Ông Thân Đức Việt đã có 23 năm gắn bó với ngành dệt may, hiện là Tổng giám đốc May 10. Một trong những kỷ niệm lớn nhất trong đời làm nghề của ông là lần đầu đến Chiết Giang, được mệnh danh là thủ phủ dệt nhuộm của Trung Quốc.
“Bước chân xuống máy bay, tôi đã được chào mừng đến thành phố dệt của thế giới. Ở đây có 4.000 nhà máy dệt, mỗi ông chỉ làm một thứ thôi nhưng cung cấp cho cả thế giới”, ông Việt nói.
Theo CEO May 10, 60-70% nguyên phụ liệu dệt may của Việt Nam là mua từ Trung Quốc. Nói thế để thấy ngành dệt may tỷ USD, có hàng trăm nghìn lao động của Việt Nam phụ thuộc vào bên ngoài như thế nào. Từ khi dịch Covid-19 bùng phát làm đứt gãy chuỗi cung ứng, ông Việt nói chưa khi nào nghe tin dữ như vậy.
Dệt may chỉ là một trong nhiều ngành kinh tế của Việt Nam đang lao đao vì dịch Covid-19. Nhiều chuyên gia kinh tế nói dịch bệnh như một “liều thuốc thử” để biết được sức khỏe của nền kinh tế Việt Nam đang thế nào. Có “liều thuốc” này sẽ thấy rõ điểm mạnh, điểm yếu, thách thức và cả cơ hội phía trước.
Với mái tóc hoa râm, nước da sương gió và chiếc áo sơ mi sờn màu, ông Nguyễn Minh Phương, chủ một doanh nghiệp thanh long ở Long An, bối rối tìm chỗ ngồi tại phòng họp tầng 2, trụ sở Bộ Công Thương (Hà Nội). Đã nhiều lần ra Hà Nội, nhưng đây là lần đầu tiên ông đến Bộ Công Thương, lại dự một cuộc họp đặc biệt.
Đó là một ngày giữa tháng 2, Bộ Công Thương họp khẩn để tìm giải pháp tiêu thụ hàng trăm nghìn tấn nông sản đang và chuẩn bị thu hoạch. Dự họp là lãnh đạo nhiều sở công thương, nhiều doanh nghiệp bán lẻ lớn. Ông Phương là một trong số ít chủ doanh nghiệp được mời đến dưới sự chứng kiến của hàng chục nhà báo.
Những bản báo cáo ghi số nông sản có nguy cơ tồn đọng hàng nghìn tấn, trăm nghìn tấn, vài trăm nghìn tấn... liên tiếp vang lên. Điều đó khiến ông Phương ngày càng sốt ruột cho số thanh long mà công ty đã và đang thu hoạch đúng đợt dịch Covid-19 này.
Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KHĐT), nông nghiệp, du lịch, dịch vụ và hàng không là những ngành chịu ảnh hưởng trực diện từ dịch Covid-19. Nông nghiệp thì ùn ứ nông sản. Ngành du lịch sụt giảm nhanh chóng lượng khách, đặc biệt là những thị trường trọng điểm là Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản. Ba nước này chiếm khoảng 70% tổng lượng khách quốc tế đến Việt Nam (Khoảng 12,5 triệu lượt).
Du lịch đình trệ khiến một loạt ngành khách lao đao theo là lưu trú, ăn uống, lữ hành, vận chuyển. Đáng chú ý nhất là sự sụt giảm của ngành hàng không và bán lẻ.
Ngành hàng không ước tính thiệt hại 25.000 tỷ đồng do dịch Covid-19. Vietnam Airlines cho biết hàng chục máy bay "đắp chiếu" và hàng trăm phi công dư thừa. Nhiều đường bay “đẻ ra tiền” đến các nước Đông Bắc Á, đón lượng khách du lịch dồi dào dừng khai thác.
Sau khoảng một tháng bùng phát dịch, các doanh nghiệp sản xuất bắt đầu lo lắng. Các ngành sản xuất quan trọng của Việt Nam là dệt may, da giày, điện tử, cơ khí, lắp ráp ôtô... đều đang lao đao vì nguy cơ thiếu nguyên liệu từ bên ngoài.
