Quy định mới về cho vay lãi suất thỏa thuận tại Thông tư 39/2017/T-NHNN quy định về hoạt động cho vay của tổ chức tín dụng đối với khách hàng được kỳ vọng sẽ tác động tích cực đến hoạt động tín dụng.
Giao dịch tại VietA Bank. Ảnh: Đức Thanh
Lãi suất sẽ cạnh tranh
Ngày 27/2, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) đã có buổi tập huấn các ngân hàng thương mại về việc chuẩn bị thực thi các quy định của Thông tư 39/2017/TT-NHNN bắt đầu có hiệu lực kể từ ngày 15/3.
Theo đánh giá của lãnh đạo các ngân hàng, quy định về cho vay lãi suất thỏa thuận có ảnh hưởng tích cực đến hoạt động của cả ngân hàng lẫn khách hàng. Đồng thời, Thông tư 39/2017/TT-NHNN cũng đưa ra các quy định nhằm đơn giản hóa thủ tục cho vay. Quy định về trần lãi suất chỉ còn áp dụng đối với trường hợp cho vay ngắn hạn bằng VND thuộc các lĩnh vực ưu tiên quy định tại Thông tư 39/2017/TT-NHNN.
Phó tổng giám đốc một ngân hàng cho rằng, cụm từ “thỏa thuận lãi suất” mà NHNN sử dụng khi ban hành Thông tư 39/2017/TT-NHNN đã trả lại đúng cái tên của nó là “thuận mua, vừa bán” cho một nền kinh tế cạnh tranh.
Quy định mới cũng sẽ không tác động đến việc đẩy lãi suất tăng, bởi lãi suất cho vay dù có thỏa thuận cũng không thể cao vì các ngân hàng thương mại đang phải cạnh tranh rất gay gắt để thu hút khách hàng. Đồng thời, trong Thông tư 39/2017/TT-NHNN, NHNN quy định rõ nội dung thỏa thuận về lãi suất cho vay, bao gồm mức lãi suất cho vay và phương pháp tính lãi đối với khoản vay.
Theo đó, trường hợp mức lãi suất cho vay không quy đổi theo tỷ lệ %/năm và/hoặc không áp dụng phương pháp tính lãi theo số dư nợ cho vay thực tế, thời gian duy trì số dư nợ gốc thực tế đó, thì trong thỏa thuận cho vay phải có nội dung về mức lãi suất quy đổi theo tỷ lệ %/năm (một năm là 365 ngày) tính theo số dư nợ cho vay thực tế và thời gian duy trì số dư nợ cho vay thực tế đó. Riêng trường hợp áp dụng lãi suất cho vay điều chỉnh, tổ chức tín dụng và khách hàng phải thỏa thuận nguyên tắc và các yếu tố để xác định lãi suất điều chỉnh, thời điểm điều chỉnh lãi suất cho vay. Với trường hợp căn cứ các yếu tố để xác định lãi suất điều chỉnh dẫn đến có nhiều mức lãi suất cho vay khác nhau, thì tổ chức tín dụng phải áp dụng mức lãi suất cho vay thấp nhất.
Tác động tích cực lên thị trường
Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, ông Huỳnh Trung Minh, chuyên gia tài chính - ngân hàng cho hay, thật ra, thuật ngữ thỏa thuận lãi suất đã có từ lâu và thể hiện yếu tố thị trường của loại hình kinh doanh đặc biệt này. Theo đó, người vay có nhu cầu và chấp nhận mức lãi suất mà các tổ chức tín dụng đưa ra thì mới thực hiện việc vay vốn. Ngược lại, các tổ chức tín dụng cân đối khả năng cấp vốn, mức độ rủi ro, lợi nhuận mong muốn... của mình mới thực hiện hỗ trợ vốn vay.
“Hiện nay, tính cạnh tranh trên thị trường này là rất cao, các tổ chức tín dụng cũng không muốn mất đi khách hàng, đồng thời NHNN đã có quy định nêu rõ nội dung thỏa thuận về lãi suất cho vay bao gồm mức lãi suất cho vay và phương pháp tính lãi đối với khoản vay. Vì vậy, việc này không làm tăng lãi suất vay”, ông Minh nhấn mạnh.
Cũng theo ông Minh, khi Thông tư 39/2017/TT-NHNN vừa được ban hành đã có người lo lắng rằng, với quy định mới, hộ kinh doanh không còn được cấp vốn bởi các ngân hàng thương mại. Thực tế không phải vậy, bởi các cá nhân tham gia kinh doanh theo hình thức hộ kinh doanh hay tự doanh vẫn có thể vay vốn ngân hàng. Đơn cử, một chủ cửa hàng dù đứng tên là hộ kinh doanh thì vẫn được các ngân hàng duyệt cho vay theo hình thức cá nhân.
Do vậy, ông Minh đánh giá, lãi suất thỏa thuận sẽ giúp tháo gỡ nút thắt giữa người có nhu cầu vay và tổ chức tín dụng, làm cho nhiều cá nhân có thể dễ dàng tiếp cận nguồn vốn vay hơn và các tổ chức tín dụng cũng “dễ thở” hơn. Điều này sẽ tác động tích cực đến hoạt động cho vay.
Chia sẻ quan điểm trên, TS. Trần Du Lịch, chuyên gia kinh tế - tài chính cho rằng, cần thiết giảm dần các thủ tục hành chính để thị trường có thể phát triển lành mạnh. Vì vậy, thỏa thuận lãi suất là cần thiết và các ngân hàng thương mại không phải gánh chức năng khác.
Việc NHNN đưa ra mục tiêu tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ năm 2017 theo hướng ổn định tỷ giá, kiểm soát lạm phát và cung tiền hợp lý sẽ tạo điều kiện cho ngân hàng ổn định lãi suất huy động, có điều kiện giảm lãi suất cho vay. Thêm vào đó, với việc thị trường bất động sản đang trên đà hồi phục, tín dụng sẽ tiếp tục cải thiện tích cực và tăng trưởng tốt trong năm nay.
Vân Linh / baodautu