Làm thép với công nghệ nào là câu chuyện đòi hỏi các cơ quan quản lý phải cân nhắc kỹ trước khi cấp phép dự án lớn và rộng hơn là chuyện cập nhật Dự thảo lần 2, Quyết định Phê duyệt Điều chỉnh quy hoạch hệ thống sản xuất thép đến năm 2025, định hướng đến năm 2035 mà Bộ Công thương đang tiến hành.
Là đầu vào của nhiều ngành công nghiệp, nên sự tự chủ trong sản xuất thép được xem là điểm cộng đối với ngành này, nhất là khi năng lực sản xuất thép của Việt Nam còn hạn chế, trong khi nhu cầu về thép nguyên liệu cũng như thép thành phẩm ngày càng cao.
Theo dự báo mới đây, nhu cầu về thép cán nóng của Việt Nam đến năm 2020 là 15 triệu tấn, thép xây dựng là 14 triệu tấn. Như vậy, nếu cân đối cung - cầu, cả nước sẽ thiếu hụt 9 triệu tấn thép cán nóng và 6 triệu tấn thép xây dựng. Điều này sẽ khiến nhập siêu thép ngày càng trầm trọng.
Với mức tiêu thụ trung bình trên 20 triệu tấn thép mỗi năm, Việt Nam vẫn được đánh giá là thị trường tiêu thụ lớn trong khu vực. Bởi vậy, câu chuyện làm thép thế nào để vừa đáp ứng được nhu cầu của nền kinh tế, vừa đảm bảo phát triển bền vững được xem là rất cấp thiết.
Có lẽ mấu chốt trong câu chuyện phát triển ngành thép không còn nằm ở yếu tố thừa hay thiếu, mà là khả năng cạnh tranh. Và cũng chính vì vậy, Bộ Công thương đã phải tính toán cập nhật lại Quy hoạch Hệ thống sản xuất thép đến năm 2025, định hướng đến năm 2035.
Với quan điểm là phải nâng cao hơn nữa năng lực cạnh tranh của ngành thép, Bộ Công thương không chỉ loại bỏ 12 dự án thép khỏi quy hoạch hiện có, mà còn dứt khoát không cấp phép các dự án mới có quy mô dưới 500.000 tấn/năm. Thêm một lý do nữa là bối cảnh hội nhập kinh tế đòi hỏi các dự án thép phải có khả năng cạnh tranh, giá thành hạ và phải có công suất lớn.
Ngoài những yêu cầu mà cơ quan quản lý đặt ra, trong số các dự án thép lớn hiện nay, bản thân chủ dự án và địa phương có dự cũng phải giải quyết nhiều vấn đề. Dự án Khu liên hiệp luyện cán thép Hoa Sen Cà Ná - Ninh Thuận của CTCP Tập đoàn Hoa Sen là một thị dụ. Vấn đề khiến chủ đầu tư và chính quyền địa phương "đau đầu" là việc làm sao đảm bảo được nguồn nước cung cấp nước cho dự án sản xuất thép. Muốn thu hút nhà đầu tư thì hiển nhiên, Ninh Thuận phải giải quyết bài toán này.
Gợi ý về hướng ra cho địa phương, có ý kiến đã nhắc tới việc có nhiều tổ hợp thép lớn trên thế giới từng được đặt ở các vùng ven biển hoặc sâu trong lục địa, thậm chí ở vùng đông dân cư và hầu hết đều chưa xẩy ra sự cố lớn về môi trường. Rất có thể, đây cũng là phương án được Ninh Thuận và chủ đầu tư tính đến.
Tựu trung, để ngành công nghiệp thép có thể phát triển bền vững, thì cùng với việc lựa chọn công nghệ, rà soát quy hoạch, các cơ quan chức năng và chính quyền sở tại cần tiếp tục cân nhắc kỹ trước khi cấp phép thêm dự án mới, đồng thời siết chặt công tác hậu kiểm. Điều này càng phải được coi trọng, bởi người đứng đầu Chính phủ đã tuyên bố, không đánh đổi môi trường lấy lợi ích trước mắt và khi câu chuyện liên quan đến Dự án thép của Tập đoàn Formosa vẫn còn âm hưởng.
Hoàng Minh / baodautu