Bảy tháng đầu năm, những chỉ số của nông sản Việt Nam xuất sang Trung Quốc là vạch đỏ lao dốc. Thịt heo hơi, gạo, sắn, trái cây trong thời gian này lao đao ngay trên mặt ruộng với giá thu mua thấp, hoặc ứ đọng trên cửa khẩu biên giới. Làm ăn với Trung Quốc ngày càng khó, bởi nhiều doanh nghiệp vẫn chưa vượt qua được chính mình để thoát khỏi "thị trường dễ tính".
Gạo là một trong những mặt hàng Việt Nam được Trung Quốc ưa chuộng. Ảnh: Quý Hòa
Sáu tháng đầu năm 2016, xuất khẩu gạo sang thị trường Trung Quốc chỉ đạt 912,1 nghìn tấn, kim ngạch 420,2 triệu USD, giảm 23% về khối lượng và giảm 13,2% về giá trị so với cùng kỳ năm 2015.
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, nguyên nhân chính dẫn tới việc xuất khẩu gạo sang thị trường này giảm mạnh là do phía Trung Quốc siết chặt quản lý xuất nhập khẩu gạo qua biên giới đất liền phía Bắc, chống buôn lậu gạo khiến việc xuất khẩu gạo theo đường tiểu ngạch không thuận lợi.
Một thị trường 1,3 tỷ dân với nền kinh tế của một cường quốc, đời sống của người dân Trung Quốc thay đổi nhanh chóng, sự phân hóa các nhóm thu nhập rất khác biệt, nhưng ở phân khúc nào thì cũng vẫn là thị trường khổng lồ. Trung Quốc là mảnh đất màu mỡ cho các nhà sản xuất và xuất khẩu hàng hóa trên thế giới.
Việt Nam là đối tác láng giềng thuận lợi cho việc buôn bán của doanh nhân Trung Quốc, nếu họ lắc đầu với biện pháp "đóng chặt đường tiểu ngạch" thì nhà xuất khẩu "đứng bánh", trút hết tội nợ lên đầu hàng chục ngàn hộ sản xuất nhỏ lẻ.
Nói vậy để hiểu quy mô của láng giềng, để tự đặt câu hỏi nên hay không nên đầu tư làm ăn với họ, và nếu nên thì ở mức nào là vừa phải.
Tại Diễn đàn Thời trang và Lụa Thế giới diễn ra tại Trung Quốc tháng 10/2015, tôi có dịp nghe các nhà xuất khẩu lụa đến từ Ý lớn tiếng kêu gọi Trung Quốc nới lỏng các hàng rào kỹ thuật, cho phép lụa từ châu Âu vào Trung Quốc để tăng tính cạnh tranh trong ngành thời trang tơ lụa. Các nhà sản xuất lụa thời trang Pháp cũng bày tỏ băn khoăn khi tìm đường vào Trung Quốc.
Các nhà sản xuất lụa Pháp và Ý chọn phân khúc cao cấp, một mặt họ bị hàng rào kỹ thuật chặn để bảo hộ sản xuất trong nước, mặt khác trong phân khúc lụa thời trang cao cấp, có vẻ các tập đoàn dệt may Trung Quốc vẫn làm chủ khi họ có điều kiện là đối tác của cả thế giới, là đối tác gia công các mặt hàng cao cấp mang nhãn hiệu nước ngoài.
Một thương hiệu lụa của Thái Lan khá nổi tiếng với hành trình phục hồi nghề sản xuất lụa thủ công, tuy nhiên khi tham quan các cửa hàng lụa cao cấp nhất, người trong nghề nhận biết đó là các loại lụa được đặt sản xuất tại Hàng Châu. Tại sao?
Không phải người Thái Lan không tổ chức sản xuất được, nhưng từ thủ công đi lên, đến một quy mô nhất định phải dừng lại, còn muốn xây dựng thương hiệu mạnh, với sản phẩm có giá trị cao và ổn định, giá cả khách hàng chấp nhận được thì chỉ có cách hợp tác sản xuất với các tập đoàn tơ lụa đóng đô ở thủ phủ Hàng Châu làm hàng mang nhãn hiệu Thái.
Tại sao Thái Lan chọn Trung Quốc để đặt gia công hàng cao cấp? Vì giá gia công thấp. Khi tham quan Hội chợ Tơ lụa Hàng Châu, hầu hết hàng các nước triển lãm tại đây đều gia công từ Hàng Châu và Tô Châu. Ngay cả Nhật Bản cũng đặt hàng theo cách mua tơ lụa từ Bảo Lộc ở Việt Nam rồi đưa qua Trung Quốc gia công thành phẩm để đảm bảo có giá kinh doanh hợp lý rồi tiêu thụ tại thị trường Nhật. Chất lượng hai bên cùng thỏa thuận và cùng kiểm soát.
