Triển vọng tăng trưởng mạnh mẽ cũng như dư địa tài khóa ngày càng vững chắc là lý do căn bản giúp kinh tế Việt Nam “thăng hạng”.
Dây chuyền sản xuất tự động linh kiện xe máy Honda ở Công ty TNHH Việt Nam Toyo Denso (VNTEC) - Thành viên của Toyo Denso Group, Nhật Bản tại KCN Nam Sách. Ảnh: Thành Chung
Việt Nam “thăng hạng” và chuyện chưa có tiền lệ
Ít ngày trước, Tổ chức xếp hạng tín nhiệm Fitch Ratings đã thông báo quyết định giữ nguyên hệ số tín nhiệm của Việt Nam ở mức BB, nâng triển vọng từ Ổn định lên Tích cực. Đây là một động thái đáng chú ý, nhất là sau khi Moody’s vào hồi tháng 3/2021 đã giữ nguyên hệ số tín nhiệm quốc gia của Việt Nam ở mức Ba3, nâng triển vọng từ Tiêu cực lên Tích cực, tăng hẳn hai bậc.
Điều này thậm chí đã được Bộ Tài chính, khi báo cáo Chính phủ, khẳng định là “chưa có tiền lệ” trong xếp hạng tín nhiệm của Moody’s trên toàn cầu kể từ khi đại dịch Covid-19 bùng phát.
“Việc Moody’s và Fitch Ratings nâng triển vọng cho Việt Nam thể hiện sự tin tưởng của các tổ chức xếp hạng tín nhiệm đối với điều hành chính sách hiệu quả của Chính phủ, triển vọng tăng trưởng mạnh mẽ cũng như dư địa tài khóa ngày càng vững chắc”, lãnh đạo Bộ Tài chính đã nhận định như vậy.
Trên thực tế, việc cả Moody’s và Fitch Ratings “nâng hạng” triển vọng của Việt Nam đều xuất phát từ một thực tế Việt Nam là một trong số ít quốc gia duy trì tăng trưởng dương (2,91%) trong năm 2020. Đồng thời với việc duy trì ổn định kinh tế vĩ mô, Việt Nam cũng đã đạt được những thành tựu quan trọng trong thúc đẩy xuất khẩu và thu hút đầu tư nước ngoài. Trong bối cảnh đó, các vấn đề về nợ công, nợ Chính phủ cũng được duy trì ổn định.
Không chỉ Moody’s, mà cả Fitch Ratings cũng cho rằng, triển vọng tăng trưởng kinh tế Việt Nam trong trung hạn là đầy hứa hẹn, nhờ những thành quả cải thiện vị thế tài khóa và nợ đầy thuyết phục và vững chắc.
Cũng không chỉ là hai tổ chức trên, các dự báo gần đây của các tổ chức quốc tế cũng đều đánh giá cao triển vọng hồi phục của nền kinh tế Việt Nam. Mới đây nhất, tại phiên khai mạc Hội nghị mùa Xuân, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) đã dự báo, tăng trưởng GDP của Việt Nam sẽ đạt mức 6,5% trong năm 2021, cao hơn mức tăng trưởng 6% của toàn thế giới và đạt mức 7,2% vào năm 2022. Con số này có được là nhờ những nền tảng vững vàng, cũng như những giải pháp quyết liệt cả về kinh tế và y tế của Chính phủ Việt Nam.
Trong khi đó, Ngân hàng United Oversea Bank thậm chí dự báo, kinh tế Việt Nam sẽ tăng trưởng 7,1% trong năm nay. Còn Ngân hàng HSBC thì đưa ra con số 6,6%...
Báo cáo Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng viện dẫn các dự báo trên để đưa ra nhận định về triển vọng phục hồi của nền kinh tế Việt Nam trong thời gian tới. Năm nay, mặc dù Quốc hội quyết nghị mục tiêu tăng trưởng 6%, nhưng Chính phủ vẫn quyết tâm đạt 6,5%, dù “làn sóng” Covid-19 thứ 3 đang có những ảnh hưởng không nhỏ tới kinh tế Việt Nam. Quý I/2021, nền kinh tế chỉ đạt mức tăng trưởng 4,48%.
