Sau một thời gian dài bình ổn ở mức thấp, trong giai đoạn cuối năm 2016, một số ngân hàng tiếp tục tăng lãi suất huy động. Việc tăng lãi suất (LS) huy động vốn của một số ngân hàng kể từ đầu tháng 11 đến nay là đáng chú ý. Câu hỏi đặt ra là liệu đây chỉ là động thái nhất thời để đảm bảo thanh khoản cuối năm hay sẽ bắt đầu một xu hướng tăng trở lại của mặt bằng lãi suất trong thời gian tới?
Ảnh minh họa.
Nhu cầu thanh khoản tăng mạnh?
Quan sát trên thị trường, trong những ngày cuối cùng của năm 2016, các NHTM CP là những đơn vị tích cực nhất trong việc điều chỉnh lãi suất huy động, có ngân hàng nhỏ áp dụng LS huy động 6 tháng lên đến 7,35%/năm-7,4%/năm.
Ngân hàng Sacombank vừa tăng lãi suất kỳ hạn 2 tháng và 6 tháng với mức tăng từ 0,1-0,2%/năm. Sau khi điều chỉnh, lãi suất kỳ hạn 2 tháng tăng từ 4,9%/năm lên 5%/năm; kỳ hạn 6 tháng đến 11 tháng lãi suất tăng từ 5,9%/năm lên 6%/năm. VP Bank cũng tăng lãi suất huy động. Theo đó, kỳ hạn 1 tháng lãi suất tăng từ 4,9%/năm lên 5,2%/năm, kỳ hạn 12 và 13 tháng tăng từ 6,5% lên 6,9%/năm. NH này cũng cộng thêm lãi suất với khoản gửi online, mức lãi suất online cao nhất hiện là 8%/năm, áp dụng cho kỳ hạn 36 tháng và các khoản tiền trên 5 tỉ....
Từ ngày 26/12/2016, lãi suất tiền gửi của Ngân hàng Đông Á tăng từ 0,3% - 0,7% ở các kỳ hạn dưới 6 tháng, đối với các khoản tiền gửi từ 1 tỷ đồng trở lên thì lãi suất đã chạm mức trần 5,5%. Đây là lần điều chỉnh lãi suất tiền gửi lần thứ hai trong tháng 12 của Đông Á, đưa ngân hàng này trở thành một trong những ngân hàng có mức lãi suất tiền gửi cao nhất trên thị trường hiện nay.
VIB, Eximbank, PVCombank và Tienphong Bank cũng là những ngân hàng đã điều chỉnh lãi suất trong tháng 12. Riêng Ngân hàng VIB trong tháng 11 đã tăng mạnh lãi suất tiền gửi lên 0,5% ở các kỳ hạn dưới 12 tháng.
Cũng cần lưu ý là trong tháng 11 đã có vài ngân hàng tăng lãi suất, như Agribank tăng 0,1% ở kỳ hạn 1 tháng, Bảo Việt tăng 0,2% ở kỳ hạn 6 tháng và 0,1% ở kỳ hạn 12 tháng, Bắc Á tăng đều từ 0,1 - 0,2% trải dài ở các kỳ hạn từ một tháng đến 13 tháng, SCB tăng 0,2% ở kỳ hạn từ 6 tháng đến 11 tháng và 0,1% ở kỳ hạn 12 tháng, An Bình tăng 0,5% ở các kỳ hạn dài từ 15 tháng trở lên, OCB tăng 0,2% ở kỳ hạn 12 tháng.
Nhìn sang thị trường liên ngân hàng, mặt bằng lãi suất liên tục đi lên từ tháng 11 đến nay, và đặc biệt tăng nhanh kể từ đầu tháng 12, lãi suất qua đêm duy trì trên 4% từ ngày 12.12 đến nay, trong khi doanh số giao dịch tăng lên, cho thấy nhu cầu vay để đáp ứng thanh khoản của các ngân hàng tăng mạnh.
