Lăng Trịnh Hoài Đức hay còn gọi là lăng Ông, tọa lạc tại số 28 Trịnh Hoài Đức (P.Trung Dũng, TP.Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai).
Nấm mộ Trịnh Hoài Đức và phu nhân - Ảnh: L.C.T
Lối kiến trúc nấm mộ hình voi phục độc đáo đã phản ánh nguồn gốc tổ tiên của tác giả Gia Định thành thông chí này.
Di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia này nằm trên khu đất rộng 140 m2, được xây cao hơn mặt bằng xung quanh khoảng 1 m. Tổ hợp công trình kiến trúc lăng mộ được làm bằng đá ong tô hợp chất, thuộc loại hình song táng, rộng 10,2 m, dài 13,3 m, bia mộ hướng về phía tây nam, phía trước là hồ nước công viên Biên Hùng.
Kiến trúc từ ngoài vào trong gồm: bình phong tiền, đắp nổi đồ án hoa văn Long Mã trong nền cảnh vân mây và sóng nước ở mặt sau; kế đến là khu vực sân tế và cửa mộ. Sau cửa mộ là nhang án thờ và nấm mộ của Trịnh Hoài Đức cùng phu nhân (tả nam hữu nữ) có dạng hình voi phục/mã lạp đổ trên tấm đan hình chữ nhật giật cấp. Phía trước nấm mộ có đúc bia dạng cuốn thư - tam sơn, chính giữa dựng bia đá, hai bên cuốn thư đắp nổi biểu tượng âm dương và hồi văn. Kết thúc khu lăng là bình phong hậu, nối liền với vòng thành tạo nên hình lượn sóng, hai bên tai của bình phong hậu đắp nổi đề tài giao long cách điệu, chính giữa ở phần chân bình phong đắp nổi hình đầu linh thú.
Lối kiến trúc nấm mộ hình voi phục đã phản ánh nguồn gốc tổ tiên của Trịnh Hoài Đức. Nhiều công trình nghiên cứu về lăng mộ ở VN gần đây cho thấy, kết cấu kiến trúc lăng mộ có nấm mộ hình voi phục hay ngưu miên/mã lạp đều gắn liền với người Việt gốc Hoa. Điều này được minh chứng bằng hàng loạt các khu lăng mộ ở Cù Lao Phố (Biên Hòa) hay ở Sài Gòn, Hà Tiên... Tuy nhiên, bố cục mặt bằng kiến trúc với hệ thống tường thành, trụ biểu, bình phong và trang trí kiến trúc lại mang tính điển hình trong hệ thống lăng mộ các quan đại thần thời Nguyễn.
Nội dung bia mộ Trịnh Hoài Đức khắc: Quốc hiệu Hoàng Việt, mộ của người họ Trịnh, vua phong là Hiệp biện Đại học sĩ, tặng Đặc tiến Vinh lộc đại phu, Hữu trụ quốc, Thiếu bảo Cần Chính điện Đại học sĩ. Bia được lập vào tháng 11 năm 1825 do các con là Hàn lâm viện biện tu Tình Xuyên tử, Trịnh Thiên Nhiên lập. Bia mộ bà khắc: Quốc hiệu Hoàng Việt, mộ của phu nhân Hiệp biện Đại học sĩ Trịnh công chánh thất họ Lê. Bia không ghi ngày tháng lập, chỉ đề các con lập bia cho mẹ là Trịnh Thiên Nhiên, Trịnh Thiên Lễ, Trịnh Thiên Bảo.
Trước năm 1975, đến ngày cúng giỗ và Thanh minh, hậu duệ của Trịnh Hoài Đức và Hội Minh Hương Gia Thạnh ở Sài Gòn đều tổ chức cúng lễ rất long trọng. Sau này, vì nhiều lý do khác nhau, những hoạt động này thưa dần và chìm vào quên lãng.
Với sự nghiệp, cống hiến của Trịnh Hoài Đức cho dân tộc và những giá trị kiến trúc nghệ thuật khu lăng mộ của ông, năm 1990 Bộ Văn hóa - Thông tin đã công nhận lăng mộ Trịnh Hoài Đức là di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia. Năm 1998, trong dịp kỷ niệm 300 năm vùng đất Biên Hòa - Đồng Nai, khu lăng mộ được trùng tu, xây tường bao quanh để bảo vệ. Tuy nhiên, vẫn chưa có biện pháp tổng thể để bảo vệ và phát huy giá trị khu di tích.
Hiện nay, con đường dẫn vào khu di tích rất nhỏ và quanh co. Di tích lăng được cán bộ Ban Quản lý di tích tỉnh Đồng Nai chăm sóc thường xuyên, nhưng cũng chỉ dừng lại ở dạng cửa đóng then cài. Điều đáng báo động là toàn bộ không gian cảnh quan khu di tích ở phía trước bị xâm lấn trong thời gian dài, bị các hộ dân sử dụng làm quán nhậu nên dường như không ai còn biết tới một khu di tích lịch sử văn hóa gắn liền với bậc công thần Trịnh Hoài Đức - một trong những người có công lớn với dân tộc VN thế kỷ 18 - 19.
Trịnh Hoài Đức (1765 - 1825) còn có tên là An, tên tự Chí Sơn, tên hiệu Cấn Trai; tổ tiên là người tỉnh Phúc Kiến (Trung Quốc). Ông nội của Trịnh Hoài Đức gặp lúc nhà Thanh mới nổi lên, lánh sang nước Nam ngụ ở Trấn Biên (Biên Hòa). Năm 1792, Trịnh Hoài Đức cùng với Lê Quang Định, Ngô Nhân Tịnh thi đỗ được bổ chức Hàn lâm viện chế cáo. Dưới thời vua Gia Long và Minh Mạng, Trịnh Hoài Đức lần lượt giữ các chức vụ quan trọng nhất của triều đình: Thượng thư Bộ Lại, Bộ Hộ, Bộ Lễ, Phó tổng trấn thành Gia Định... Ông là quan văn duy nhất được triều đình phong hàm Chánh Nhất phẩm mà trước đó chỉ dành cho quan võ, mặc dù ông đã từ chối nhưng vua không cho. Vị quan đại thần thời Nguyễn này thanh liêm tới mức không đủ tiền để xây cho mình một ngôi nhà, vua lại phải cho tiền để ông dựng. Trịnh Hoài Đức là một trong ba nhà thơ nổi danh “Gia Định tam gia thi” cùng với Lê Quang Định và Ngô Nhân Tịnh - những học trò ưu tú của xử sĩ Võ Trường Toản. Ông cũng là một nhà sử học, địa lý học và văn hóa học... với những công trình nổi danh còn giá trị cho đến hôm nay và mai sau, tiêu biểu là tác phẩm Gia Định thành thông chí. |
Lương Chánh Tòng (Thanh Niên)