Cơ hội nào cho nền kinh tế?
Có rất nhiều nền tảng để dự báo rằng, kinh tế Việt Nam sẽ hồi phục trong năm nay. Đến cả kinh tế toàn cầu và kinh tế Mỹ, còn được IMF dự báo sẽ đạt mức tăng trưởng tương ứng 6% và 6,4% trong năm 2021. Trong khi đó, ngoại trừ khu vực châu Âu còn gặp khó do một số quốc gia vẫn đang phải tiếp tục thực hiện các biện pháp phong tỏa, thì Mỹ, các nước châu Á, như Hàn Quốc, Nhật Bản, đặc biệt là các nước ASEAN, đều đang trong xu hướng hồi phục. Kinh tế Việt Nam, theo Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương, sẽ được hưởng lợi từ xu thế hồi phục này.
Tuy nhiên, câu hỏi đặt ra, đâu là cơ hội cho nền kinh tế, đâu là động lực tăng trưởng của Việt Nam?
Trao đổi với báo giới, ông Lê Duy Bình, Giám đốc điều hành Economica Việt Nam, đã nhắc đến những động lực nằm ở các hoạt động xuất nhập khẩu đang được đẩy mạnh, cũng như các hoạt động đầu tư, bao gồm cả đầu tư trong và ngoài nước, đang tiếp tục xu hướng tích cực.
Để có mức tăng trưởng đột phá, phải dựa nhiều vào các Dự án lớn. Nhưng hiện tại, chưa có Dự án nào khả quan có thể đi vào hoạt động trong năm nay, để tạo sức bật cho nền kinh tế. Chúng tôi cũng đang đề nghị các địa phương rà soát lại..- Ông Trần Quốc Phương, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư
Số liệu thống kê cho thấy, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam trong quý I/2021 đã tăng tới 22% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt 77,34 tỷ USD. Còn thu hút đầu tư nước ngoài đã lần đầu tiên tăng trưởng dương so với cùng kỳ, kể từ khi Covid-19 bùng phát, đạt trên 10,13 tỷ USD. Trong khi đó, giải ngân vốn đầu tư từ ngân sách trong tháng 3 tăng mạnh, cao hơn 2 tháng đầu năm. Tính đến ngày 31/3/2021, ước giải ngân kế hoạch đầu tư vốn ngân sách nhà nước năm 2021 đạt 60.750 tỷ đồng, bằng 13,17% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao.
“Việc giải ngân vốn đầu tư công và thu hút đầu tư nước ngoài khởi sắc ngay từ đầu năm là những điểm cộng hỗ trợ cho tăng trưởng của Việt Nam”, chuyên gia kinh tế Cấn Văn Lực phân tích và dự báo rằng, kinh tế Việt Nam có thể đạt mức tăng trưởng 6,5 - 7% trong năm nay.
Tất nhiên, có được mức tăng trưởng này cũng có phần dựa trên nền tăng trưởng thấp của năm 2020. Đó là lý do khiến Thứ trưởng Trần Quốc Phương cho rằng, chỉ khi nào kinh tế Việt Nam tăng trưởng được trên 7%, thì mới có thể đủ bù đắp được “những mất mát” vì Covid-19 và thực sự có sự hồi phục và tăng trưởng.
Ở góc độ này, có thể thấy, dù đúng là kinh tế Việt Nam đang “thăng hạng” và cũng đúng là những dự báo về tăng trưởng kinh tế trong năm nay là khả quan, song vẫn còn một chặng đường dài khó khăn ở phía trước. Theo dự báo của các chuyên gia kinh tế, 2021 vẫn là năm để phục hồi, nhiều khả năng phải tới năm 2022 - 2023, kinh tế Việt Nam mới có thể quay trở lại quỹ đạo tăng trưởng như trước đại dịch.