Kinh tế Việt Nam 2017 không phải chỉ tăng trưởng 6,7% như mục tiêu đề ra, mà ước đạt mức 6,81%. Cùng với bước tăng trưởng ngoạn mục này, nhiều kỷ lục khác cũng đã được thiết lập, đưa nền kinh tế đạt được kỳ tích trong năm 2017.
Vượt dốc ngoạn mục
Sáng 28/12, Chính phủ bắt đầu Hội nghị trực tuyến với các địa phương, tập trung thảo luận những giải pháp triển khai nhiệm vụ kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2018. Đáng chú ý, đây là cuộc họp tổng kết đầu tiên của Chính phủ có sự tham dự của 4 lãnh đạo cao nhất, gồm Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Chủ tịch nước Trần Đại Quang, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân và người đứng đầu Chính phủ - Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc.
Năm 2017, năng suất lao động của toàn nền kinh tế đã tăng khoảng 6%, cao hơn mức tăng 5,29% của năm 2016. Trong ảnh: Xưởng sản xuất vest của May 10. |
Trước khi diễn ra Hội nghị trực tuyến, không khí hồ hởi trước những thành tựu phát triển kinh tế - xã hội đã xuất hiện từ chiều ngày 27/12, khi Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Bích Lâm công bố, tăng trưởng GDP cả năm 2017 ước đạt 6,81%, cao hơn mục tiêu 6,7%, vượt mọi dự đoán của các tổ chức quốc tế, các chuyên gia kinh tế và Chính phủ Việt Nam. Đây cũng là mức tăng trưởng cao nhất trong vòng 6 năm qua.
Và cũng ngoạn mục khi nhìn vào tốc độ tăng trưởng GDP của từng quý năm 2017: quý I tăng trưởng 5,15%; quý II là 6,28%; quý III là 7,46%; và quý IV lên tới 7,65%.
Cần nhắc lại rằng, sau khi Tổng cục Thống kê chính thức công bố tăng trưởng GDP quý I/2017 chỉ là 5,1% (con số chính thức sau này là 5,15%), thấp hơn mức tăng trưởng 5,48% của quý I/2016 và 6,12% của quý I/2015, rất nhiều chuyên gia kinh tế lo lắng, tăng trưởng kinh tế 2017 có thể còn không thể đạt con số 6,21% của năm 2016.
Và khi tăng trưởng GDP quý II được công bố là 6,17% (sau này được cập nhật thành 6,28%), đưa tăng trưởng của 6 tháng đầu năm lên 5,73%, thì càng có cơ sở để có những nhận định rằng, mục tiêu tăng trưởng 6,7% trong năm nay là “nhiệm vụ bất khả thi”, đồng thời đề nghị điều chỉnh mục tiêu tăng trưởng. Chỉ có Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ kiên định mục tiêu này và công bố hàng loạt giải pháp nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Và những giải pháp đó đã phát huy hiệu quả, khi sang quý III/2017, tăng trưởng GDP đã đột phá với 7,46%. Khi ấy, Tổng cục Thống kê đã tính toán rằng, để đạt mục tiêu tăng trưởng 6,7%, thì quý IV/2017, GDP phải tăng trưởng 7,31%. Tuy nhiên, vượt mọi dự kiến, con số của quý IV đã lên tới 7,65%, đưa tăng trưởng GDP cả năm 2017 đạt con số 6,81%. Nền kinh tế đã có một hành trình vượt dốc ngoạn mục.
Không chỉ là tăng trưởng GDP, báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, lần đầu tiên sau nhiều năm, cả 13 chỉ tiêu kinh tế - xã hội đều đạt và vượt mục tiêu đề ra. Thậm chí, năm 2017 còn được coi là năm của những kỷ lục.
Kiến tạo kỳ tích
Còn nhớ, tại phiên họp thường kỳ Chính phủ tháng 3/2017, trong khi có nhiều ý kiến về việc Chính phủ nên điều chỉnh mục tiêu tăng trưởng, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc vẫn kiên định mục tiêu ấy, cho dù vẫn không khỏi lo lắng về những sức ép đang đè nặng lên nền kinh tế. Không chỉ là sức ép về tăng trưởng, mà còn cả nỗi lo lạm phát khó giữ ở mức 4%, nhập siêu lớn, giải ngân vốn đầu tư công chậm…
Năm của những kỷ lục * Vốn đầu tư nước ngoài đạt được gần 36 tỷ USD, cao nhất trong vòng 10 năm qua. * Số lượng doanh nghiệp thành lập mới cũng là kỷ lục, với 126.859 doanh nghiệp. * Lần đầu tiên, kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam chạm ngưỡng 400 tỷ USD. Con số ước tính vào thời điểm cuối năm là gần 425 tỷ USD, nền kinh tế ước xuất siêu 2,7 tỷ USD. * Trong bối cảnh đó, kinh tế vĩ mô vẫn ổn định, với lạm phát cả năm chỉ là 3,53%, thấp hơn mục tiêu đề ra. |
Cuối tháng 5/2017, trong bối cảnh khó khăn vẫn bủa vây nền kinh tế, ngay sau khi Kỳ họp thứ 3, Quốc hội Khóa XIV bắt đầu có những thảo luận đầu tiên về tình hình kinh tế - xã hội, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì một cuộc họp với các bộ, ngành về các kịch bản tăng trưởng năm 2017.
