Có lẽ là quá lời khi nói rằng, nền kinh tế Việt Nam đang trông vào tốc độ tăng trưởng của các tổ hợp sản xuất của Samsung tại Việt Nam. Song một cách rõ ràng, những đóng góp của Samsung cho kinh tế - xã hội Việt Nam ngày càng lớn.
Những tổ hợp sản xuất khổng lồ
Samsung đang có những tổ hợp sản xuất khổng lồ ở Việt Nam, mà hầu như ít có nhà đầu tư nào bì kịp. Chỉ tính riêng Samsung Điện tử, đã có tới 3 tổ hợp sản xuất tại Bắc Ninh (SEV), Thái Nguyên (SEVT) và TP.HCM (SEHC), với tổng vốn đầu tư lên tới 9,5 tỷ USD.
Nếu như SEV và SEVT đã trở nên quá quen thuộc với người Việt Nam, bởi những tổ hợp sản xuất này đã đi vào hoạt động từ nhiều năm nay và đóng góp lớn cho kinh tế - xã hội Việt Nam, thì SEHC là một tổ hợp sản xuất hoàn toàn mới. Chỉ mới đi vào hoạt động từ giữa năm ngoái, SEHC - với vốn đầu tư 2 tỷ USD - đã nhanh chóng trở thành một trong những cứ điểm sản xuất hoàn chỉnh các loại ti vi và các thiết bị điện tử gia dụng, như máy hút bụi, máy giặt, tủ lạnh... của Samsung trên toàn cầu.
Dây chuyền sản xuất tại Tổ hợp sản xuất điện tử gia dụng Samsung tại TP.HCM (SEHC). Ảnh: Nguyên Đức |
Nếu ai đã từng có dịp tham quan nhà máy sản xuất ti vi của Samsung tại Thủ Đức (TP.HCM) trước đây và giờ tới SEHC, sẽ bất ngờ vô cùng trước quy mô to lớn và độ hiện đại của nhà máy này. Trên diện tích hơn 94 ha, các khu nhà xưởng bề thế đã được xây dựng và thông tin từ Samsung cho biết, toàn bộ các dây chuyền sản xuất tại SEHC đều được nhập mới hoàn toàn và thuộc diện hiện đại nhất, để đảm bảo sản xuất các dòng sản phẩm cấp cao như TV SUHD, Smart TV, LED TV...
Vào thời điểm phóng viên Báo Đầu tư tới thăm SEHC - trung tuần tháng 4/2017, các dây chuyền sản xuất đang tập trung cho ti vi QLED - dòng sản phẩm cao cấp nhất mà Samsung vừa chính thức ra mắt thị trường Việt Nam và thế giới. Ở SEHC có một khu sản xuất đặc biệt mang tên LCM, chuyên sản xuất các loại màn hình - thiết bị chiếm tới 70% giá trị của một chiếc ti vi. Đây là khu vực sản xuất đảm bảo sạch tuyệt đối nên quy trình sản xuất cực kỳ nghiêm ngặt, từ linh kiện, thiết bị lẫn nhân viên sản xuất đều được “làm sạch” trước khi “đứng máy”.
Với công suất 40.000 sản phẩm LCM/ngày, dây chuyền này không chỉ đảm bảo cung ứng cho toàn bộ các dây chuyền sản xuất ti vi của SEHC mà còn dành 30% sản lượng cho việc xuất khẩu. “Không nhiều nhà máy của Samsung trên toàn cầu của Samsung, dù là hiện đại, sản xuất được LCM. Đây có thể coi là quy trình sản xuất gốc và điều đó chứng minh, Samsung rất coi trọng cứ điểm sản xuất Việt Nam”, đại diện Samsung Việt Nam cho phóng viên Báo Đầu tư biết.
Tuy chỉ mới đi vào hoạt động, song SEHC hiện có năng suất trung bình khoảng 1,1 triệu sản phẩm/tháng. Và ngoài xuất khẩu bán thành phẩm, thì hiện tại, 80-90% thành phẩm của SEHC cũng được xuất khẩu tới 75 thị trường (đối với sản phẩm điện gia dụng) và 60 thị trường (đối với nghe nhìn).
Câu chuyện tương tự cũng đang diễn ra ở hai khu tổ hợp sản xuất thiết bị di động của Samsung tại Thái Nguyên và Bắc Ninh, với quy mô lớn hơn cả SEHC. Hiện tại, thiết bị di động của SEV và SEVT được xuất khẩu đi 78 thị trường. 40% sản lượng thiết bị di động mà Samsung cung cấp trên toàn cầu là được sản xuất tại Việt Nam. Và với trên 110.000 nhân viên, Samsung Việt Nam đang “nắm giữ” tới 1/3 tổng số lượng nhân viên của Samsung Điện tử trên toàn thế giới.
Kinh tế Việt Nam “trông” vào Samsung?
