Thị trường xuất khẩu của Việt Nam có tín hiệu hồi phục và những biểu hiện của việc dịch chuyển làn sóng đầu tư đang xuất hiện. Hiện các doanh nghiệp đang dốc sức để đón được những đổi thay tích cực ấy.
Xuất khẩu Việt Nam vẫn phụ thuộc vào khối FDI và việc đón làn sóng dịch chuyển đầu tư cần phải được tính đến sau đại dịch. Ảnh minh họa Đào Loan
Xuất khẩu có xu hướng phục hồi
Dịch bệnh Covid-19 đã gây ra những tác động mạnh đến tình hình xuất nhập khẩu và thương mại toàn cầu, trong đó có Việt Nam.
Tính chung 5 tháng đầu năm nay, cán cân thương mại tiếp tục xuất siêu 1,88 tỉ đô la Mỹ, cao hơn nhiều so với con số thâm hụt 256 triệu đô la của 5 tháng đầu năm ngoái. Trong đó, khối doanh nghiệp FDI xuất siêu 10,52 tỉ đô la. Doanh nghiệp trong nước nhập siêu 8,64 tỉ đô la.
Năm tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam đạt mốc 99,36 tỉ đô la, chỉ giảm 1,7% so với cùng kỳ năm ngoái (cùng kỳ tăng 7,1%). Trong đó, khối doanh nghiệp trong nước xuất khẩu đạt 33,3 tỉ đô la. Còn xuất khẩu của khối FDI (bao gồm cả dầu thô) giảm gần 7% so với cùng kỳ 2019, ước đạt 66,06 tỉ đô la, vẫn gấp đôi kim ngạch xuất khẩu khối doanh nghiệp trong nước.
Bộ Công Thương nhận định, gần đây, nhiều đối tác thương mại lớn của Việt Nam dần dỡ bỏ những biện pháp chống dịch và tái khởi động kinh tế trong bối cảnh cuộc chiến chống dịch Covid-19 vẫn tiếp diễn. Điều này mở ra kỳ vọng hoạt động thương mại toàn cầu sẽ tăng trở lại trong những tháng tiếp theo.
Tuy nhiên, hoạt động xuất khẩu hàng hóa của nước ta được dự báo vẫn còn nhiều khó khăn trong ngắn hạn. Việt Nam mặc dù đã thành công trong cuộc chiến chống Covid-19, nhưng việc thu hút đầu tư, đẩy mạnh xuất khẩu lại phụ thuộc lớn vào yếu tố bên ngoài.
Trong khi đó, dịch bệnh trên thế giới vẫn đang diễn biến phức tạp, ảnh hưởng nghiêm trọng tới nền kinh tế toàn cầu, quá trình hồi phục sẽ mất nhiều thời gian. Do đó, trong những tháng tới, xuất nhập khẩu của Việt Nam nhiều khả năng sẽ tiếp tục xu hướng hồi phục nhưng kim ngạch có thể vẫn giảm so với cùng kỳ năm ngoái.
Dốc sức hỗ trợ xuất khẩu và đón cơ hội đầu tư
Thời gian qua, chuỗi cung ứng, thị trường xuất nhập khẩu bị gián đoạn do tác động của dịch Covid-19. Nhưng từ giữa tháng 4 đến nay, tình hình đã từng bước cải thiện, các nước châu Âu từng bước mở cửa trở lại đối với nền kinh tế.
Nhiều nước đã tung ra các gói kích cầu quy mô lớn, tăng cường chi tiêu tài khóa để đối phó với dịch bệnh, duy trì các hoạt động kinh tế thiết yếu và hỗ trợ người lao động.
Tại Mỹ, tính đến cuối tháng 5 này, tất cả 50 tiểu bang ở Mỹ đã mở cửa lại từng phần sau khi đóng cửa 2 tháng để thực hiện các biện pháp hạn chế nhằm chống dịch Covid-19.
Những điều này hỗ trợ rất tốt cho xuất khẩu của Việt Nam, vì Mỹ và châu Âu là hai đối tác nhập khẩu hàng hóa lớn nhất của chúng ta. Trong thời gian qua, Bộ Công Thương đã triển khai các hoạt động kết nối giao thương trực tuyến giữa doanh nghiệp Việt Nam với các đối tác có nhu cầu nhập khẩu, nhằm mở rộng thị trường cho nông sản nói riêng và hàng hóa nói chung.