Theo trả lời từ phía lãnh đạo các ngân hàng này thì có nhiều nguyên nhân khiến LS huy động tăng đó là nhu cầu rút vốn chi lương, thưởng tết và chi tiêu, mua sắm tăng do vậy NH tăng lãi suất để thu hút vốn nhằm cân đối đầu vào, ngoài ra việc tăng huy động cũng là để đáp ứng các tỉ lệ an toàn vốn theo quy định của NHNN. Đặc biệt từ 1.1.2017, khi tỉ lệ sử dụng vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn giảm từ mức 60% xuống 50%. Có NH để đáp ứng yêu cầu của NHNN đã phân quyền cho các chi nhánh được quyết định lãi suất huy động cao hơn, có NH nhỏ áp dụng LS huy động 6 tháng lên đến 7,35%/năm-7,4%/năm, thậm chí 8%/năm cho kỳ hạn 12 tháng. Bên cạnh đó, việc tăng lãi suất huy động cũng là để chuẩn bị nguồn vốn sang năm 2017 khi có hạn mức mới, NH sẽ triển khai các chương trình cho vay.
Áp lực lên lãi suất
Câu hỏi đặt ra là liệu đây chỉ là động thái nhất thời để đảm bảo thanh khoản cuối năm hay sẽ bắt đầu một xu hướng tăng trở lại của mặt bằng lãi suất trong thời gian tới?
Thực tế cho thấy mặt bằng lãi suất tăng không phải diễn ra trên diện rộng và đồng loạt, cho thấy áp lực thanh khoản chỉ xảy ra cục bộ tại một số ngân hàng và theo những thời điểm khác nhau. Cụ thể, lãi suất tiền gửi ở nhóm ngân hàng lớn vẫn tiếp tục được neo ở mức thấp sau lần điều chỉnh giảm mạnh vào cuối tháng 9 cho đến nay. Trong khi đó, dù thời gian qua một số ngân hàng có tăng lãi suất trở lại nhưng nếu so với thời điểm tháng 8 và tháng 9 thì mặt bằng lãi suất chung hiện tại vẫn ở mức tương đương, thậm chí còn thấp hơn, do vào cuối tháng 9 và trong tháng 10 đã có hàng loạt ngân hàng giảm lãi suất huy động với mức giảm khá lớn.
Trong khi đó, theo phân tích của Công ty chứng khoán Vietcombank (VCBS) tại Báo cáo Triển vọng 2017, trong năm 2017, mặt bằng lãi suất sẽ vẫn tiếp tục chịu áp lực do những vấn đề còn tồn tại trong hệ thống ngân hàng kéo theo việc cạnh tranh huy động và những biến động trên thị trường thế giới, đặc biệt là lộ trình tăng lãi suất của FED đi cùng rủi ro tỷ giá.
VCBS chỉ ra rằng, các ngân hàng cần tăng lãi suất huy động để đảm bảo tỷ lệ an toàn vốn theo Thông tư 06/2016/TT-NHNN. Theo số liệu của VCBS, tính đến hết quý 3/2016, tại nhiều ngân hàng tỷ lệ dư nợ trên vốn huy động vẫn vượt quá 80% theo quy định như: VIB (89%), TPBank (83%), SHB (83%), Vietinbank (96%), BIDV (90%), Việt Á (87%)… Nhiều ngân hàng cũng có tỷ lệ tỷ lệ nợ trung dài hạn cao hơn 50% như là Eximbank (65%), Maritime Bank (70%), Sacombank (62%), Techcombank (70%), VPBank (74%)...
Do đó, trước áp lực tăng lãi suất huy động như trên, lãi suất cho vay khó có thể giảm theo mục tiêu của Ngân hàng Nhà nước. VCBS cũng lưu ý rằng chênh lệch giữa lãi suất cho vay và lãi suất huy động tại các ngân hàng đã giảm rất mạnh trong khoảng 3 năm trở lại đây và thấp hơn khá nhiều so với các nước trong khu vực. Chênh lệch lãi suất huy động - cho vay càng nhỏ, các ngân hàng có biên lợi nhuận càng mỏng nên càng ít động lực để giảm lãi suất cho vay.
