Nhiều yếu tố bất lợi nằm ngoài khả năng can thiệp của Ngân hàng Nhà nước đang thể hiện...
Có nhiều thời điểm và giai đoạn lãi suất trên liên ngân hàng rất thấp, vốn dồi dào trong hệ thống nhưng lãi suất cho vay vẫn không dễ chịu - Ảnh: Quang Phúc.
Tháng 5 sắp trôi qua, nghị quyết về phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 4/2016 đã rút ngắn độ trễ thực thi, trong đó có định hướng giảm lãi suất cho vay.
Trên thị trường, sau hai tháng cầm chừng, lãi suất huy động của các ngân hàng thương mại có trồi sụt không đáng kể. Một số thành viên đã nâng mức cao nhất 7,3-7,4%/năm lên 7,5%/năm, có trường hợp sau khi rút xuống 7%/năm nhưng nhanh chóng nâng trở lại 7,1%/năm, có những trường hợp giảm nhẹ từ 0,1-0,2%/năm ở một số kỳ hạn.
Diễn biến rõ nét nhất thể hiện trên thị trường liên ngân hàng. Lần đầu tiên kể từ hồi tháng 5/2013, lãi suất trên thị trường này mới giảm xuống rất thấp, kỳ hạn qua đêm thấp nhất đã xuống dưới 1%/năm, các kỳ hạn ngắn khác chỉ từ 1,5-3,5%/năm.
Tuy nhiên, như phân tích của chuyên gia trong bài viết trên VnEconomy mới đây, thị trường liên ngân hàng và thị trường mở (OMO) chủ yếu phản ánh và điều tiết trạng thái thanh khoản của hệ thống, còn sức truyền dẫn tác động đến lãi suất cho vay lại hạn chế.
Hiện nay, cũng như nhiều thời điểm trước đây, lãi suất trên thị trường liên ngân hàng rất thấp, nhưng lãi suất các ngân hàng cho vay doanh nghiệp vẫn ở mức cao.
Thị trường đang chờ đợi những tác động cụ thể và rõ rệt hơn từ Ngân hàng Nhà nước, để lãi suất cho vay thực sự giảm được như mong muốn và định hướng Chính phủ đã đề ra.
Định hướng giảm lãi suất cho vay Chính phủ đặt trực tiếp đối với Ngân hàng Nhà nước, nhưng thực tế lại đang thể hiện những trở ngại nằm ngoài chủ động hoặc khả năng can thiệp được trực tiếp của nhà điều hành chính sách tiền tệ.
Những trở ngại này đang đặt nhà điều hành vào tình thế, nói một cách dân dã thì vừa giảm lãi suất vừa… run.
Thông tin cập nhật, tháng 5/2016, tháng thứ 8 liên tiếp lạm phát tăng và có chiều hướng tăng mạnh lên. Bên cạnh chỉ đạo giảm lãi suất cho vay mà Chính phủ đặt ra, mục tiêu kiểm soát lạm phát dưới 5% cũng gắn trực tiếp với Ngân hàng Nhà nước.
Một mặt, cả hai mục tiêu trên thực hiện đến một mức độ nào đó sẽ như mâu thuẫn. Mặt khác, có những yếu tố lại nằm ngoài khả năng kiểm soát và điều tiết của Ngân hàng Nhà nước.
Như với quan ngại lạm phát tăng trở lại, bên cạnh việc giám sát và điều tiết các yếu tố lạm phát lõi liên quan đến chính sách tiền tệ, Ngân hàng Nhà nước không thể tham gia vào xử lý được các yếu tố trọng yếu khác, như giá xăng dầu, giá điện, giá các dịch vụ y tế… Mà những yếu tố này đã và đang thể hiện áp lực.
Và như các chuyên gia cảnh báo thời gian qua, giảm lãi suất vẫn luôn phải dè chừng biến động tỷ giá. Thực tế tỷ giá USD/VND cũng đang có biểu hiện nhấp nhổm.
Trên thị trường liên ngân hàng, những phiên từ đầu tuần này giá USD liên tục tăng, đến hôm qua (25/6) đã ở trên mức 22.360 VND. Điều này có nghĩa hoạt động mua vào ngoại tệ suốt từ đầu tháng 2/2016 của Ngân hàng Nhà nước có thể đã bị gián đoạn, khi giá mua vào của Sở Giao dịch vẫn yết ở 22.300 VND.
Trên biểu niêm yết của các ngân hàng thương mại, mức cao nhất đến sáng 26/5 đã lên tới 22.420 VND (tại Techcombank), phổ biến là 22.380 VND.
Những năm trước, chính sách điều hành tỷ giá gắn với khoảng biến động mà Ngân hàng Nhà nước định hướng như một cam kết, việc điều chỉnh nhảy cóc chủ yếu diễn ra vào giữa và cuối năm. Theo đó, thị trường có “thói quen tâm lý” chờ đợi có điều chỉnh, thường tập trung vào tháng 6 hàng năm.
Năm nay, cơ chế điều hành tỷ giá đã thay đổi, linh hoạt, trườn bò và không “hẹn” nhảy cóc với tâm lý chờ điều chỉnh như trước.
Tuy nhiên, bên cạnh đà giảm nhanh và sâu của lãi suất trên thị trường liên ngân hàng, yếu tố tác động từ bên ngoài cũng đang thể hiện rõ hơn. Ngân hàng Nhà nước phải nhấn ga rõ ràng hơn theo con đường giảm lãi suất mà Chính phủ đã vạch, nhưng đang phải dè chừng hơn với tỷ giá khi khả năng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) tăng lãi suất đang được hâm nóng.
Năm ngoái, tình huống FED tăng lãi suất và đảo chiều dòng vốn ngoại tệ cũng đã ám ảnh chính sách tỷ giá của Ngân hàng Nhà nước suốt từ tháng 6 cho đến cuối năm. Năm nay, một lần nữa ám ảnh này lại tiếp tục thể hiện, và đồng USD đang lên giá trở lại…
Giữa các sự dè chừng và phải cân đối, giữa những tác động bất lợi nằm ngoài khả năng điều tiết trực tiếp của mình, Ngân hàng Nhà nước hẳn sẽ càng thận trọng trong thực hiện mục tiêu giảm lãi suất cho vay mà Chính phủ giao, một mục tiêu mà không thể cùng lúc hài hòa được các mong muốn “ngon, bổ, rẻ”.
Minh Đức / VnEconomy