"Giàu bất thường vì đất" là câu nói được nhà đầu tư ví von khi trúng lớn nhờ đầu tư bất động sản. Đi qua những cơn sốt, đất không chỉ tăng giá vài lần, vài chục lần mà có những trường hợp cá biệt tăng đến cả trăm lần.
Ông Phạm Thanh Hưng – Phó chủ tịch Cen Group từng tiết lộ kỷ lục tăng giá đất phải kể đến 3 khu vực Bắc Vân Phong, Vân Đồn, Phú Quốc khi có thông tin quy hoạch 3 khu vực này thành đặc khu kinh tế vào những năm 2018.
Ông Hưng cho biết ông đã từng chứng kiến một miếng đất của người dân ở khu vực Bắc Vân Phong được "hét giá" tăng tới 100 lần sau 3 năm. "Cụ thể, thời điểm trước khi có thông tin Bắc Vân Phong được quy hoạch trở thành đặc khu, tôi được biết miếng đất đó được rao 40-50 triệu đồng. Cũng miếng đất đó năm 2017 được rao tới 400-500 triệu đồng. Đến đầu năm 2018, vẫn chính miếng đất đó giờ có giá 5,5 tỷ đồng, tức là tăng 100 lần", ông Hưng cho biết.
Cũng như Vân Phong, Phú Quốc cũng từng là thị trường khiến giới buôn đất choáng váng với những cú tăng giá phi mã. Anh Toàn (môi giới lâu năm tại Dương Đông) cũng từng chứng kiến cảnh giá đất tăng theo giờ. Anh Toàn kể, hồi đầu năm 2018 một công (1000m2) đất ở tại khu vực xã Cửa Dương có giá khoảng 2,5 tỷ nhưng sau vài ngày được bán với giá 5,3 tỷ đồng. Sau khi sang tay, lô đất này ngay lập tức được nhà đầu tư rao bán với giá hơn 6 tỷ đồng.
Anh Toàn tiết lộ, tại khu vực Đảo Ngọc, anh đã chứng kiến nhiều công đất nếu hôm trước được rao với giá tiền vài tỷ đồng, thì chỉ sau một đêm được đẩy giá lên gấp 2,3 lần. Ở khu vực trung tâm của thị trấn Dương Đông, những mảnh đất có mặt tiền hướng ra biển, vị trí đất thuận lợi cho việc kinh doanh, xây dựng nhà hàng, khách sạn được rao giá trên 50 tỷ đồng/công, gấp 20 lần so với cách đó chưa đầy 2 năm.
Không kém Phú Quốc, những năm 2017-2019 đất Đà Nẵng cũng tăng phi mã. Năm 2017, sốt đất bùng phát khi có thông tin Đà Nẵng chuẩn bị triển khai dự án cảng Liên Chiểu và ga hàng hóa Kim Liên. Thông tin từ dự án nghìn tỷ được đồn thổi đã khiến giới đầu cơ nhà đất bắt đầu đổ bộ, đẩy giá đất tại khu vực tây bắc Đà Nẵng sốt nóng hầm hập.
Anh Sâm (Đà Nẵng) cho biết làm môi giới nhà đất tại đây hơn 10 năm nay chưa bao giờ thấy giá đất tăng chóng mặt như thời gian qua. Cuối năm 2016 giá đất ở Liên Chiểu chỉ khoảng 150-170 triệu đồng lô, nhưng năm 2017 tăng lên trên 300 triệu mà không có đất để bán. Ngoài Liên Chiểu đất ở Hoà Liên cũng tăng chóng mặt, tháng trước 160 triệu đồng/lô thì tháng sau đã tăng lên 430 triệu/lô.
Chị Lan, nhà đầu tư Hà Nội còn nhớ mãi cú hụt đầu tư Đà Nẵng. Năm 2014, chị có ý định đầu tư tại Đà Nẵng hỏi 1 lô đất mặt tiền ven biển được báo giá 45 triệu đồng/m2 nhưng chị chê đắt không mua mà mang tiền đầu tư đất nền quanh Hà Nội. Đến năm 2015 lô đất này đã tăng lên 65 triệu đồng/m2 và đỉnh điểm đến năm 2018 giá đất tại đây đã tăng lên 280 triệu đồng/m2.
