Công viên Địa chất (CVĐC) núi lửa Đắk Nông trải dài 4.000 km2, trên 6 huyện, thị xã của tỉnh Đắk Nông. Điểm nhấn của CVĐC là hệ thống hang động núi lửa với gần 60 hang, vô cùng độc đáo, quyến rũ, nguyên sơ đang chờ du khách khám phá.
Từ khu du lịch Đray Sáp (huyện Krông Nô), con đường bê-tông khoảng 5 km uốn lượn quanh sườn núi sẽ đưa du khách đến một ngã ba. Tại đây, để đến được hang C3, bạn phải đi bộ xuyên rừng trên con đường nhỏ lát đá tổ ong dài khoảng 1,5 km, được làm từ nham thạch phun trào vài triệu năm trước. Đừng sợ mệt, không khí mát lạnh với dàn đồng ca của các loài chim sẽ giúp bạn vượt qua con đường ấy dễ dàng. Đến cuối con đường, rẽ trái, leo xuống vài chục bậc đá bạn sẽ gặp cửa hang C3.
Hang C3 là một trong những hang động đẹp và an toàn Ảnh: HỒNG ÁNH
Hang C3 không một giọt ánh sáng dài hơn 590 m. Để vào hang, bạn phải trang bị mỗi người một đèn pin. Cửa hang có đường kính khoảng 12 m. Hang có sự phân nhánh kép ở phần trung tâm. Trước đây, trong hang có rất nhiều dơi sinh sống nên người dân địa phương thường gọi là Hang Dơi. Điểm nhấn thú vị của hang C3 là cửa hang ở phía hạ lưu chỉ khoảng vài mét, trên tường hang có một khuôn hình cây gỗ với đường kính 80 cm được hình thành bởi nham thạch bao phủ. Khuôn cây này được các nhà khoa học đánh giá thuộc loại to và ít gặp trong các hang động núi lửa trên thế giới. Trên mặt sàn hang có lớp bùn đen dày khoảng 10 cm, có thể là do tro núi lửa hạt mịn lọt vào từ vết rạn trên trần hoặc tường hang qua một thời gian lắng đọng. Khác với nhiều hang động thường gồ ghề, lởm chởm đá, hang động ở đây khá bằng phẳng nhờ lớp lắng đọng cứng này.
Với sự phân nhánh ở khu vực giữa hang tạo nên những đường vòng quanh co, trần khá ổn định nên hang C3 được đánh giá là một trong những hang động đẹp và an toàn.
Đồ sộ, phức tạp là hang C7, dài hơn 1 km, đường kính cửa hang khoảng 20 m, xung quanh là vách cao dựng đứng khoảng 10 m. Giữa miệng hang có cây to, muốn vào hang phải bám vào cây hoặc sử dụng dây thừng để xuống nên phù hợp cho những người thích thám hiểm. Hang có sự phân tầng, phân nhánh khá phức tạp. Trong hang có nhiều khoang tròn, những đường chia dòng cách biệt lớn, phản ánh địa hình thung lũng cổ khá rộng và bằng phẳng, tốc độ dòng dung nham khi tới đây trở nên chậm, rồi dừng lại. Các chuyên gia Hội Hang động núi lửa Nhật Bản đánh giá hang C7 thuộc loại hang động núi lửa quý hiếm, có giá trị nghiên cứu khoa học và phát triển du lịch.
Trong khi đó, tại hang C6-1, các chuyên gia vừa phát hiện 3 ngôi mộ có di cốt người tiền sử. Trong hố khai quật, các nhà khoa học tìm thấy dấu vết 5 trẻ sơ sinh, 4 người trưởng thành và 1 thiếu niên. Kết quả nghiên cứu cho thấy các di cốt này cách đây đến 4.600-7.950 năm. Sở dĩ di cốt người tiền sử và các vật dụng giữ được lâu tới hàng ngàn năm như vậy là nhờ nhiệt độ trong hang thấp cùng với môi trường nhiều canxi.
Theo kết quả nghiên cứu bước đầu của các nhà khoa học, hệ thống hang động núi lửa ở đây đã xác lập được một số kỷ lục Đông Nam Á về độ dài, tính độc đáo cũng như các đặc trưng về cấu tạo hang động, dòng dung nham, các hóa thạch trong hang.
Theo Cao Nguyên (Người lao động)
Nguồn: https://nld.com.vn/thoi-su/ky-vi-hang-dong-nui-lua-dak-nong-20191107205039556.htm