Khi ấy, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, với tư cách là người đứng đầu cơ quan tham mưu của Chính phủ trong điều hành kinh tế vĩ mô, đã thẳng thắn chia sẻ với báo giới vì sao Chính phủ kiên định mục tiêu tăng trưởng GDP 6,7%. Đó là nếu không tăng trưởng được như thế, Việt Nam khó có thể thu hẹp được khoảng cách với các nước trong khu vực. Hơn nữa, với Việt Nam - một nước đang phát triển, tăng trưởng còn có ý nghĩa quan trọng trong việc tạo nguồn lực để đầu tư phát triển phục vụ tăng trưởng của giai đoạn sau, duy trì ổn định các cân đối lớn, nhất là cân đối nợ công, tạo việc làm cho xã hội, có nguồn lực để thực hiện các chính sách an sinh xã hội, xóa đói giảm nghèo…
“Quan điểm của Chính phủ là không tăng trưởng bằng mọi giá, không đánh đổi môi trường lấy tăng trưởng, nhưng cũng không lãng phí cơ hội và tiềm năng”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đã nói như thế và khẳng định, việc Chính phủ quyết tâm theo đuổi mục tiêu tăng trưởng 6,7% là có cơ sở và đó không phải là “nhiệm vụ bất khả thi”.
Cũng là Bộ Kế hoạch và Đầu tư, dưới sự chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, đã nỗ lực xây dựng các kịch bản tăng trưởng kinh tế cho từng ngành, lĩnh vực và cho cả nền kinh tế. Để từ đó, đầu tháng 6/2017, Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị về các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thúc đẩy tăng trưởng các ngành, lĩnh vực nhằm thực hiện mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2017.
Đầu tháng 8/2017, sốt ruột trước tình hình giải ngân chậm, lo ảnh hưởng tới tăng trưởng kinh tế, với sự tham mưu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 70/NQ-CP về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công…
Hàng loạt giải pháp đã được thực hiện đồng bộ và nhất quán, từ Trung ương tới địa phương, từ mọi cấp, ngành, để rồi từ đó, nền kinh tế từng bước vượt qua khó khăn, không những đạt mà còn vượt mục tiêu tăng trưởng một cách ngoạn mục. Đó là một kỳ tích mà chắc chắn, nếu không có quyết tâm và chỉ đạo quyết liệt của một Chính phủ kiến tạo, liêm chính và hành động, thì không thể đạt được.
Chính chuyên gia kinh tế Huỳnh Thế Du (Chương trình giảng dạy kinh tế Fulbright) cũng đã khẳng định, cách tiếp cận “hành động, hành động và hành động” của người đứng đầu Chính phủ đã đem lại những kết quả tích cực cho nền kinh tế trong năm 2017.
Nền tảng cho sự phát triển vững bền
Không chỉ nỗ lực thực hiện các giải pháp ngắn hạn để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, năm 2017 cũng đã ghi nhận những thành công của Việt Nam trong thực hiện tái cơ cấu nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng, cũng như nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế.
Nghị quyết số 19-2017/NQ-CP và Nghị quyết số 35/NQ-CP đã tiếp tục được nỗ lực thực hiện. Vì thế, báo cáo Chính phủ hôm qua, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đã nhấn mạnh, môi trường kinh doanh, phát triển doanh nghiệp của Việt Nam đã có nhiều chuyển biến tích cực, lòng tin của người dân, doanh nghiệp được củng cố.
Bằng chứng là con số về thu hút vốn đầu tư nước ngoài tăng trưởng mạnh mẽ và kỷ lục trong thành lập mới doanh nghiệp. “Thị trường chứng khoán sôi động, Chỉ số VN-Index vượt 960 điểm, cao nhất kể từ năm 2008 đến nay”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nói.
Một bằng chứng khác, đó là môi trường kinh doanh của Việt Nam được Ngân hàng Thế giới đánh giá tăng 14 bậc, đứng thứ 68/190 nền kinh tế; năng lực cạnh tranh quốc gia được Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) đánh giá tăng 5 bậc, đứng thứ 55/137 quốc gia và vùng lãnh thổ; Chỉ số đổi mới sáng tạo tăng 12 bậc, đạt thứ hạng 47/127 - thứ hạng cao nhất mà Việt Nam đạt được kể từ trước tới nay; còn triển vọng Việt Nam thì được tổ chức Moody’s và Fitch nâng từ mức ổn định lên mức tích cực.
Không những vậy, cũng theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, chất lượng tăng trưởng đã từng bước được cải thiện. Năng suất lao động của toàn nền kinh tế năm 2017 đã tăng khoảng 6%, cao hơn so với mức tăng năm 2016 là 5,29%. Nếu tính theo giá hiện hành, đạt khoảng 93,2 triệu đồng/lao động. Đóng góp của năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) vào tăng trưởng kinh tế cũng ngày càng tăng, năm 2017 đạt mức 44,13%, cao hơn so với bình quân giai đoạn 2011-2015 (33,58%) và cao hơn so với năm 2016 (40,68%)…
Dù vẫn còn những điểm yếu, như năng suất lao động chưa cao, đóng góp của TFP chưa được như kỳ vọng, vẫn còn những nỗi lo về nợ công tăng cao, nợ xấu chưa được giải quyết, song rõ ràng, kinh tế Việt Nam 2017 đã lập nên những kỳ tích. Đây chính là nền tảng quan trọng để Việt Nam bước vào thực hiện Kế hoạch Phát triển kinh tế - xã hội năm 2018, cũng như để chuẩn bị cho giai đoạn phát triển về sau.
Hà Nguyễn / baodautu