Những chuyến đi đến Chiết Giang của ông Thân Đức Việt luôn kèm theo các bản hợp đồng cung cấp nguyên liệu lớn cho May 10. Công ty này mỗi tháng sản xuất khoảng 2 triệu sản phẩm, có tới 662 nhà cung cấp trên toàn thế giới. Tuy nhiên, số nhà cung cấp từ Trung Quốc chiếm 2/3 (khoảng trên 400 doanh nghiệp).
“Nói thật, thị trường Trung Quốc vẫn là nhà cung cấp lớn nhất”, ông Việt chia sẻ.
Dịch Covid-19 bùng phát khiến lưu thông hàng hóa giữa Việt Nam và Trung Quốc đình trệ, doanh nghiệp này có nguy cơ cao thiếu nguyên liệu từ cuối tháng 3. Nếu thiếu nguyên liệu, công nhân sẽ phải nghỉ làm, công ty tính đến nguy cơ phá sản.
Ông Việt đánh giá nút thắt lớn nhất của dệt may Việt Nam là nguồn nguyên liệu phụ thuộc bên ngoài. Đó cũng là tình cảnh chung của ngành da giày, điện tử, lắp ráp ôtô, cơ khí, chế tạo máy...
Chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu gọi dịch Covid-19 như “liều thuốc thử” với nền kinh tế Việt Nam. “Liều thuốc” giúp nhìn rõ một loạt điểm yếu của rất nhiều ngành kinh tế, trong đó nhiều ngành là xương sống của xã hội.
Trong một cuộc họp tổng kết năm ở Bộ Công Thương, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã từng đặt câu hỏi tại sao nhiều tỉnh thành nói không với dệt nhuộm. Các tỉnh mong muốn các dự án công nghệ cao, du lịch, nghỉ dưỡng mà không muốn thu hút vốn từ dệt nhuộm, ngành “mang tiếng” là đem đến nguy cơ ô nhiễm môi trường.
Câu hỏi của Thủ tướng xuất phát từ việc nhiều năm liền, dù Việt Nam là nhà sản xuất dệt may lớn thứ ba thế giới nhưng vẫn không tự chủ được nguồn nguyên liệu. Ông rất mong có nhiều hơn nữa những nhà máy sản xuất nguyên phụ liệu dành cho dệt may được xây dựng tại Việt Nam để có thể tự chủ nguồn này.
Theo ông Thân Đức Việt, ngành dệt may Việt Nam đang có điểm yếu rất lớn là thiếu các doanh nghiệp sản xuất nguyên phụ liệu đủ mạnh để cung ứng. Các nhà cung cấp Việt Nam chỉ có thể cung ứng “rất hạn chế” nguồn hàng. Suất đầu tư dệt nhuộm lớn nên không nhiều người mặn mà. Điều này khiến hàng hóa Trung Quốc vốn đã sẵn có, đa dạng, giá rẻ... lại ngày càng được sử dụng nhiều.
Ông Nguyễn Minh Kế, Chủ tịch Hội nhôm thanh định hình Việt Nam, cho biết 70% nguyên liệu nhôm của Việt Nam cũng phải nhập từ Trung Quốc. Dịch Covid-19 làm chuỗi cung ứng gián đoạn, cả ngành nhôm đang đứng ngồi không yên lo thiếu nguyên liệu từ cuối quý I.
Chủ tịch Hội Doanh nghiệp Cơ khí - Điện TP.HCM Đỗ Phước Tống cho rằng việc phụ thuộc nguyên phụ liệu vào một thị trường là chuyện phổ biến trên toàn thế giới, chứ không riêng Việt Nam. Hiện tại, nhiều doanh nghiệp điện tử như Samsung, LG hay các doanh nghiệp lắp ráp ôtô cũng trong tình trạng tương tự. Dịch kéo dài, nguồn cung ứng gián đoạn, nhưng rất khó để chuyển đổi hay tìm kiếm một nhà cung cấp khác.
Đồng tình, một thành viên Hiệp hội dệt may Việt Nam chia sẻ rất khó để chuyển sang nhà cung cấp khác “trong một sớm một chiều”. Theo vị này, chu kỳ của hàng thời trang thường kéo dài 6 tháng. Nghĩa là tháng 9-12 hàng năm là sản xuất hàng xuân - hè năm sau, tháng 1-4 là sản xuất hàng thu - đông. Từ khi duyệt mẫu thiết kế, chọn vải, báo giá, sản xuất, vận chuyển... kéo dài 3-4 tháng, có loại 6 tháng.