Tuy nhiên, các chuyên gia của VCBS cũng cho rằng, trong bối cảnh lạm phát trong tầm kiểm soát, biến động của thị trường ngoại hối, việc giảm giá của VND ở mức hợp lý như kỳ vọng và triển vọng nguồn cung ngoại tệ ở mức ổn định, dồi dào tiếp tục hỗ trợ thanh khoản của hệ thống, Ngân hàng Nhà nước vẫn còn dư địa để điều tiết thị trường và giải tỏa các áp lực lên lãi suất.
Theo đó, mục tiêu duy trì mặt bằng lãi suất thấp ở mức hợp lý để hỗ trợ tăng trưởng của Chính phủ và NHNN là có thể đạt được. Dự báo mặt bằng lãi suất năm 2017 sẽ tương đối ổn định và chỉ biến động nhẹ quanh mức cuối năm 2016, mức tăng nếu có sẽ không quá 50 điểm cơ bản (0,5%) và trần lãi suất 5,5%/năm đối với các kỳ hạn ngắn dưới 6 tháng nhiều khả năng sẽ được đảm bảo.
Đường đi lãi suất sẽ khó thay đổi trong năm 2017
Theo đại diện NHNN, trong xu hướng nền kinh tế có dấu hiệu tốt hơn như hiện nay, lãi suất có thể ổn định, thậm chí có điều kiện giảm nếu nền kinh tế có nhiều động thái tích cực hơn. Trong thời gian tới, nền kinh tế thế giới có nhiều bất định, nhưng NHNN vẫn cam kết bám sát diễn biến thị trường và có những điều chỉnh hợp lý để duy trì sự ổn định chung của nền kinh tế. Và trong thông cáo phát đi mới, NHNN khẳng định việc điều hành chính sách tiền tệ trong năm 2017 sẽ tiếp tục thực hiện các giải pháp nhằm phấn đấu ổn định lãi suất như năm 2016.
Mới đây, Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia cũng đã đề nghị, đối với chính sách tiền tệ, Chính phủ, NHNN cần tiếp tục thực hiện thận trọng, linh hoạt và đặt mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô hàng đầu, tăng cường niềm tin vào VND, phối hợp chặt chẽ hơn nữa với chính sách tài khóa và tín dụng; tiếp tục ổn định mặt bằng lãi suất. NHNN tính toán cung tiền có mức độ phù hợp với diễn biến kinh tế và các mục tiêu chính sách của Chính phủ; phân biệt rành rọt chính sách tín dụng và tài khóa trong điều hành. Như vậy, xét về tình hình chung, lãi suất vẫn đặt trong mục tiêu giữ ổn định.
Cùng với đó, Thông tư 06/2016/TT-NHNN sửa đổi một số điều của Thông tư 36/2014/TT-NHNN về giới hạn, bảo đảm an toàn trong hoạt động của các tổ chức tín dụng bắt đầu có hiệu lực từ năm 2017, đã quy định lộ trình hệ số sử dụng vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn của các ngân hàng chỉ là 50%. Vì thế, các ngân hàng phải tìm cách cơ cấu lại nguồn vốn, trong đó có việc tăng lãi suất huy động vốn trung và dài hạn để thu hút dòng tiền nhằm đáp ứng đúng các tiêu chí theo quy định. Một “điểm nghẽn” lâu năm của lãi suất là nợ xấu, nếu không giải quyết được hiệu quả vấn đề này, lãi suất giữ được ổn định đã là nỗ lực lớn của ngành ngân hàng.
Nhìn chung, lãi suất ổn định cũng sẽ góp phần ổn định nền kinh tế, giúp cung ứng vốn cho doanh nghiệp hiệu quả hơn. Tuy nhiên, áp lực lên lãi suất vẫn rất nhiều, đòi hỏi ngành ngân hàng phải có chiến lược phối hợp với các chính sách vĩ mô khác như chính sách tài khóa, ổn định lạm phát, điều hành giá cả…
Gia Miêu / Lao Động