Tăng trưởng dựa trên khai thác tài nguyên và lợi thế nhân công giá rẻ của Việt Nam đã tới hạn, không còn lựa chọn nào khác ngoài việc phải thay đổi.
Sau niềm vui dự báo Việt Nam sẽ nằm trong top 20 nền kinh tế lớn nhất thế giới vào năm 2050, những lời tâm huyết của các chuyên gia kinh tế khiến chúng ta khó có thể lạc quan quá đà.
Thứ hạng bất ngờ
Đầu năm nay, Việt Nam nhận “món quà” bất ngờ từ Công ty Pricewaterhouse Coopers (PwC), một trong bốn công ty kiểm toán hàng đầu thế giới. Báo cáo “Tầm nhìn dài hạn: Trật tự kinh tế toàn cầu sẽ thay đổi ra sao đến năm 2050?” công bố sáng ngày 7.2 của PwC cho biết, năm 2016, nền kinh tế Việt Nam đứng thứ 32 thế giới, GDP tính theo ngang giá sức mua (PPP) là 595 tỉ USD.
Với tốc độ tăng trưởng trung bình được dự báo là 5,1%/năm trong giai đoạn 2016-2050, PwC dự báo, Việt Nam sẽ đứng vị trí 20 thế giới, với GDP theo PPP là 3.176 tỉ USD, vượt Thái Lan, Malaysia, Canada, Úc… và chỉ kém Hàn Quốc 2 bậc.
Dĩ nhiên, tin vui nói trên đã được một bộ phận người dân đón nhận một cách hào hứng. Người ta tin vào chuyện thần kỳ trong cổ tích, một nền kinh tế với những chỉ số vĩ mô ảm đạm (nợ công cao, nợ xấu cao, hiệu suất đầu tư kém…) sẽ vươn mình thành người khổng lồ, cũng giống như họ đã từng tin Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) sẽ giúp GDP Việt Nam tăng hai ba chục tỉ USD. Dù sao đi nữa, niềm tin không có tội, thậm chí nó còn là một chỉ số quan trọng của niềm vui sống.
Gần 2 tháng trôi qua là khoảng thời gian để những ai thực sự quan tâm điềm tĩnh và tỉnh táo giải mã ‘’kỳ tích’’ nói trên. Có thể thấy, báo cáo của PwC dựa trên GDP tính theo ngang giá sức mua, nghĩa là khả năng mua được một rổ hàng hóa của các đồng tiền khác nhau, cụ thể là VND so với USD.
Xem xét số liệu mới nhất, năm 2016, GDP danh nghĩa của Việt Nam là khoảng 198 tỉ USD, trong khi, GDP tính theo PPP là 595 tỉ USD, thể hiện mức giá cả ở Việt Nam rẻ hơn trung bình thế giới khoảng 3 lần hay nói chính xác hơn là bị định giá thấp đến 3 lần! PwC cho rằng, đây là thông tin các nhà đầu tư dài hạn cần quan tâm khi lựa chọn những thị trường có chi phí sản xuất thấp, tối đa hóa lợi nhuận thu được. Thực tế, Việt Nam đang là công xưởng gia công của nhiều tập đoàn công nghệ, tiêu dùng lớn trên thế giới.
Trao đổi với NCĐT, Tiến sĩ Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện Quản lý Kinh tế Trung ương, nhấn mạnh: “Không nên nhầm lẫn xếp hạng này với sức mạnh thực của nền kinh tế. Dự báo của PwC chỉ dùng để tham khảo, để biết thế giới nghĩ gì và có hy vọng gì về kinh tế Việt Nam’’.
Một cái nhìn khác…
Nhìn từ góc độ thống kê, chuyên gia kinh tế Bùi Trinh tỏ ra quan tâm hơn đến các dữ liệu đầu vào trong báo cáo của PwC. Vị chuyên gia này thẳng thắn, đưa ra mức tăng trưởng GDP trung bình là 5,1% cho dự báo dài hạn tới năm 2050 là không thực tế.
Nếu xem xét trên hệ số ICOR, thể hiện để tăng một đồng GDP cần đầu tư bao nhiêu đồng, ta thấy, chỉ số ICOR của Việt Nam giai đoạn 2010-2015 là 4,57. So sánh với các nước trong khu vực, chỉ số ICOR của Việt Nam trong giai đoạn này chỉ tương đương với Malaysia, cao hơn Myanmar, Philippines và Campuchia.
Mặt khác, tính toán hệ số co giãn (hệ số đóng góp) của đầu ra tương ứng với lao động và vốn từ bảng cân đối liên ngành năm 2007 và năm 2012 cho thấy nếu đầu ra là tổng giá trị gia tăng thuần (gross value added net - GVAN), hệ số co giãn của lao động tăng từ 64% năm 2007 lên 78% năm 2012, hệ số co giãn của vốn cũng đã giảm từ 36% xuống 22%. Với giả định chi phí đầu vào không thay đổi, để tạo ra tăng trưởng phải cần một số vốn lớn hơn các giai đoạn trước đây.
