Việt Nam đang trở thành vùng đất lành cho các tập đoàn lớn đến đầu tư, đặc biệt là sau sự kiện chính thức ký kết Hiệp định Thương mại tự do và Hiệp định Bảo hộ đầu tư với Liên minh châu Âu (EVFTA và EVIPA) mới đây.
EVFTA và EVIPA không chỉ giúp thúc đẩy đầu tư từ EU, mà còn là đầu tư nước ngoài vào Việt Nam nói chung. Trong ảnh: Lắp ráp ô tô tại nhà máy Toyota Việt Nam. Ảnh: Toyota |
Mở hàng đắt khách
Có lẽ, không phải ngẫu nhiên mà Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc sáng 30/6 đã từ Osaka (Nhật Bản) bay về Việt Nam để chứng kiến lễ ký 2 hiệp định EVFTA và EVIPA, để rồi ngay sau khi kết thúc sự kiện mang ý nghĩa lịch sử đó, lại bay tới Tokyo để tiếp tục chuyến công du tại Nhật Bản. Tháp tùng Thủ tướng quay trở lại Nhật Bản lần này còn có Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, người vừa trực tiếp ký kết Hiệp định EVIPA.
Và cả hai, cùng các thành viên khác trong đoàn, vào sáng 1/7, đã tham dự Hội nghị Xúc tiến đầu tư tại Tokyo, hội nghị mà như lời Chủ tịch JETRO Nobuhiko Sasaki, là rất nhiều nhà đầu tư Nhật Bản mong chờ. Phát biểu tại khán phòng chật kín nhà đầu tư hai nước, Thủ tướng đã nói rằng: “Các bạn là những người mở hàng đầu tiên khi hai hiệp định vừa ký kết hôm qua”.
Quả đúng, đó là một sự mở hàng đầy may mắn. Bởi ngay tại Hội nghị Xúc tiến đầu tư, Thủ tướng Chính phủ đã chứng kiến lễ trao 32 giấy chứng nhận đầu tư và biên bản ghi nhớ hợp tác (MOU) giữa các địa phương, các doanh nghiệp Việt Nam với các doanh nghiệp Nhật Bản, với tổng giá trị lên đến 8 tỷ USD.
Tháng 10 năm ngoái, ngay sau khi Việt Nam tổ chức Hội nghị Tổng kết 30 năm thu hút đầu tư nước ngoài, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng có chuyến công du Nhật Bản và đã chứng kiến lễ ký hàng loạt thỏa thuận đầu tư, với tổng giá trị thậm chí còn cao hơn cả con số năm nay - 10 tỷ USD.
Ngay sau chuyến đi đó, Thủ tướng đã tới châu Âu và đón nhận tin mừng về việc Ủy ban châu Âu (EC) đã thống nhất thông qua việc trình lên Hội đồng châu Âu chấp thuận để ký chính thức EVFTA. Và nay, tất cả đã trở thành hiện thực.
Thông tin cho biết, trong chuyến công du Nhật Bản lần này, Thủ tướng cũng tiếp rất nhiều doanh nghiệp Nhật Bản, như Toshiba, Fujitsu, Hitachi, Daikin, Mazda, Mitsui, Omron, Yamaha… Theo khẳng định từ các tập đoàn này, họ đều đang mong muốn đầu tư vào Việt Nam và rất quan tâm đến cơ hội từ các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới mà Việt Nam tham gia.
Chẳng hạn, Tập đoàn Maruhan mong muốn được tham gia tiến trình tái cơ cấu hệ thống ngân hàng Việt Nam; Tập đoàn Toray Industries muốn đầu tư vào lĩnh vực dệt vải, với một tổ hợp công nghiệp khép kín, hiện đại; còn Tập đoàn Sumitomo, ngoài tiếp tục hợp tác với đối tác Việt Nam để phát triển thành phố thông minh, còn quan tâm đầu tư vào lĩnh vực fintech…
Trong khi đó, Tập đoàn NIDEC đã đầu tư 250 triệu USD vào sản xuất động cơ công nghệ cao và sẽ tiếp tục đầu tư 1 tỷ USD trong lĩnh vực này tại Khu công nghệ cao Hòa Lạc. Còn AEON sẽ đầu tư Dự án Trung tâm thương mại AEON Bắc Từ Liêm, với vốn đầu tư 250 triệu USD…
Kết quả khảo sát của JETRO cho biết, trên 70% doanh nghiệp Nhật muốn mở rộng làm ăn ở Việt Nam.