Hàng thời trang Pháp và Ý khó vào Trung Quốc một phần do giá quá cao, khó cạnh tranh với hàng cao cấp Trung Quốc sản xuất cho thị trường nội địa.
Có lẽ bán hàng chất lượng trung bình cho Trung Quốc bắt đầu gặp khó, khi nước láng giềng này ngày càng phát triển vượt bậc và sẽ trở thành thị trường khó tính không xa.
Hàng nông sản Việt đang bị đóng cửa đường tiểu ngạch, phải đi đường chính ngạch, cũng có nghĩa là đối mặt với những tiêu chuẩn cao về chất lượng.
Trao đổi với nông dân Đồng bằng sông Cửu Long một năm trước, Phó thủ tướng Vương Đình Huệ đồng thời là Trưởng ban Chỉ đạo Hội nhập quốc tế về kinh tế cho biết, các hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam ký kết với các quốc gia, khối EU và ASEAN sẽ tạo ra nhiều cơ hội cho nền kinh tế, nhất là hàng nông sản có điều kiện mở rộng thị trường tại các nước có ưu đãi thuế (về đến 0%).
Trong bối cảnh xuất hàng tiểu ngạch đang bị siết chặt, nhiều doanh nghiệp nhìn ra thị trường xa. Vì thế, ai đó có nên "giận dỗi" với láng giềng?
Trong phát triển du lịch, bao nhiêu năm con số khách du lịch nước ngoài đến Việt Nam tăng rất chậm, nhưng khi khai thông được các tuyến bay trực tiếp với Trung Quốc, chỉ 6 tháng đầu năm, Trung Quốc đổ vào Việt Nam trên 1,2 triệu du khách.
Theo ông Trần Thụy - một cổ đông của nhiều khách sạn 3 và 4 sao tại Đà Nẵng, với việc ồ ạt xây dựng khách sạn tại Đà Nẵng, Hội An như hiện nay, nếu không có nguồn khách Trung Quốc thì sẽ ế ẩm. Tám ngàn phòng khách sạn từ 3 - 5 sao ở Đà Nẵng, nếu không có nguồn 250 nghìn du khách Trung Quốc trong 7 tháng đầu năm, hậu quả "đầu tư nóng" thật đáng lo ngại.
Tại sao giới đầu tư dịch vụ du lịch vẫn mặn nồng với khách Trung Quốc trong bối cảnh dư luận xã hội không thuận lợi? Du khách Trung Quốc có phần dễ dãi trong chất lượng dịch vụ, mạnh tay mua sắm hơn hẳn khách châu Âu. Dọc con đường ven biển nối Đà Nẵng - Hội An, các cửa hàng mua sắm, massage, tour chuyên phục vụ khách Trung Quốc ngày một thêm đông.
Thậm chí đang xảy ra tình trạng hướng dẫn viên né phục vụ khách châu Âu, chạy theo phục vụ khách Trung Quốc để có hoa hồng cao do dòng khách này mua sắm nhiều. Đó là một thực tế mà những người đang kinh doanh trực tiếp đều hiểu cái lợi to lớn trước mắt, đồng thời cũng đối mặt với rất nhiều cái khó khi làm ăn với đối tác Trung Quốc.
Nếu có một biến động làm dòng khách này bị "đứt", chắc chắn sẽ xảy ra hậu quả cho nhà đầu tư nào không kịp thu hồi vốn. Một chủ đầu tư kể: đầu tư cả triệu USD làm một khu nhà hàng lớn với hợp đồng 1.000 khách mỗi ngày, sau 2 tháng, quá chủ quan đó là khách du lịch Trung Quốc, chất lượng phục vụ không đúng như hợp đồng, công ty lữ hành thông báo cắt, không cho cơ hội sửa chữa. Tìm đâu ra hợp đồng 1.000 khách mỗi ngày đối với các thị trường khác?
Làm ăn với ông láng giềng vừa khó vừa dễ. Xuất khẩu nông sản ngày càng khó khăn hơn khi phải qua kiểm tra về chất lượng sản phẩm. Đó cũng là yêu cầu bản thân ngành nông nghiệp Việt Nam phải quyết chuyển mình để sản xuất sản phẩm sạch, một bước buộc phải tập dượt để mai này nếu sản phẩm vào Trung Quốc quá khó thì có thể chuyển sang các nước khác, và dù ở đâu thì cũng đòi hỏi chất lượng cao.
Đó là lý do nhiều ngành xuất khẩu của Việt Nam phải gắn với láng giềng, khi nước ta chưa có sản phẩm cao cấp để vào thị trường khó tính, mà nếu có sản phẩm cao cấp thì cũng nhỏ lẻ, chẳng đáng trở thành một thương hiệu lớn trong các siêu thị nước ngoài.
Theo Báo Doanh nhân Sài Gòn