Khi số liệu thống kê về tình hình kinh tế - xã hội quý I/2017 của Việt Nam được công bố, với tăng trưởng GDP ước chỉ đạt mức 5,1% - một mức tăng trưởng được cho là khá thấp, khá nhiều ý kiến của các cơ quan quản lý cho rằng, một phần do Samsung Việt Nam sụt giảm sản xuất trong thời điểm này.
Dễ hiểu vì sao sản xuất của Samsung sụt giảm, nhất là sau sự cố Note 7 vào cuối năm ngoái. Chưa bàn tới câu chuyện có thực sự kinh tế Việt Nam tăng trưởng thấp có thực sự do Samsung hay không, song động thái trên cho thấy, Samsung - với các tổ hợp sản xuất khổng lồ của mình - đang ngày càng đóng vai trò to lớn trong thúc đẩy kinh tế Việt Nam phát triển.
Bởi vậy, khi bàn tới các các động thái của nền kinh tế trong quý II và những tháng cuối năm, các chuyên gia cũng đã lại một lần nữa nhắc tới Samsung. Theo cái vị này, khi Samsung thúc đẩy sản xuất trong quý II, giá trị sản xuất công nghiệp chế biến chế tạo của Việt Nam sẽ phục hồi, qua đó góp phần quan trọng đẩy tăng trưởng kinh tế của Việt Nam lên cao.
Năm ngoái, bất chấp sự cố Note 7, theo ông Bang Hyun-woo, Phó tổng giám đốc Samsung Việt Nam, hai tổ hợp SEV và SEVT vẫn đạt kim ngạch xuất khẩu 36,2 tỷ USD. Trong khi đó, nếu tính chung toàn bộ các hoạt động sản xuất của Samsung tại Việt Nam, con số doanh thu là 46,3 tỷ USD, trong đó doanh thu xuất khẩu là 39,9 tỷ USD, tăng 9,9% so với năm 2015.
Cũng vào thời điểm giữa tháng 4/2017, khi tới thăm SEVT, có thể thấy, các dây chuyền sản xuất ở nhà máy trị giá 5 tỷ USD này đang “tốc lực” cho sản xuất dòng smartphone đỉnh cao của Samsung - Galaxy S8/S8+. Theo kế hoạch, ngày 5/5 tới, sản phẩm này sẽ chính thức được bán tại Việt Nam và thị trường toàn cầu.
Sau sự cố Note 7, Samsung đã rất cẩn trọng trong sản xuất và kiểm thử S8/S8+. Tất cả các sản phẩm sảnxuất ra đều được lưu lại trên dây chuyền (aging) tới 72 giờ đồng hồ, thay vì chỉ 2 giờ như trước đây, để đảm bảo không có bất kỳ lỗi hay sự cố có thể xảy ra. Khu vực kiểm tra an toàn sản phẩm trong phòng Reliability test Lab cũng đã có thêm “khâu” phân tích cháy nổ, và được kiểm tra khả năng chịu lực, nhiệt độ, hóa chất…
Đây chính là lý do khiến Samsung tin rằng, S8/S8+ sẽ mang lại doanh thu đáng kể cho hãng, và tất nhiên, khi nhu cầu lớn, nhà máy sẽ tăng sản lượng, qua đó tăng giá trị sản xuất và xuất khẩu của hai nhà máy SEV và SEVT. Một nguồn tin cho biết, theo tính toán của Samsung, kim ngạch xuất khẩu của SEV và SEVT sẽ tăng khoảng 10% so với năm ngoái, và như vậy, khả năng, năm nay, chỉ riêng kim ngạch xuất khẩu của hai tổ hợp này đã lên tới 40 tỷ USD.
Thêm vào đó, SEHC sau khi đi vào hoạt động ổn định có thể cũng sẽ nâng tổng kim ngạch xuất khẩu trong năm nay lên khoảng 4 tỷ USD so với chỉ 1,7 tỷ USD của năm ngoái. Như vậy, chỉ riêng ba tổ hợp sản xuất của Samsung Điện tử tại Việt Nam sẽ đóng góp cho xuất khẩu của Việt Nam năm 2017 khoảng 44 tỷ USD, con số mà chắc chắn không doanh nghiệp vào ở Việt Nam có được.
Nếu tính thêm phần sản xuất và xuất khẩu của Samsung Điện cơ ở Thái Nguyên, hay Samsung Dislay ở Bắc Ninh - vừa tăng vốn đầu tư lên tới 6 tỷ USD, thì chắc chắn, đóng góp của Samsung cho kinh tế - xã hội Việt Nam còn lớn hơn nhiều. Con số được ước tính là khoảng 50 tỷ USD kim ngạch xuất khẩu trong năm nay, tăng khá cao so với mức 39,9 tỷ USD của năm ngoái.
Bởi vậy, có thể là hơi quá, nhưng rõ ràng, ở một góc độ nhất định, kinh tế Việt Nam đang trông chờ khá lớn vào Samsung.
Nguyên Đức / baodautu