Hai mục tiêu có vẻ mâu thuẫn là phát triển nhanh và bền vững mà nền kinh tế Việt Nam muốn đạt tới đang có dư địa lớn, khi khu vực kinh tế tư nhân có thêm nhiều điều kiện để gia tăng sức mạnh.
Điều tâm đắc của Thủ tướng
Không phải tốc độ tăng trưởng GDP lên tới 6,81% - mức cao nhất trong 5 năm qua, hay kỷ lục 400 tỷ USD kim ngạch xuất khẩu, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân phúc đã chọn bước cải thiện của Việt Nam trên các bảng xếp hạng thế giới để trả lời câu hỏi điều gì tâm đắc nhất trong năm 2017 của ông.
“Điều tôi tâm đắc nhất là năng lực cạnh tranh của nền kinh tế Việt Nam đã tăng 5 bậc, môi trường đầu tư kinh doanh tăng 14 bậc, chỉ số đổi mới - sáng tạo tăng 11 bậc, chỉ số tín nhiệm quốc gia từ ổn định lên tích cực, đồng tiền Việt Nam ổn định nhất khu vực châu Á, chỉ số phát triển bền vững của Việt Nam tăng 20 bậc…”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trao đổi tại phiên đối thoại chính sách của Diễn đàn Kinh tế Việt Nam 2018 diễn ra cuối tuần trước.
Đầu tư đổi mới công nghệ là một trong những chìa khóa hóa giải dần thách thức về năng suất thấp của nền kinh tế Việt Nam. Ảnh: Đức Thanh |
Đây không phải là lần đầu Thủ tướng nhắc tới thứ hạng này, nhưng đặt trong bối cảnh kinh tế Việt Nam bước sang năm 2018 với không ít thách thức, có thể nói người đứng đầu Chính phủ tiếp tục truyền đi thông điệp mà ông đã đưa ra ngay trong năm đầu tiên của nhiệm kỳ. Đó là đặt doanh nghiệp vào vị trí trung tâm của hệ thống đổi mới quốc gia, xây dựng Chính phủ kiến tạo phát triển, phục vụ người dân, doanh nghiệp Việt Nam...
Rất có thể Ngoại trưởng Mỹ John Kerry, cũng có mặt tại Diễn đàn khi đó, sẽ tìm được câu trả lời cho vấn đề mà ông đã đặt ra trước phiên đối thoại này, đó là không phải là nền kinh tế có tăng trưởng không, mà là tăng trưởng thế nào.
Suốt năm 2017, cải thiện thứ hạng trên các bảng xếp hạng toàn cầu về năng lực cạnh tranh của Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF), về môi trường kinh doanh của Ngân hàng Thế giới (WB)… được người đứng đầu Chính phủ xác định là nhiệm vụ, đưa vào chỉ tiêu phải thực hiện trong nhiều văn bản điều hành của Chính phủ, trong các cuộc làm việc giữa Chính phủ với chính quyền địa phương… Mọi giải pháp đều hướng tới mục tiêu rất cụ thể, đó là tối thiểu đạt bằng trung bình của các nước ASEAN 4 trên các chỉ tiêu về môi trường kinh doanh; tính minh bạch và khả năng tiếp cận tín dụng (theo cách tiếp cận của Ngân hàng Thế giới) thuộc nhóm 30 nước; chỉ tiêu Tạo thuận lợi trong tiếp cận vốn vay (đánh giá theo cách tiếp cận của WEF) đến năm 2020 thuộc 40 nước đứng đầu.
Nghị quyết 01/2018/NQ-CP về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và Dự toán ngân sách nhà nước năm 2018 cũng đã nhắc tới mục tiêu thứ hạng của Việt Nam trong bảng xếp hạng của thế giới trong năm nay là vào nhóm ASEAN 4 cả về năng lực cạnh tranh và môi trường kinh doanh.
Những tính toán để cải cách về môi trường kinh doanh, cắt giảm thủ tục hành chính, giảm thiểu điều kiện kinh doanh, thúc đẩy cổ phần hóa... đang làm thay đổi khá lớn phương thức quản lý của bộ máy nhà nước. Lần đầu tiên vào năm 2017, nhiều đề xuất cắt giảm điều kiện kinh doanh được đưa ra từ các bộ quản lý chuyên ngành, thay vì các nỗ lực đơn độc của doanh nghiệp và giới chuyên gia như gần hai mươi năm qua. Điều quan trọng, sự thay đổi này đang mở ra cơ hội, kích thích cộng đồng kinh doanh, nhất là khu vực kinh tế tư nhân, tham gia thị trường.