Trong khi đó, theo báo cáo của Trung tâm Nghiên cứu thuộc Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) tháng 6.2016, chi đầu tư phát triển có xu hướng giảm, nhất là từ năm 2013 đến nay. Gánh nặng nợ công cùng với những khó khăn trong việc cắt giảm chi thường xuyên hiện nay chứng tỏ tình hình trên không dễ gì thay đổi.
‘’Vậy mức tăng trưởng dự báo 5,1% nói trên phải được lý giải như thế nào? Báo cáo dựa trên số liệu nói trên liệu có thực tế hay không?’’, vị chuyên gia ngành thống kê thẳng thắn đặt nghi vấn. Một vấn đề khác được ông Bùi Trinh nêu ra: Việt Nam được gì từ dự báo tăng trưởng kinh tế lạc quan như vậy? Theo một nghiên cứu sắp được công bố, hiện tại, mức độ phát thải để tạo ra một đơn vị GDP ở Việt Nam cao hơn mức trung bình thế giới, cao hơn cả Trung Quốc. Giả định kinh tế Việt Nam tăng trưởng với tốc độ và cách thức như hiện nay, đến năm 2030, lượng phát thải CO2 sẽ lên xấp xỉ 1 tỉ tấn (so với mức 240 triệu tấn hiện nay). Và không ai khác, chính người dân Việt Nam sẽ phải gánh chịu sự ô nhiễm trầm trọng này.
Chẳng ai có thể tìm ra cây đũa thần giúp nền kinh tế Việt Nam trở thành người khổng lồ mà không cần bất cứ nỗ lực nào. Nhưng cơ hội là có thật, bởi lẽ, dù không được hưởng nhiều ưu đãi nhưng khu vực kinh tế tư nhân vẫn đóng góp trên 40% GDP. Thêm nữa, Việt Nam có vị trí địa lý chiến lược để tiếp cận các thị trường tiêu thụ lớn trên thế giới như Trung Quốc, Ấn Độ, nhóm nước Đông Bắc Á như Nhật, Hàn Quốc... Vấn đề là khi nào chúng ta mới thực sự chuyển mình?
Theo Tiến sĩ Lê Đăng Doanh, tăng trưởng dựa trên khai thác tài nguyên và lợi thế nhân công giá rẻ của Việt Nam đã tới hạn. Việt Nam không còn lựa chọn nào khác ngoài việc phải thay đổi. ‘’Theo Công bố Năng lực Cạnh tranh cấp tỉnh 2016, các doanh nghiệp vẫn than phiền, doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp nước ngoài được ưu đãi hơn. Chúng ta luôn nói doanh nghiệp tư nhân là động lực của nền kinh tế nhưng sự thật thế nào? Đành rằng nói hay cũng đáng quý rồi nhưng chúng ta cũng phải làm nữa. Điều đó quan trọng hơn nhiều’’, ông Lê Đăng Doanh nói.
Chuyên gia kinh tế Bùi Trinh bổ sung, Việt Nam phải từ bỏ ngay niềm hào hứng với thành tích xuất khẩu, mà thực chất là xuất khẩu cho các doanh nghiệp FDI. Chúng ta trải thảm đỏ mời doanh nghiệp FDI đến đầu tư, mời họ vào bán hàng ở thị trường 100 triệu dân với mức chi tiêu dùng chiếm tới hơn 60% GDP...
Thực tế, dù chiếm ưu thế về quy mô nhưng doanh nghiệp FDI trong mấy năm qua lại không tạo ra hiệu ứng về công nghệ và trình độ quản lý sang doanh nghiệp trong nước như kỳ vọng. Sự thất bại của ngành ô tô và công nghiệp phụ trợ là một ví dụ điển hình.
Nhìn ở tầm vĩ mô, theo ông Bùi Trinh, cơ cấu ngành trong GDP được định hướng Công nghiệp - Dịch vụ - Nông nghiệp đang bộc lộ nhiều hạn chế. Bởi lẽ, công nghiệp đòi hỏi nhập khẩu cao cho đầu vào sản xuất, nên có mức độ lan tỏa về nhập khẩu rất lớn. Khi công nghiệp tăng lên một đơn vị sản phẩm cuối cùng không lan tỏa đến sản xuất và thu nhập nội địa, mà tác động mạnh đến nhập khẩu, tăng thâm hụt thương mại. Trong khi đó, nông nghiệp teo tóp còn được coi là thành tích dẫn đến những hệ lụy đất đai nông nghiệp mất đi, hàng nghìn con sông bị lấp để phục vụ cho một nền công nghiệp ngày càng mang tính gia công toàn diện hơn. Điều này rất cần phải thay đổi.
Hoàng Hạnh / nhipcaudautu