Với những thông tin trong 8 tháng đầu năm 2017, có thể kỳ vọng vốn đầu tư cả năm sẽ đạt 34-35% so với GDP như ý kiến chỉ đạo mới đây của Thủ tướng Chính phủ, để tốc độ tăng GDP tiệm cận mục tiêu đề ra.
Vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước có xu hướng tăng
Vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách nhà nước trong 8 tháng đầu năm 2017 có xu hướng cao lên qua các tháng, nhưng tính chung 8 tháng mới đạt 56,1% so với kế hoạch cả năm và tăng 7,3% so với cùng kỳ năm trước. Đó là tỷ lệ thực hiện và tốc độ tăng thấp. Đáng lưu ý, đối với nguồn vốn vay, nếu thực hiện chậm thì sẽ kém hiệu quả, bởi phải trả lãi ngay từ ngày vay.
Thực trạng trên có nguyên nhân từ khâu triển khai, thực hiện kế hoạch chậm, lặp lại trình trạng “đầu năm đủng đỉnh”, “cuối năm chạy nước rút” trong nhiều năm. Ngoài ra, cân đối ngân sách còn khó khăn, chi đầu tư phát triển của ngân sách nhà nước tính đến ngày 15/8 mới đạt 131.100 tỷ đồng, bằng 36,7% dự toán năm.
Vốn đầu tư ngoài nhà nước tăng cao
Nguồn này gồm 2 khoản chủ yếu: vốn đăng ký của các doanh nghiệp thành lập mới, với 822.100 tỷ đồng, tăng khá cao so với cùng kỳ (44,8%) và vốn đăng ký bổ sung đạt 1.108.300 tỷ đồng, tổng là 1.930.400 tỷ đồng. Nếu kể cả các khoản đầu tư của kinh tế tập thể và của các hộ cá thể, thì tổng lượng vốn đầu tư phát triển còn cao hơn nữa.
Tuy nhiên, lượng vốn tồn đọng trong dân dưới dạng vàng và ngoại tệ còn lớn (ước tính lên đến 30 tỷ USD, trong đó vàng khoảng 20 tỷ USD, ngoại tệ khoảng 10 tỷ USD). Chính phủ đang có chủ trương thu hút lượng vốn này vừa để huy động vốn đầu tư trực tiếp phục vụ tăng trưởng, vừa để hạn chế tình trạng vàng hóa, đô la hóa.
Một số tổ chức và cá nhân, kể cả các chuyên gia đều cho rằng, việc thu hút lượng vốn này rất cần thiết, nhưng với xu hướng là người dân tự “chuyển hóa” vàng, ngoại tệ thành nội tệ để đầu tư cho sản xuất - kinh doanh. Phương thức chủ yếu là Ngân hàng Nhà nước và các ngân hàng thương mại có cơ chế mua vào hấp dẫn, người dân bán trực tiếp để có nội tệ đầu tư. Điều quan trọng là nâng cao lòng tin vào đồng tiền quốc gia, trên cơ sở lạm phát thấp, lãi suất gửi VND thực dương...
Ấn tượng với vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI)
Tính từ đầu năm đến ngày 20/8/2017, đã có 1.624 dự án FDI mới được cấp phép, tăng 0,3% về số dự án và lại tăng rất cao về vốn - vốn đăng ký 15,5 tỷ USD, tăng 37,4%. Số vốn đăng ký bình quân một dự án tăng 37% so với cùng kỳ năm trước. Như vậy, tổng lượng vốn FDI đăng ký mới tăng rất cao không phải do số vốn tăng, mà do lượng vốn bình quân một dự án tăng cao.
Trong 8 tháng, còn có 773 lượt dự án cũ đăng ký điều chỉnh vốn đầu tư, với tổng vốn tăng thêm 6,4 tỷ USD, tăng 40,2%, nâng tổng vốn đăng ký mới và tăng thêm đạt 19,9 tỷ USD, tăng 38,3%. Ngoài ra, trong 8 tháng đầu năm, có 3.374 lượt góp vốn mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài với tổng giá trị 3,5 tỷ USD.
Như vậy, tính cả 3 loại trên, trong 8 tháng qua, đã có tổng số 23,4 tỷ USD, tăng 45,1% so với cùng kỳ năm trước. Trong khi đó, lượng vốn FDI thực hiện ước đạt 10,3 tỷ USD, tăng 5,1% so với cùng kỳ năm trước - tăng thấp hơn lượng vốn đăng ký.
Từ kết quả 8 tháng, có thể dự báo cả năm nay, tổng lượng vốn FDI đăng ký và lượng vốn FDI thực hiện sẽ cao hơn năm trước (tương ứng của năm trước là 24,4 tỷ USD và 15,8 tỷ USD; về FDI thực hiện sẽ đạt cao nhất từ trước đến nay).
Tính chung cả vốn trong nước và nước ngoài, kỳ vọng cả năm 2017 sẽ đạt 34-35% so với GDP như ý kiến chỉ đạo mới đây của Thủ tướng Chính phủ, để tốc độ tăng GDP tiệm cận mục tiêu đề ra. Vấn đề cần quan tâm là thu hút, huy động vốn là quan trọng, nhưng quan trọng hơn là nâng cao hiệu quả đầu tư để tránh hiệu ứng phụ (tăng nợ công, nợ xấu...).
Minh Nhung / baodautu