Hiệp định tự do thương mại giữa Việt Nam và EU (EVFTA) nếu có hiệu lực từ tháng 7 sẽ góp phần giúp các doanh nghiệp thuỷ sản có thị trường xuất khẩu lớn qua EU được hưởng lợi. Cùng với đó, đây cũng là bước đệm để doanh nghiệp xuất khẩu nhiều hơn sang các thị trường khó tính như Hoa Kỳ.
Báo cáo phân tích của Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam nhận định, kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp có thị trường xuất khẩu lớn là Trung Quốc như Công ty cổ phần Vĩnh Hoàn, Công ty cổ phần Nam Việt có thể sẽ khả quan hơn so với quý đầu năm.
Về dài hạn, Yuanta Việt Nam kỳ vọng khi dịch bệnh được kiểm soát thì sản lượng xuất khẩu thủy sản sang Hoa Kỳ sẽ tăng trưởng mạnh hơn.
Đặc biệt doanh thu của một số doanh nghiệp xuất khẩu lớn tại Việt Nam như Công ty cổ phần Tập đoàn Minh Phú, Công ty cổ phần Thực phẩm Sao Ta và Vĩnh Hoàn sẽ tích cực hơn vào 2 quý cuối năm, với điều kiện dịch bệnh không bùng phát mạnh hơn.
Nếu xét 7 doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản lớn nhất cả nước có niêm yết trên thị trường chứng khoán, giá trị xuất khẩu của các doanh nghiệp này giảm 25% so với cùng kỳ, thấp hơn hẳn so với con số giảm 9.7% của toàn ngành thủy sản.
Một số ví dụ như thủy sản Minh Phú với thị trường lớn nhất là Mỹ (chiếm 40% giá trị xuất khẩu) với mặt hàng xuất khẩu chủ yếu là tôm và thủy sản Vĩnh Hoàn với mặt hàng xuất khẩu chủ yếu là cá tra đều có giá trị xuất khẩu giảm 22.7% so với cùng kỳ năm 2019.
Hay với Nam Việt, giá trị xuất khẩu giảm đến 39% so với với cùng kỳ năm ngoái.
Giá trị xuất khẩu của 7 doanh nghiệp trong ngành thuỷ sản có niêm yết trên thị trường chứng khoán giữa quý I năm nay so với cùng kỳ năm 2019.
Ban lãnh đạo thuỷ sản Nam Việt đánh giá, từ đầu năm 2020 đến nay, xuất khẩu cá tra đối mặt với thách thức mới khi dịch bùng phát ở nhiều nước trên thế giới.
Dịch diễn biến phức tạp ở nhiều nước châu Âu, châu Á... tiếp tục tăng thêm cái khó cho đầu ra cá tra trong thời gian tới. Xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc giảm một nửa so với cùng kỳ và sẽ giảm mạnh cho đến khi dịch bệnh được khống chế.
Chỉ riêng thị trường Trung Quốc đã chiếm đến trên 33% thị phần của ngành cá tra sẽ tiềm ẩn nhiều rủi ro.
Sự sụt giảm quá nhanh khiến xuất khẩu phụ thuộc vào thị trường này gặp rất nhiều khó khăn. Song, cũng là động lực thúc đẩy mở rộng, tìm kiếm thị trường mới.
Năm 2020, Nam Việt đặt kế hoạch tổng doanh 3.000 tỷ đồng và lãi 200 tỷ đồng.
Ông Doãn Tới, Chủ tịch Nam Việt còn đặt kỳ vọng vào thị trường Trung Quốc có thể phục hồi kịp thời để bù đắp cho sự sụt giảm của thị trường châu Âu do sự lây lan của dịch bệnh.
Thậm chí nếu điều này không khả thi, Nam Việt vẫn còn thị trường Đông Nam Á, Nam Mỹ và rất nhiều thị trường tiềm năng khác chưa thâm nhập.
“Đây là thời điểm mà chúng ta phải thử thách bản thân để vượt qua giới hạn của chính mình. Lịch sử hình thành và phát triển của Navico chúng ta đã vô số lần phải trải qua bao phong ba bão táp, nhưng không vì vậy mà chúng ta đầu hàng.
Sau cơn bão thứ chúng ta còn lại được chính là sự tôi luyện và khối kinh nghiệm tích lũy được trong quá trình đối mặt thử thách” - ông Doãn Tới, Chủ tịch Nam Việt.
Được cho là năm có những thuận lợi cho ngành thủy sản khi EVFTA dự kiến có hiệu lực từ tháng 7/2020 sẽ giúp giảm thuế quan đối với các mặt hàng thủy sản xuất khẩu sang châu Âu.
Tuy nhiên, từ đầu năm đến nay, tình hình xuất khẩu thủy sản bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi COVID-19.
Nguyên nhân, thị trường nhập khẩu chính của Việt Nam như Trung Quốc, EU, Hoa Kỳ đều là các khu vực bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi dịch bệnh.
Hiện, tình hình dịch ở Trung Quốc đã được kiểm soát nhưng tại các nước Mỹ, EU, Nhật Bản vẫn chưa có dấu hiệu tích cực.
Yuanta Việt Nam dự đoán, giá trị xuất khẩu toàn ngành trong tháng 4 và quý II/2020 sẽ không tích cực hơn so với quý đầu năm nay.
Vì việc cách ly xã hội tại Hoa Kỳ và các nước EU mới bắt đầu từ cuối tháng 3 và tới nay đã nới lỏng việc các ly nhưng dịch bệnh vẫn chưa thể kiểm soát được. Điều này sẽ khiến cho các giao dịch thương mại và hoạt động vận chuyển diễn ra cầm chừng.
Ngoài ra, các hệ thống nhà hàng, khách sạn tạm ngưng hoạt động khiến nhu cầu tiêu thụ tại các thị trường EU cũng bị giảm đi nhiều.
Theo số liệu từ Tổng cục Hải quan, trong quý I/2020 giá trị xuất khẩu thủy sản đạt hơn 1,6 tỷ USD, giảm 9,7% so với cùng kỳ năm 2019. Nguyên nhân chủ yếu là do nhu cầu tiêu dùng tại các thị trường sụt giảm cũng như những khó khăn trong vấn đề vận chuyển khiến các đơn hàng bị hủy hoặc tạm hoãn bởi ảnh hưởng từ COVID-19. |