Bài học từ 6.000 ngày thay đổi nước Nhật
Giới chuyên gia kinh tế tin rằng, sự hào hứng với kinh doanh và niềm tin với những cải thiện rất đáng kể vào môi trường kinh doanh của khu vực kinh tế tư nhân chính là nền tảng cơ bản cho tăng trưởng kinh tế năm 2018. Nền kinh tế không còn tăng trưởng dựa vào khai khoáng, phụ thuộc quá nhiều vào các gói kích thích kinh tế, mở rộng tín dụng…
Tuy vậy, không thể né tránh thực trang kinh tế đang đối mặt với nhiều thách thức trong trung và dài hạn. Thách thức quan trọng nhất mà chính người đứng Chính phủ đã đặt ra là làm thế nào để đạt được hai mục tiêu có vẻ mâu thuẫn là phát triển nhanh và bền vững.
Điều đó được thể hiện một phần qua việc Giám đốc chương trình Giảng dạy Kinh tế Fulbright Vũ Thành Tự Anh vẽ lại chu kỳ tăng trưởng của Việt Nam, để thấy rằng, Việt Nam có thể tăng trưởng cao, nhưng thời gian ngắn, thậm chí đỉnh cao tăng trưởng đang giảm.
“Việt Nam đang chịu thách thức lớn về năng suất, vì muốn tăng trưởng cao thì năng suất phải cao, nhưng hiện tại năng suất đang thấp. Nhân khẩu học đang không đứng về phía chúng ta”, ông Tự Anh chia sẻ quan điểm và nhắc đến thời gian của giai đoạn dân số vàng của Việt Nam chỉ còn khoảng 15 năm.
Một lần nữa, câu chuyện thành công của Nhật Bản được GS. Trần Văn Thọ, Đại học Waseda (Tokyo – Nhật Bản) chia sẻ. Bài học không mới, nhưng GS. Thọ cho rằng, dư địa để Việt Nam cải thiện năng suất còn rất lớn, vấn đề là cách làm.
Đặc trưng 6.000 ngày thay đổi nước Nhật, theo GS. Thọ là hệ thống giải pháp tăng năng suất lao động, đổi mới khoa công nghệ, để từ đó tạo nên mức tăng trưởng 10% liên tục trong 20 năm. Cụ thể hơn, trong giai đoạn này, tỷ lệ vốn đầu tư toàn xã hội luôn ở mức khoảng 30-35%, trong đó khu vực kinh tế tư nhân chiếm khoảng 75%. Đồng thời, sự dịch chuyển lao động từ nông nghiệp sang công nghiệp và dịch vụ rất rõ nét, song hành sự dịch chuyển từ các ngành giá trị gia tăng thấp lên lĩnh vực có giá trị gia tăng cao hơn, tạo nên bước nhảy vọt về năng suất lao động.
Giai đoạn này, doanh nghiệp Nhật Bản nhập khẩu công nghệ tăng đột biến. Nếu như năm 1955, số tiền chi cho hoạt động này từ các doanh nghiệp là 20 triệu USD, với 186 vụ; thì năm 1973 đã lên 715 triệu USD, với 2.450 thương vụ.
“Tỷ lệ đầu tư của khu vực tư nhân Việt Nam tăng lên, nhưng tôi chưa thấy sự tăng lên tương ứng của đầu tư vào công nghệ. Có thể do quy mô của doanh nghiệp tư nhân Việt Nam quá nhỏ, chủ yếu là khu vực kinh tế cá thể. Việc cần làm là tạo cơ chế để khu vực này lớn mạnh hơn, cùng với đó là khai thông thị trường vốn, đất đai, khoa học – công nghệ để thúc đẩy sự dịch chuyển nguồn lực vào các doanh nghiệp hiệu quả”, GS. Thọ khuyến nghị.
Ông John Kerry, cựu Ngoại trưởng Mỹ cũng chia sẻ quan điểm rằng, nguyên tắc vận chuyển của dòng tiền là tìm đến nơi an toàn nhất, chi phí thấp nhất, lợi nhuận nhất.
“Đó cũng là cách tăng trưởng của những con hổ châu Á. Việt Nam phải thể hiện là đối tác cạnh tranh bình đẳng, sòng phẳng; tạo ra sân chơi cho các doanh nghiệp, thậm chí dẫn dắt các cơ hội kinh doanh, tạo dựng khung khổ pháp lý rõ ràng, minh bạch. Khi đó, kinh tế Việt Nam sẽ thành con hổ mới”, cựu ngoại trưởng Mỹ nói.