“Bây giờ mà nói chuyển là chuyển nhà cung cấp cho mùa xuân - hè sang năm”, vị này chia sẻ.
Theo báo cáo của Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương) ngành dệt may và da giầy nhập khẩu 60,91% vải, 57,39% xơ sợi, 43,67% nguyên phụ liệu dệt may, da giày từ Trung Quốc năm 2019.
Nhiều ngành sản xuất đang khó khăn về nguyên, phụ liệu. Ảnh: Việt Linh. |
Ngành chế biến gỗ, sản xuất giường tủ, bàn ghế thì chịu ảnh hưởng của thị trường xuất khẩu do hoạt động thương mại với Trung Quốc bị hạn chế. Nước này là thị trường tiêu thụ 60-70% tổng lượng dăm của Việt Nam xuất khẩu đi, 67% tổng số giấy xuất khẩu.
Khác với các ngành sản xuất công nghiệp, ngành nông nghiệp, hàng không và du lịch thì bộc lộ điểm yếu là phụ thuộc quá lớn vào một số ít thị trường. Trong khi nhiều loại nông sản ùn ứ tại các cửa khẩu thì nhiều địa điểm du lịch “không một bóng người” do khách du lịch từ những thị trường truyền thống giảm mạnh. Dịch Covid-19 bùng phát ở các nước Đông Bắc Á khiến các đường bay sinh lời của nhiều hãng hàng không đình trệ.
Tuy nhiên, ở một góc độ khác, Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường chỉ ra điểm yếu của ngành nông nghiệp là thiếu những sản phẩm chất lượng, đủ sức xuất khẩu đi nhiều thị trường khó tính trên thế giới.
Ông nói rằng thực trạng nông nghiệp Việt Nam vẫn còn manh mún, nhiều nơi sản xuất nhỏ lẻ, chưa có nhiều doanh nghiệp lớn. Nền sản xuất nhỏ lẻ, manh mún khó tạo ra các sản phẩm hàng hóa chất lượng, tiêu chuẩn, đáp ứng các thị trường khó tính. Từ đó, hàng nông sản chất lượng thấp phải phụ thuộc vào một số thị trường dễ tính nhất định.
Do đó, khắc phục hạn chế này là phải thay đổi phương thức sản xuất. Đó cũng là điều mà nhiều chuyên gia nhấn mạnh đến những giải pháp căn cơ nhất.
Suất ăn nhẹ gồm một chiếc bánh khúc, vài miếng chả quế thái mỏng được đặt khéo léo trước mặt các thành viên dự họp vào lúc 19h30 một buổi tối đầu tháng 2. Đó một trong nhiều cuộc họp kéo dài muộn, liên tục tại Bộ KHĐT trong bối cảnh dịch Covid-19.
Khác với các cuộc họp của ngành y tế, các cuộc họp của Bộ KHĐT tập trung nhiều vào ảnh hưởng của dịch đến nền kinh tế. Cơ quan được ví như “nhạc trưởng” của nền kinh tế, được Thủ tướng giao việc đánh giá tác động, đưa ra nhận định và đề xuất các giải pháp tháo gỡ khó khăn, bám sát mục tiêu tăng trưởng từ đầu năm đã đề ra.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc từng nhấn mạnh, phải đạt được "mục tiêu kép", nghĩa là vừa chống dịch, vừa nỗ lực thực hiện các mục tiêu kinh tế - xã hội đã đề ra.
Với những điểm yếu và khó khăn hiện tại, Thủ tướng đã ra chỉ thị với nhiều nội dung quan trọng nhằm hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn. Đó là tháo gỡ khó khăn, tạo thuận lợi về tiếp cận vốn, tín dụng và thuế. Dự kiến sẽ có gói tín dụng 250.000 tỷ đồng hỗ trợ doanh nghiệp từ các ngân hàng.
Ngoài ra còn có nhiều nỗ lực khác trong việc cắt giảm thủ tục hành chính, chi phí; tạo thuận lợi cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy xuất, nhập khẩu; phục hồi và phát triển ngành du lịch, hàng không; đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công...
