt Nam và Tạp chí The Economist (Anh) phối hợp tổ chức với chủ đề “Diễn đàn cấp cao Việt Nam: Ra khơi thuận buồm xuôi gió”.
Đây là năm thứ 4 tổ chức hội nghị kinh tế đội ngoại. Theo Thứ trưởng Thường trực Bộ Ngoại giao - Bùi Thanh Sơn, chủ đề năm nay rất có ý nghĩa, phần nào thể hiện được tâm thế con tàu kinh tế Việt Nam đang căng buồm cho những chuyến ra khơi mới để tiến đến bờ phát triển bền vững và thịnh vượng.
Việt Nam là “điểm sáng” về tăng trưởng kinh tế
Hội nghị lần này được tổ chức trong bối cảnh kinh tế quốc tế và trong nước có những điểm nổi bật.
Trên thế giới đang diễn ra sự phát triển mạnh mẽ của khoa học-công nghệ thúc đẩy sự phát triển của cách mạng công nghiệp lần thứ 4. Nhiều nước đã điều chỉnh chiến lược phát triển, tăng cường liên kết, vừa hợp tác, vừa cạnh tranh, nhất là trong thương mại, đầu tư, khoa học, công nghệ. Cộng đồng ASEAN đi vào hoạt động từ năm 2016 mở ra nhiều cơ hội, song cũng đặt ra những thách thức đối với các nước thành viên ASEAN.
Với nước ta, Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII có ý nghĩa trọng đại đã được tổ chức thành công vào tháng 1/2016, mở ra một giai đoạn mới trong tiến trình phát triển của đất nước ta. Sau 30 năm đổi mới, thế và lực của nước ta đã lớn mạnh hơn nhiều, tạo tiền đề và nền tảng quan trọng để đất nước phát triển mạnh mẽ hơn trong những năm tới, nhưng cũng đặt ra yêu cầu phải tiếp tục đổi mới toàn diện và đồng bộ hơn.
Trong bối cảnh đó, trong nước và quốc tế đặt nhiều kỳ vọng vào sự phát triển của Việt Nam trong những năm tới. Mặc dù còn gặp những khó khăn, thách thức, song với kinh tế vĩ mô ổn định và tăng trưởng phục hồi tích cực, nhiều tổ chức, doanh nghiệp quốc tế đánh giá Việt Nam là “điểm sáng” về tăng trưởng kinh tế.
Cơ hội cho Việt Nam căng buồm lướt sóng ra khơi
Thứ trưởng Bùi Thanh Sơn cho rằng, Hội nghị Kinh tế đối ngoại năm 2016 là cơ hội tốt để chúng ta truyền tải đến cộng đồng DN quốc tế thông điệp về quyết tâm của Đảng và Nhà nước ta về đổi mới toàn diện đất nước, đẩy mạnh tái cơ cấu kinh tế và chuyển đổi mô hình tăng trưởng trong giai đoạn phát triển từ nay đến năm 2020.
Bên cạnh đó, truyền thông điệp về các chính sách và nỗ lực của Chính phủ về xây dựng Chính phủ kiến tạo phát triển, đẩy mạnh cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, khuyến khích tinh thần khởi nghiệp, khơi dậy đổi mới, sáng tạo, hỗ trợ phát triển doanh nghiệp, cải thiện môi trường đầu tư và nâng cao năng lực cạnh tranh.
“Hội nghị cũng là dịp để quảng bá hình ảnh đất nước, con người, tiềm năng, triển vọng phát triển và môi trường đầu tư của Việt Nam đến cộng đồng DN quốc tế”, Thứ trưởng cho hay.
Dự kiến đến năm 2020, khi toàn bộ 16 FTA nước ta tham gia đi vào thực thi, Việt Nam sẽ nằm trong mạng lưới liên kết kinh tế rộng lớn với 59 đối tác, trong đó 5 nước thành viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, 15/20 nước thuộc nhóm G20 và nhiều nền kinh tế mới nổi khác.
Đây là một lợi thế rất lớn của Việt Nam mà các DN trong và ngoài nước đang rất quan tâm và kỳ vọng nhằm tranh thủ tối đa lợi ích của liên kinh tế này mang lại.
Hội nghị cũng là diễn đàn cho các bộ, ngành, địa phương và doanh nghiệp Việt Nam tiếp xúc, gặp gỡ và trao đổi với các DN, nhà đầu tư quốc tế để quảng bá tiềm năng, lợi thế trong những lĩnh vực quan tâm, tìm kiếm và mở rộng thị trường, mạng lưới đối tác nhằm thúc đẩy xuất khẩu, du lịch, thu hút đầu tư và công nghệ.
Trong thời gian tới, ngành ngoại giao sẽ phối hợp với cơ quan liên quan đẩy mạnh công tác ngoại giao phục vụ phát triển với nhiều đổi mới về nội dung, phương pháp và cách tiếp cận.
Thứ nhất, góp phần thúc đẩy tìm các động lực mới cho kinh tế phát triển nhanh và bền vững thông qua vận động thu hút và khai thác hiệu quả các nguồn lực bên ngoài.
Thứ hai, triển khai hiệu quả các thỏa thuận kinh tế, thương mại, nhất là các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới như Hiệp định TPP, các FTA với EU, Liên minh Kinh tế Á-Âu...
Thứ ba, chủ động tham gia và đóng vai trò quan trọng hơn nữa trong việc xây dựng thể chế các định chế quốc tế và khu vực, nhằm tạo ra thế và lực cho đất nước. Tiêu biểu là các diễn đàn quốc tế quan trọng như Liên Hợp Quốc, World Bank, IMF, ASEAN, RCEP, ASEM, APEC...
Theo Thứ trưởng Bộ ngoại giao, để đạt được những mục tiêu nói trên, bên cạnh nỗ lực của ngành ngoại giao, cần có sự đồng hành và phối hợp chặt chẽ của các bộ, ngành, địa phương và doanh nghiệp trong chiến lược tổng thể về hội nhập quốc tế với phương châm “tham mưu, triển khai, đồng hành và liên kết sâu rộng”.
M. Lan
Theo Trí Thức Trẻ