Chưa bao giờ, từ khóa “thể chế, thể chế và thể chế” mà Thủ tướng nhắc tới khi trao đổi về giải pháp, quyết sách tăng cường khả năng chống chịu của nền kinh tế Việt Nam trước các cú sốc bên ngoài lại rõ nét như vậy.
Ý kiến – Nhận định Duy trì ổn định kinh tế vĩ mô là yếu tố cực kỳ quan trọng. Ông Ousmane Dione, Giám đốc quốc gia Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam Trong phát triển sắp tới, để tăng trưởng bền vững, cao, Chính phủ Việt Nam cần quan tâm ưu tiên 4 điểm. Thứ nhất là duy trì ổn định kinh tế vĩ mô. Đây là yếu tố cực kỳ quan trọng. Thứ hai là cải cách thể chế. Đây là cơ hội tốt, yếu tố nền tảng quan trọng để Việt Nam thực hiện thành công các mục tiêu cải cách, cùng với đó là đảm bảo để chính sách được thực thi hiệu quả. Thứ ba là tiếp tục nâng cao chất lượng cơ sở hạ tầng để duy trì tốc độ tăng trưởng. Thứ tư là đầu tư nguồn nhân lực và điều kiện tiên quyết để có nguồn nhân lực chất lượng cao hướng tới cách mạng công nghiệp 4.0. Năng lực cạnh tranh của Việt Nam được xác định bởi các cơ hội từ khu vực doanh nghiệp tư nhân. Ông Kyle Kelhofer, Giám đốc quốc gia IFC phụ trách Việt Nam, Campuchia và Lào Những kết quả cải thiện môi trường kinh doanh, cải thiện năng lực cạnh tranh của Chính phủ Việt Nam là nền tảng quan trọng để Việt Nam bước vào năm 2018. Nhưng thách thức mà kinh tế Việt Nam đối mặt không nhỏ, trong đó quan trọng là năng lực tận dụng nhiều nhất cơ hội từ hội nhập... Năng lực cạnh tranh của Việt Nam được xác định bởi các cơ hội từ khu vực doanh nghiệp tư nhân. Nên giải pháp tăng cường tính minh bạch, cạnh tranh, giải trình của môi trường đầu tư, kinh doanh để gia tăng cơ hội từ khu vực tư nhân cần được ưu tiên.n Cần khai thác sâu hơn ích thu từ khu vực FDI thông qua gia tăng kết nối, thu hút đầu tư vào các sản phẩm tinh xảo, gia tăng tính sáng tạo… Để làm được, Việt Nam cần giải quyết sự thiếu vắng của công nghiệp hỗ trợ. Cần chú trọng nâng cao giá trị của doanh nghiệp nhà nước, giá trị cổ phẩn song song với thoái vốn. Ông Takashi Sakakibara, Chuyên gia JICA Chúng tôi đánh giá cao biện pháp mạnh mẽ nhằm thúc đẩy mục tiêu cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước. Để nâng cao hiệu quả của giải pháp này, cần chú trọng nâng cao giá trị của doanh nghiệp nhà nước, giá trị cổ phẩn song song với thoái vốn, thông qua nâng cao tính năng suất của doanh nghiệp trong trung và dài hạn, thậm chí xác định thoái vốn sau khi nâng cao giá trị doanh nghiệp. Nếu đà xuất siêu của năm 2017 được giữ vững sẽ đóng góp lớn cho tăng trưởng GDP năm 2018. TS. Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR) Kinh tế Việt Nam năm 2018 có động lực tương đối thuận lợi. Thứ nhất là xuất khẩu. Năm 2018 nếu giữ được đà xuất siêu như năm 2017 sẽ đóng góp lớn cho tăng trưởng GDP. Thứ hai là nỗ lực cải cách kinh tế và hội nhập của Việt Nam đã làm cho đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Việt Nam tăng mạnh. Thứ ba, niềm tin của người tiêu dùng trong năm qua đã tốt lên và nếu xu hướng này được tiếp tục sẽ đóng góp nhiều cho GDP thông qua tăng trưởng tiêu dùng nội địa... Tôi cho rằng, đây là ba yếu tố quan trọng về phía cầu sẽ đóng góp cho GDP và nếu các yếu tố này cao hơn năm 2017, thì tăng trưởng kinh tế sẽ có triển vọng. Về phía cung, hiện nay cải cách môi trường kinh doanh, thủ tục hành chính đang có những tính toán để thúc đẩy khu vực doanh nghiệp nhiều hơn, tạo ra năng lực sản xuất tốt hơn cho doanh nghiệp. |
Khánh An / baodautu