Trong năm 2015, doanh thu và lợi nhuận của SCIC đã tăng đột biến so với các năm trước.
Năm ngoái, lần đầu tiên Tổng Công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) đã có một bước tiến dài trong việc công khai hoạt động khi lần đầu tiên công bố báo cáo tài chính của mình.
Tuy nhiên khi đó, SCIC chỉ công bố báo cáo riêng công ty mẹ và không công bố thuyết minh báo cáo tài chính. Mới đây, “siêu tổng công ty” đã công bố đầy đủ báo cáo tài chính của năm 2015, bao gồm cả số liệu hợp nhất cũng như công ty mẹ.
Tính theo tỷ lệ sở hữu, SCIC có rất nhiều khoản đầu tư có thể coi là công ty con (sở hữu trên 50% vốn điều lệ) và công ty liên kết (sở hữu trên 20% vốn điều lệ). Tuy nhiên, theo tính chất hoạt động, SCIC chỉ ghi nhận 1 công ty con (SCIC Investment) và 6 công ty liên kết. Đây là các các công ty được SCIC đầu tư bằng nguồn vốn của công ty.
Trong khi phần lớn các khoản đầu tư mà SCIC đang nắm giữ như Vinamilk, Dược Hậu Giang… là nhận bàn giao từ nhà nước.
Doanh thu và lợi nhuận tăng đột biến trong năm 2015
Doanh thu của SCIC đã tăng trưởng khá nhanh trong những năm qua và đặc biệt tăng gấp rưỡi trong năm 2015, từ 7.000 lên trên 10.500 tỷ đồng.
Nguyên nhân chính khiến doanh thu tăng mạnh là SCIC đã đẩy mạnh hoạt động bán ra các khoản đầu tư của mình: doanh thu từ thoái vốn tăng hơn gấp đôi từ 2.200 tỷ lên gần 4.600 tỷ. Bên cạnh đó, nguồn thu từ cổ tức tăng thêm 1.300 tỷ lên hơn 4.900 tỷ đồng.
Trong khi đó, do mặt bằng lãi suất thấp, nguồn thu từ lãi tiền gửi/đầu tư trái phiếu giảm 100 tỷ xuống còn 1.040 tỷ đồng.
Một trong những nguồn thu ổn định và quan trọng nhất của SCIC là cổ tức từ Vinamilk. Theo ước tính của CafeF, SCIC đã nhận về hơn 2.700 tỷ đồng cổ tức tiền mặt từ công ty sữa này trong năm 2015. Sang năm 2016, cổ tức từ Vinamilk mà SCIC được nhận sẽ đạt tối thiểu là 3.200 tỷ.
Chi phí hoạt động đầu tư và kinh doanh vốn của SCIC chủ yếu là giá gốc của các khoản đầu tư đã bán. Khoản mục này khác với các doanh nghiệp thông thường vẫn hạch toán khi chỉ ghi nhận lãi/lỗ sau khi đã trừ đi chi phí.
Lợi nhuận trước thuế hợp nhất tăng từ 6.000 tỷ lên gần 8.600 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế tăng từ 5.500 tỷ lên 7.850 tỷ đồng.
Nắm giữ hơn 45.000 tỷ tiền mặt và trái phiếu
Tính đến cuối năm 2015, tổng tài sản hợp nhất của SCIC đạt hơn 73.300 tỷ đồng, bao gồm hơn 37.400 tỷ đồng đầu tư ngắn hạn và 32.400 tỷ đầu tư dài hạn. Con số này bao gồm cả đầu tư của SCIC và quản lý hộ nhà nước thông qua Quỹ hỗ trợ sắp xếp và phát triển doanh nghiệp – được SCIC ghi nhận là các khoản phải trả ở bên nguồn vốn.
Chiếm phần lớn khoản mục đầu tư của SCIC và Quỹ hỗ trợ sắp xếp và phát triển doanh nghiệp là gần 25.000 tỷ đồng tiền gửi ngắn hạn và hơn 20.000 tỷ đồng trái phiếu dài hạn.
Các khoản đầu tư cổ phiếu chủ yếu được ghi nhận theo giá gốc khi tiếp quản vốn nhà nước nên không phản ánh được đầy đủ giá trị của những khoản đầu tư này. Chẳng hạn như chỉ riêng khoản đầu tư vào Vinamilk tính theo giá trị thị trường có giá trị lên đến hơn 77.000 tỷ đồng, cao hơn cả tổng tài sản của SCIC.
Tổng danh mục cổ phiếu niêm yết mà SCIC đang nắm giữ hiện có trị giá khoảng 95.000 tỷ đồng trong khi đó ghi nhận trên sổ sách của SCIC chỉ có 12.500 tỷ đồng.
Kiến Khang
Theo Trí thức trẻ