Hiện nay, để đầu tư một đại lý ô tô bài bản, tùy yêu cầu của từng hãng xe, số vốn ban đầu bỏ ra khoảng 40-80 tỷ đồng (không tính đại lý xe sang). Tuy nhiên, lợi nhuận hàng năm thu về khá hấp dẫn.
Vừa làm vừa chơi vẫn có tiền
Hiện các hãng xe thường chiết khấu lại cho đại lý bán lẻ của mình tỷ lệ từ 4-9% giá xe. Với những hãng xe có tên tuổi, được nhiều người tiêu dùng lựa chọn, hàng năm có lượng tiêu thụ lớn mức chiết khấu phổ biến từ 4-6%; còn những hãng xe kém tên tuổi, ít người mua, số lượng xe bán không nhiều, thì mức chiết khấu cao hơn, thường từ 7-9%.
Như vậy, nếu làm đại lý cho những hãng xe tên tuổi, cứ bán 1 chiếc xe giá 1 tỷ đồng, sẽ thu về khoảng 40-50 triệu đồng. Có thương hiệu ô tô FDI tại Việt Nam, năm 2016 bán được gần 60.000 xe các loại, trong đó chỉ có hơn 40 đại lý trên toàn quốc, bình quân mỗi đại lý bán tới trên 1.000 xe/năm. Nhiều đại lý của hãng xe này ở các thành phố lớn có doanh số bán trên 1.500 xe trong năm qua thì khoản lợi nhuận thu về từ bán xe cũng tới hàng chục tỷ đồng.
Kinh doanh ô tô đem lại lợi nhuận cực khủng cho cả ông chủ, nhân viên (Ảnh minh họa)
Ngoài ra, mỗi khi bán được 1 chiếc xe mới, các đại lý còn được DN ô tô chi trả tiền bảo dưỡng cho xe theo quy định. Đây cũng là nguồn thu không nhỏ.
Chưa kể, còn một nguồn lợi lớn nữa mang lại cho các đại lý là sửa chữa, thay thế phụ tùng ô tô. Chỉ riêng bán phụ tùng cũng đã đem lại khoản siêu lợi nhuận cho các hãng xe và đại lý nhờ giá cao gấp 2-3 lần giá gốc.
Chẳng hạn, 1 chiếc vành đúc hợp kim nhôm 16 inch lắp cho xe hạng C, một doanh nghiệp FDI Nhật Bản đầu tư sản xuất tại Việt Nam bán 1 triệu đồng, nhưng khi đóng thương hiệu hãng xe tên tuổi vào và tới đại lý, giá bán lẻ tăng lên trên 3 triệu đồng. Nếu nhập từ Trung Quốc, giá còn rẻ hơn, chỉ 600.000-800.000 đồng.
Tương tự như vậy là các phụ tùng khác. Chiếc Camry 2.5 bị hỏng chìa khóa thông minh, nhưng là xe nhập khẩu không chính hãng. Chủ nhân chiếc xe vào một đại lý Toyota tại Hà Nội đặt mua, giá là 2.000 USD và chờ 2 tháng mới có. Ắc quy cũng vậy, mua ngoài chỉ vài triệu đồng, vào hãng là cả chục triệu. Với xe sang còn "khủng" hơn. Một bộ vành đúc 4 chiếc loại 17 inch mua trên Ebay giá khoảng 2.000 USD, nhưng nếu vào đại lý chính hãng tại Hà Nội, giá 6.000 USD...
Đấy mới là giá bán phụ tùng. Tiền công sửa chữa xe, thay thế phụ tùng hiện cũng cao ngất ngưởng. Thay 1 lọ dầu xe, tiền công cũng tới hơn 100.000 đồng, nhiều dịch vụ kỹ thuật khác còn lên tới 40-50 USD, thậm chí cao hơn,... Vì vậy, lợi nhuận từ kinh doanh bán lẻ ô tô và dịch vụ bảo dưỡng sửa chữa đang khá hấp dẫn.
Tuy nhiên, các ông chủ không thể đút túi hết số tiền này. Họ còn phải chi trả nhiều khoản như lãi vay vốn lưu động khi mua xe, lương nhân viên, phí quản lý, thuế, tiền thuê cửa hàng, khấu hao thiết bị, vốn đầu tư ban đầu, điện nước,... Khi xe bán chậm, ế còn phải giảm giá cho khách hàng.