Đó là những giải pháp về ngắn hạn. Còn trong dài hạn, Bộ trưởng KHĐT Nguyễn Chí Dũng cho rằng trong “nguy” luôn có “cơ”. Ông nhấn mạnh cơ hội của nền kinh tế Việt Nam lúc này là nhìn lại mình, biết điểm mạnh, điểm yếu, từ đó phát huy điểm mạnh, hạn chế điểm yếu trong tương lai.
“Cái chựng lại không tốt, nhưng nó sẽ giúp mình thấy được đi đúng hay đi sai, đó là cơ hội”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nói.
Đồng tình, đại biểu Quốc hội Trần Hoàng Ngân, thành viên Tổ tư vấn Kinh tế của Thủ tướng, cho rằng phải đẩy nhanh quá trình tái cơ cấu nền kinh tế. Mỗi nhóm ngành đều cần có những giải pháp riêng, vừa ứng phó trong bối cảnh dịch, vừa phát triển trong tương lai.
Tổng giám đốc May 10 Thân Đức Việt cho rằng không chỉ riêng dệt may, với các ngành sản xuất công nghiệp, cần chú trọng việc chủ động nguồn nguyên liệu. Ông lấy ví dụ, dệt nhuộm thường có suất đầu tư lớn và nỗi lo ô nhiễm môi trường. Chính phủ có thể hỗ trợ về tài chính, đất đai, chính sách... khuyến khích đầu tư vào lĩnh vực này.
Về nỗi lo môi trường, ông cho biết Chính phủ nên tự đầu tư xây các nhà máy xử lý nước thải tập trung rồi bán dịch vụ cho doanh nghiệp.
“Doanh nghiệp đã mất rất nhiều tiền đầu tư công nghệ rồi, giờ đầu tư thêm dây chuyền xử lý nước thải thì không tải nổi. Chính phủ có thể hỗ trợ bằng cách xây nhà máy rồi bán dịch vụ”, ông nói.
Trong lĩnh vực điện tử, cơ khí, lắp ráp ôtô, chuyên gia kinh tế Đinh Thế Hiển cho rằng cũng rất cần các chính sách để thu hút các doanh nghiệp phụ trợ lớn. Trong khi đó, ông Nguyễn Xuân Phú, Chủ tịch Tập đoàn Sunhouse, cho rằng Nhà nước nên có chính sách để dự trữ những nguồn nguyên liệu chiến lược, ảnh hưởng đến nhiều ngành sản xuất, trong một thời gian dài.
Với dịch vụ, du lịch, Chủ tịch UBND Thừa Thiên - Huế Phan Ngọc Thọ cho rằng phải ngày càng đa dạng nguồn khách khi nói với Zing.vn. Ông cho biết “dù dịch hay không dịch, Huế vẫn sẽ phải đa dạng hóa nguồn khách, hướng tới nhiều thị trường hơn chứ không phụ thuộc”.
Trong lĩnh vực nông nghiệp, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho biết vẫn đang tăng trưởng tốt khi nông sản Việt Nam dồi dào, ngày càng được ưa chuộng. Tuy nhiên, nếu sản xuất tốt hơn nữa, thì ngành nông nghiệp còn có nhiều dư địa phát triển. Ông nhấn mạnh phải thay đổi phương thức sản xuất cơ giới hóa, gắn với chế biến sâu, tìm thị trường đa dạng cho hàng nông sản.
Bằng chứng là ngay trong đợt dịch, một số doanh nghiệp nông nghiệp cho biết vẫn xuất khẩu bình thường, với giá trị cao nhờ xuất chính ngạch với sản phẩm tốt.
Trong tầm nhìn Việt Nam 2045, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh cần thiết phải xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ, đủ sức chống chịu với các biến động bên ngoài. Dịch Covid-19 có thể coi là một “liều thuốc thử” đặc biệt với nền kinh tế Việt Nam để thấy được sức chống chịu như thế nào. Dù biến động, nhiều doanh nghiệp vẫn tin tưởng đất nước có thể biến “nguy” thành “cơ” trong tầm nhìn dài hạn, kinh tế tăng trưởng bền vững.