Đất lành cho tập đoàn lớn
Phát biểu trước các nhà đầu tư Nhật Bản, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chia sẻ niềm vui về việc Việt Nam vừa ký 2 hiệp định quan trọng EVFTA và EVIPA. Thủ tướng nói rằng, với các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới đã được ký, Việt Nam đang là “tâm điểm của các dòng chảy thương mại toàn cầu”.
Khẳng định việc coi cộng đồng doanh nghiệp và doanh nhân Nhật Bản như là “đối tác chiến lược hàng đầu” trong tiến trình phát triển quốc gia, Thủ tướng đã kêu gọi các nhà đầu tư Nhật Bản đầu tư hơn nữa vào Việt Nam để sớm quay trở lại vị trí nhà đầu tư số 1. “Đến Nhật Bản lần này, so với những năm trước, tôi càng có niềm tin vững chắc rằng, Việt Nam sẽ là miền đất lành cho các tập đoàn lớn của Nhật Bản”, Thủ tướng nói.
Nhưng không chỉ là đất lành với các tập đoàn lớn của Nhật Bản, nhiều quan điểm cho rằng, Việt Nam đang trở thành điểm đến đầu tư đầy hấp dẫn của các nhà đầu tư nước ngoài, nhất là sau khi EVFTA và EVIPA vừa được ký kết.
Thậm chí, bà Cecilia Malmstrom, Cao ủy Thương mại của EU cho rằng, với sự bảo hộ đầu tư tốt hơn qua các cam kết tại EVIPA, các nhà đầu tư EU sẽ có thêm lòng tin để đầu tư vào Việt Nam.
“Lòng tin là yếu tố quan trọng nhất”, Bộ trưởng Bộ Môi trường kinh doanh, Thương mại và Doanh nghiệp của Rumani Stefan-Radu Oprea cũng đã khẳng định như vậy. Theo ông, sự kiện ký kết EVFTA và IPA sẽ mở đầu cho một giai đoạn hợp tác hiệu quả về thương mại và đầu tư giữa Việt Nam và EU.
Nhưng không chỉ là với nhà đầu tư EU, Hiệp định EVFTA và EVIPA, có thể nói, sẽ là sự bảo đảm cho một môi trường đầu tư, kinh doanh cởi mở, thông thoáng hơn cho các nhà đầu tư toàn cầu nói chung.
Hơn nữa, theo Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Vũ Đại Thắng, thông qua việc thực thi EVFTA và EVIPA, các doanh nghiệp EU không chỉ được tham gia thị trường Việt Nam, mà còn là thị trường ASEAN và thị trường của các quốc gia thành viên CPTPP. Các quy định về xuất xứ hàng hóa cũng sẽ giúp cả các nhà đầu tư nước ngoài ngoài EU đầu tư vào Việt Nam để được hưởng lợi.
“Vì thế, EVFTA và EVIPA không chỉ giúp thúc đẩy đầu tư từ EU, mà còn là đầu tư nước ngoài vào Việt Nam nói chung”, Thứ trưởng Vũ Đại Thắng nhấn mạnh.
Xét trên khía cạnh này, các cam kết đầu tư từ Nhật Bản, có thể nói, chính là sự khẳng định chắc chắn cho những cơ hội mà Việt Nam sẽ nhận được trong thời gian tới.
Cả EU và Nhật Bản đều là các nhà đầu tư được Việt Nam coi trọng Lũy kế tính đến nay, Nhật Bản có 4.190 dự án đầu tư vào Việt Nam, với tổng vốn đăng ký 57,9 tỷ USD, đứng thứ hai trong số các quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư vào Việt Nam. Trong khi đó, EU có có 2.244 dự án tại Việt Nam với tổng vốn đăng ký 24,67 tỷ USD, chưa tính một số dự án lớn khác thông qua quốc gia hoặc vùng lãnh thổ thứ ba. Cả EU và Nhật Bản đều là các nhà đầu tư được Việt Nam coi trọng, muốn thu hút đầu tư nhiều hơn nữa. |
Theo Nguyên Đức / baodautu