Đến năm 2019, giá đất tại khu vực nam Đà Nẵng cũng tăng rất mạnh, nhất là vùng TX. Điện Bàn, TP Hội An. Đất vùng chợ Lai Nghi (cách trung tâm Đà Nẵng 20km) không dưới 1,6 tỷ/lô. Nhà đầu tư vào đây thường ôm cả lốc, 5-7 lô để lướt chứ ít mua lẻ. Ngay ở vùng Cổ An trũng nước, giá đất được thổi tăng chóng mặt so với các năm trước. Nếu như năm 2017 chỉ cần bỏ ra 137 triệu có thể mua được 100m2 đất tại đây cất nhà nhưng đến năm 2019 cũng diện tích đó nhà đầu tư phải bỏ ra 1,5 tỷ đồng.
Sốt đất tăng phi mã đã khiến không ít người giàu bất thường. Tại Thanh Hóa, chỉ trong khoảng thời gian từ 2020 - đầu năm 2021, giá đất trúng đấu giá tại nhiều mặt bằng mới cao gấp 1,5 lần, gấp đôi, gấp 3 so với giá khởi điểm nhưng vẫn cháy hàng. Thậm chí, có hiện tượng tranh nhau đặt cọc, mua đất được ví "như mua rau" khi nền đất được sang tay liên tục, giá tăng đột biến sau vài ngày…
Trong cơn sốt quay cuồng của đất Thanh Hóa, dân buôn từng choáng váng với một thương vụ giao dịch đi vào lịch sử khi một lô đất nền tại Quảng Xương được chủ nhà sang tên với giá 2 tỉ đồng, sau vài tháng nhà đầu tư bán lại với giá 7 tỉ đồng, lời luôn 5 tỷ đồng.
Việc nhà đầu tư lời cả chục tỷ sau 1 năm mua đất cũng không phải là hiếm. Chị Lan một nhà đầu tư đất nền lâu năm Hà Nội cho biết cuối năm 2019 chị mua lô biệt thự gần 300m2 tại khu đô thị Hà Đô Charm Villa (Hoài Đức, Hà Nội) với giá 8 tỷ, đến cuối năm 2020 lúc thị trường ven đô sốt nóng chị đã thoát hàng với giá 17 tỷ, lãi gần 9 tỷ đồng sau 1 năm đầu tư.
Không những nhà đầu tư, môi giới cũng là những người kiếm lời lớn trong mỗi cơn sốt đất. Trong giới môi giới bất động sản vẫn còn lan truyền câu chuyện vào năm 2019 khi cơn sốt đất Vân Đồn ập đến, ba cao thủ môi giới đình đám nhất Vân Đồn có ngày riêng tiền môi giới đã thu về 1 tỷ đồng/ngày.
Một trong ba cao thủ này kể lại nhớ lại những ngày quay cuồng trong cơn sốt Vân Đồn đến giờ vẫn thấy sợ. Khách hàng từ khắp nơi đến Vân Đồn trực tiếp, liên lạc qua điện thoại, tin nhắn, mạng xã hội, hẹn lịch tiếp, tư vấn, đi xem dự án, xem hạ tầng sân bay quốc tế, cao tốc. Sau khi dẫn khách đi xem dự án, môi giới lại quay cuồng ký đặt cọc, chuyển tiền, liên hoan, tiễn khách...
"Khách nhiều đến nỗi tiếp ngày đêm không hết. Do gặp gỡ khách quá nhiều, mỗi ngày chỉ ngủ khoảng 2 tiếng nên có hôm kiệt sức phải nhập viện truyền nước. Thực tế dù mệt nhưng đây là giai đoạn hào hứng nhất trong những năm làm nghề vì được sống hết mình", giám đốc một sàn bất động sản tại Vân Đồn cho biết.
Có thể nói, mỗi cơn sốt đất đi qua lại để lại những câu chuyện để đời. Giá đất tăng hàng chục lần đã giúp nhiều người kiếm tiền tỷ, giàu lên bất thường nhờ buôn đất. Và sau mỗi khi cơn sốt đất đi qua, nhà đầu tư lại tìm đến những thị trường tiềm năng, chờ đợi cơn sốt đất kế tiếp.