Trong quý I, hàng loạt ngân hàng đã ghi nhận thu nhập lãi thuần tăng trưởng mạnh như SHB (90%), Eximbank (52%), VietBank (53%), Saigonbank (48%), MB (41%), LienVietPostBank (40%).
Số liệu thống kê từ 27 ngân hàng niêm yết và giao dịch trên UPCoM cho thấy, thu nhập lãi thuần trong quý I đạt hơn 92.400 tỷ đồng, tăng 18% so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó, 15 ngân hàng có thu nhập lãi thuần tăng trưởng trên 20%, 7 ngân hàng tăng trưởng dưới 10% và 5 ngân hàng sụt giảm.
Hết quý I, BIDV dẫn đầu ngành ngân hàng về quy mô thu nhập lãi thuần với hơn 12.800 tỷ đồng, tăng 18%. Kết quả này có được nhờ thu nhập từ lãi tăng hơn 12% - gần gấp đôi mức tăng của chi phí trả lãi huy động (6,8%). Được biết, dư nợ cho vay của BIDV hết quý I đạt gần 1,418 triệu tỷ, tăng 4,7%, gấp gần 3 lần mức tăng cùng kỳ 2021.
Cùng với BIDV, Vietcombank và VietinBank cũng là hai ngân hàng sở hữu quy mô thu nhập lãi thuần trên 10.000 tỷ. Trong đó, Vietcombank tăng 19% lên gần 11.976 tỷ đồng, VietinBank giảm 5% xuống còn 10.146 tỷ đồng. Ba ông lớn nhóm quốc doanh lần lượt nắm giữ thu nhập lãi thuần lớn nhất hệ thống trong bối cảnh đây cũng là những ngân hàng sở hữu danh mục cho vay và đầu tư giấy tờ có giá nhiều nhất.
Xét về tốc độ tăng, SHB có thu nhập lãi thuần bứt tốc nhanh nhất với hơn 4.220 tỷ đồng, tăng 90%. Nguyên nhân chính giúp nguồn thu này của SHB mở rộng mạnh mẽ là nhờ thu lãi cho vay tăng gần 21,5% trong khi chi phí trả lãi huy động lại giảm hơn 6%.
Ngoài SHB, một loạt ngân hàng khác cũng ghi nhận thu nhập lãi thuần tăng trưởng mạnh như Eximbank (52%), VietBank (53%), Saigonbank (48%), MB (41%), LienVietPostBank (40%).
Ở chiều ngược lại, chỉ có 5/27 ngân hàng chứng kiến khoản thu này sụt giảm so với với cùng kỳ năm trước gồm VietinBank (-5%), Sacombank (-9%), PGBank (-12%), NCB (-34%) và Kienlongbank (-52%).
Trong đó, thu nhập lãi thuần của Kienlongbank giảm mạnh do quý I/2021 ngân hàng ghi nhận khoản thu nhập từ việc thu hồi nợ gốc và lãi phải thu của các khoản vay có tài sản đảm bảo là cổ phiếu của Sacombank theo phương án cơ cấu lại gắn với xử lý nợ xấu đã được NHNN phê duyệt.
Ngân hàng bội thu nhờ đâu?
Một trong những nhân tố chính giúp thu nhập lãi thuần hầu hết ngân hàng tăng mạnh trong quý I đến từ sự mở rộng nhanh chóng của dư nợ tín dụng.
Theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước, tăng trưởng tín dụng hết quý I đạt 5,04%, gấp 2,3 lần cùng kỳ năm ngoái. Tăng trưởng tín dụng ghi nhận mức cao chưa từng có tại các ngân hàng quốc doanh, với động lực là các khoản cho vay ngắn hạn. Trong khi đó, các ngân hàng tư nhân có tốc độ tăng trưởng tín dụng cao có số dư trái phiếu doanh nghiệp tiếp tục mở rộng.
