Tại Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam thường niên 2017, Hiệp hội các Doanh nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam (KOCHAM) đã nêu một số kiến nghị để cải thiện môi trường hoạt động của doanh nghiệp nước ngoài tại Việt Nam.
Ông Ryu Hang Ha, Chủ tịch KOCHAM. Ảnh: Minh Tuấn |
Ông Ryu Hang Ha, Chủ tịch KOCHAM nhấn mạnh cải cách nhằm tăng năng suất lao động đang là xu thế không thể tránh khỏi và chính phủ Việt Nam cần đặt sự phát triển đổi mới làm chiến lược kinh tế trọng tâm và hỗ trợ trên phạm vi quốc gia, đặc biệt giúp tăng năng suất doanh nghiệp.
Cụ thể, KOCHAM kiến nghị Việt Nam có quy định rõ ràng về bảo hiểm xã hội.
Theo đại diện KOCHAM, dự kiến từ tháng 1/2018, bảo hiểm xã hội bắt buộc đối với người lao động nước ngoài được thi hành và nhiều doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (FDI) đã bày tỏ lo lắng về sự gia tăng chi phí. Khi quy định mới này được thực thi, KOCHAM cho rằng những lợi ích và ưu đãi người lao động nước ngoài được hưởng khi bị tai nạn lao động hay bị bệnh, nhưng khi trở về nước chưa chắc họ đã được hưởng.
Vì người lao động nước ngoài phải bỏ ra một số tiền lớn để chi trả cho bảo hiểm xã hội, tốt hơn là các ưu đãi mà họ được hưởng là hữu ích và có giá trị, đại diện KOCHAM nói.
Thứ hai, đại diện KOCHAM nêu kiến nghị về vốn tối thiểu của doanh nghiệp FDI.
Theo ông Ryu Hang Ha, theo luật đầu tư của Việt Nam, ngoại trừ một số ngành nghề, lĩnh vực thì chưa có quy định về vốn tôi thiểu được yêu cầu khi thành lập doanh nghiệp FDI.
Do đó, nhiều nhà đầu tư Hàn Quốc trong quá trình chuẩn bị đầu tư sang Việt Nam hiểu rằng không có quy định về vốn tối thiểu giống như Hàn Quốc. Tuy nhiên, trên thực tế, trong quá trình xin giấy phép đầu tư, các doanh nghiệp này vẫn được yêu cầu về vốn tối thiểu.
KOCHAM kiến nghị Chính phủ ban hành hướng dẫn rõ ràng và chỉ đạo cơ quan thẩm tra giấy phép đầu tư để các nhà đầu tư Hàn Quốc gia nhập thị trường Việt Nam không gặp khó khăn khi ác định số vốn.
Thứ ba, KOCHAM kiến nghị cần áp dụng chế độ thẩm định năng lực cấp quốc gia trong lĩnh vực kỹ thuật.
Ông Ryu Hang Ha cho rằng không chỉ các doanh nghiệp FDI mà cả các doanh nghiệp Việt Nam trong ngành chế tạo đang gặp khó khăn trong việc tuyển dụng lao động kỹ thuật cao do thiếu chứng nhận chứng minh năng lực của ứng viên trong lĩnh vực tuyển dụng.
Do đó, KOCHAM kiến nghị Chính phủ xây dựng khung cơ bản về chứng nhận năng lực kỹ thuật và thành lập cơ quan thẩm dịnh năng lực cấp quốc gia về lĩnh vực kỹ thuật để quản lý và thi hành quy định này, qua đó giúp các doanh nghiệp FDI và Việt Nam nâng cao năng lực cạnh tranh.
Tuấn Minh / BizLIVE