Ngay khi dịch Covid-19 chưa có dấu hiệu giảm nhiệt, Bộ Công Thương đã sớm tính đến việc triển khai các hình thức xúc tiến thương mại, khơi thông thị trường xuất khẩu cho hàng nông sản.
Trung Quốc là thị trường đầu tiên được nhắm tới với sự kiện mở đầu là Hội nghị Giao thương trực tuyến hàng hóa Việt Nam - Trung Quốc, thu hút sự tham gia của hơn 150 doanh nghiệp hai bên. Tiếp đó, bộ này đã tổ chức hội thảo trực tuyến “Việt Nam - Ấn Độ: Xúc tiến thương mại nông sản và thực phẩm chế biến”.
Với gần 1,4 tỉ dân, Ấn Độ là thị trường có tiềm năng để doanh nghiệp xuất khẩu nông sản, thực phẩm của Việt Nam khai thác.
Đặc biệt, để xúc tiến tiêu thụ trái vải, Bộ Công Thương và tỉnh Bắc Giang sẽ tổ chức Hội nghị Xúc tiến tiêu thụ quả vải thiều năm 2020, dự kiến vào đầu tháng 6 này. Hội nghị sẽ được tổ chức trực tuyến, đầu cầu tại Bắc Giang, kết nối với 62 tỉnh thành và với 2 tỉnh Quảng Tây và Vân Nam (Trung Quốc), 2 tỉnh tiêu thụ chính trái vải Việt Nam tại thị trường Trung Quốc.
Mặt khác, việc nới lỏng giãn cách xã hội, đưa hoạt động sản xuất và sinh hoạt trở lại bình thường ở nhiều quốc gia đã giúp nhu cầu xăng dầu tăng lên; trong khi nguồn cung đang được cắt giảm theo thỏa thuận giữa các nước thuộc Tổ chức Các nước Xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) và các nước sản xuất liên minh (gọi tắt là OPEC+) cũng giúp thị trường xăng dầu thế giới khởi sắc. Giá dầu tăng có thể kéo theo giá nhiều loại hàng hóa khác tăng trở lại trong thời gian tới.
Hơn nữa, Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVFTA) dự kiến sẽ có hiệu lực từ tháng 7 năm nay sẽ tạo ra động lực mới cho xuất khẩu những tháng cuối năm và những năm tới.
Việc Việt Nam phê chuẩn EVFTA vào thời điểm này sẽ thúc đẩy việc phục hồi kinh tế trong nước sau đại dịch Covid-19. Cùng với Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), việc phê chuẩn và thực thi EVFTA khẳng định cam kết của Việt Nam đối với hệ thống thương mại tự do quốc tế, thúc đẩy đàm phán hiệp định thương mại tự do (FTA) của ta với các đối tác quan trọng khác, đánh dấu giai đoạn hội nhập quốc tế toàn diện và sâu rộng của Việt Nam.
Chính phủ nhận định, việc kiểm soát dịch bệnh của Việt Nam được cộng đồng quốc tế đánh giá cao, được xem là động lực quan trọng để thu hút nhiều hơn nguồn vốn đầu tư nước ngoài sau đại dịch. Trong khi đó, các tập đoàn xuyên quốc gia đang xem xét dịch chuyển đầu tư, đây là cơ hội lớn cho Việt Nam đón đầu làn sóng đầu tư này.
Gần đây, Chính phủ Nhật Bản đã chi 2,2 tỉ đô la hỗ trợ doanh nghiệp nước này rời Trung Quốc. Chính phủ Mỹ cũng yêu cầu các công ty của Mỹ sớm di dời nhà máy tại Trung Quốc.
Bộ Công thương, Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các bộ, ngành liên quan đang lên kế hoạch để đón đầu thông tin các tập đoàn công nghệ lớn của thế giới lên kế hoạch dịch chuyển chuỗi sản xuất đến Việt Nam. LG đã chuyển toàn bộ dây chuyền sản xuất từ Hàn Quốc về Hải Phòng.
Theo Nikkei, trong quí 2 năm nay, Apple sẽ sản xuất 3 - 4 triệu chiếc tai nghe AirPods tại Việt Nam, tương đương gần 1/3 tổng sản lượng AirPods trên toàn thế giới. Foxconn - nhà cung ứng linh kiện cho Apple - đã đặt nhà máy tại Bắc Giang. Panasonic Việt Nam cũng đang chuẩn bị vào đầu tháng 9 năm nay sẽ từng bước tiếp nhận để sản xuất tủ lạnh và máy giặt cửa đứng công suất lớn từ Thái Lan.