''Trong quý I/2022, nhiều ngân hàng đã cho vay hết hạn mức tín dụng được cấp đầu năm và kỳ vọng sẽ được cấp thêm room trong quý II/2022. Bên cạnh đó, chúng tôi cho rằng, nhờ những chính sách mới của chính phủ, dòng vốn tín dụng sẽ được trải rộng ra các ngành nghề sản xuất kinh doanh từ đó giúp tăng trưởng thị trường bền vững trong tương lai'', Chứng khoán BIDV (BSC) nhận định.
Cùng với sự mở rộng mạnh mẽ của quy mô tín dụng, tỷ lệ thu nhập lãi cận biên (NIM) cao hơn cũng hỗ trợ đà tăng trưởng của thu nhập lãi thuần.
Theo SSI Research, NIM tăng nhẹ so với quý trước do các ngân hàng tiếp tục nâng tỷ lệ cho vay/huy động (LDR) thuần lên 93% (so với mức 90% vào cuối năm 2021). Các ngân hàng quốc doanh còn được hưởng lợi từ sự gia tăng đáng kể của tiền gửi có kỳ hạn từ KBNN (tăng 66 nghìn tỷ đồng so với đầu năm) và CASA cải thiện (khoảng 0,6 điểm % so với quý trước tại BIDV và Vietcombank). Trong khi đó, việc tăng CASA có thể là kết quả ban đầu của các chương trình miễn phí chuyển khoản bắt đầu từ năm 2022 tại các ngân hàng quốc doanh.
''Với tốc độ tăng trưởng tín dụng mạnh và tỷ lệ NIM ổn định, thu nhập lãi thuần (NII) tăng 19% so với cùng kỳ. Sacombank là một ngoại lệ với NII giảm 9%, do ngân hàng đẩy mạnh việc thoái lãi dự thu tồn đọng'', SSI Reseach cho hay.
Còn theo Chứng khoán Rồng Việt (VDSC), hạn mức tăng trưởng tín dụng cao năm 2021 và tốc độ mở rộng tín dụng mạnh mẽ trong quý I/2022 đã mang lại tăng trưởng tín dụng tốt tại các ngân hàng tư nhân lớn, hỗ trợ thu nhập lãi thuần.
VDSC cho rằng, mặc dù có sự phục hồi trong quý I/2022, tốc độ tăng trưởng huy động của các ngân hàng lớn này vẫn chậm hơn quá trình mở rộng tín dụng. Điều này cũng đã hỗ trợ NIM. Dự báo trong thời gian tới, nhóm phân tích nhận định NIM sẽ có sự phân hoá tương đối và lợi thế nghiêng về phía các ngân hàng lớn do xu hướng tăng lãi suất huy động.
Theo VDSC, lãi suất huy động niêm yết tại các ngân hàng tư nhân đang tăng lên. Điều này được phản ánh qua việc lãi suất huy động bình quân tăng trong quý I/2022 so với quý IV/2021. Trong khi đó, các ngân hàng quốc doanh vẫn duy trì mức lãi suất kể từ giữa năm 2021. Tốc độ tăng lãi suất huy động tại các ngân hàng tư nhân hàng đầu đang chững lại, do đó, kỳ vọng lãi suất huy động niêm yết khá ổn định trong quý II/2022. Về phía cuối năm, dự kiến lãi suất vẫn sẽ tăng so với mức hiện nay.
"Các ngân hàng tư nhân đã tích cực hơn trong việc thu hút tiền gửi do quy mô nhỏ hơn. Tốc độ tăng lãi suất gần đây đã chậm lại, nhưng chúng tôi kỳ vọng đà tăng sẽ quay trở lại trong nửa cuối năm 2022", VDSC nhấn mạnh.
Trong khi đó, BSC cho rằng NIM bình quân của các ngân hàng sẽ tăng thêm 0,1 điểm % trong năm 2022, do nền kinh tế phục hồi giúp tăng trưởng tín dụng cao, đặc biệt tập trung vào nhóm SME và cá nhân với NIM cao. Ngoài ra, lãi suất cho vay phục hồi sau thời gian hỗ trợ (ước tính hết năm 2021) và tăng cơ cấu CASA trong năm 2022 cũng sẽ giúp giảm chi phí vốn.