Một nhân viên bán ô tô cho biết, thường lợi nhuận thu từ khoản sửa chữa, bảo dưỡng xe, thay thế phụ tùng đảm bảo chi trả cho tất cả hoạt động của đại lý, còn lợi nhuận bán xe được đồng nào, ông chủ bỏ túi đồng đó. Bán càng nhiều xe càng giàu.
Tất nhiên, làm đại lý cho những thương hiệu xe hơi lớn, có nhiều khách hàng, hàng năm có doanh số bán cao, sẽ có lợi nhuận thu về nhiều hơn đại lý bán xe cho thương hiệu ít tên tuổi, doanh số thấp. Ngoài ra, các đại lý ở những thành phố lớn, nơi bán được nhiều xe, có nhiều ô tô đến sửa chữa sẽ thu lợi nhiều hơn đại lý tại các địa phương, có doanh số bán thấp và số xe tới xưởng làm dịch vụ ít.
Nhu cầu sử dụng ô tô tăng cao kéo theo dịch vụ nở rộ (Ảnh minh họa)
Hiện để xin làm đại lý cho một hãng xe tên tuổi hiện rất khó do phải đáp ứng những đòi hỏi vô cùng khắt khe, thế nhưng các hãng xe tên tuổi luôn có hàng trăm DN đâm đơn. Khi đã trở thành đại lý chính hãng, mọi hoạt động đi vào ổn định thì công việc cứ thế mà chạy. Các ông, bà chủ rất thảnh thơi, có mặt ở sân golf, spa nhiều hơn ở công ty, tiền cứ thế chảy về.
Người tiêu dùng thiệt thòi
Giá dịch vụ và phụ tùng hiện nay khá cao, người tiêu dùng phải chịu nhiều thiệt thòi, nhất là tại các địa phương ở xa. Thời gian tới, khi hàng loạt đại lý ô tô bung ra, cạnh tranh sẽ mạnh mẽ, chi phí dịch vụ bảo dưỡng sửa chữa, giá bán phụ tùng chắc chắn sẽ giảm.
Việt Nam hiện có trên 2 triệu ô tô các loại đang lưu hành, thị trường dịch vụ sau bán hàng có quy mô khoảng 1,5 tỷ USD/năm. Dự báo trong 10 năm tới, số xe lưu hành có lên hơn 10 triệu chiếc, thì nhu cầu về sửa chữa bảo dưỡng sẽ tăng cao.
Các nhà đầu tư nước ngoài đã nhìn thấy cơ hội kinh doanh, từ thị trường tiêu thụ xe hơi ngày càng lớn tại Việt Nam. Có rất nhiều nhà đầu tư đã vào Việt Nam, xin làm đại lý phân phối cho các hãng xe. Trong những năm tới, số lượng các đại lý bán ô tô và làm dịch vụ bảo dưỡng, sửa chữa sẽ tăng mạnh.
Các phân tích cho thấy, DN FDI đầu tư vào bán lẻ và dịch vụ sau bán hàng, có nhiều lợi thế hơn hẳn, như kinh nghiệm lâu năm, trang bị kỹ thuật hiện đại, chế độ đãi ngộ tốt, sẽ kéo các nhân viên kỹ thuật giỏi từ những đại lý của DN trong nước sang. Cùng với nguồn vốn lớn, nguồn phụ tùng có chất lượng, xuất xứ rõ ràng, sẽ buộc các đại lý ô tô trong nước phải thay đổi. Nếu các đại lý ô tô không có giải pháp quản lý tốt, cắt giảm chi phí, qua đó cắt giảm giá dịch vụ, phụ tùng,... sẽ khó lòng cạnh tranh.
Bên cạnh đó, các cơ sở sửa chữa bảo dưỡng xe nhỏ lẻ bên ngoài cũng sẽ khó có thể ngồi yên. Cho dù các cửa hàng này hiện có giá dịch vụ tương đối thấp, giá phụ tùng bán ra cũng thấp, nhưng vẫn phải vất vả cạnh tranh khi các DN FDI sử dụng "chiêu bài" hạ giá.
Nếu không chịu nâng cao chất lượng dịch vụ, kỹ thuật, uy tín và đảm bảo chất lượng, nguồn gốc phụ tùng thay thế, các cơ sở sửa chữa bảo dưỡng xe nhỏ sẽ có nguy cơ mất khách.
Trần Thủy / vietnamnet