Trong 6 quốc gia tiêu thụ mì ăn liền lớn nhất thế giới, chỉ có Việt Nam giảm tiêu thụ trong năm 2022 trong khi 5 quốc gia còn lại đều tăng.
Theo số liệu mới được Hiệp hội mì ăn liền thế giới công bố, tổng tiêu thụ mì của thế giới năm 2022 là 121,2 triệu gói, tăng hơn 3 triệu gói so với năm 2021 và tiếp tục lập đỉnh mới.
Bảng xếp hạng tiêu thụ mì gói năm qua gần như không có xáo trộn khi Trung Quốc, Indonesia, Việt Nam, Ấn Độ, Nhật Bản, Mỹ lần lượt là 6 quốc gia tiêu thụ mì gói lớn nhất.
Tuy nhiên, điểm đáng chú ý là trong số 6 quốc gia này chỉ có Việt Nam giảm tiêu thụ mì so với năm 2021, trong khi 5 quốc gia còn lại đều tăng lên.
Cụ thể, Việt Nam tiêu thụ 8,48 triệu gói mì, giảm khoảng 1% so với năm 2021. Đây là năm đầu tiên Việt Nam giảm tiêu thụ mì ăn liền kể từ năm 2015.
Trước đó, tiêu thụ mì ăn liền tại Việt Nam ổn định trong mức 5 triệu gói mì suốt 10 năm, rồi đột ngột tăng vọt lên 7,03 triệu gói và 8,56 triệu gói năm 2020 và 2021. Đây là 2 năm mà đại dịch Covid-19 bùng phát tại nước ta.
Trong khi đó, tiêu thụ mì vẫn tăng tại các quốc gia khác như Trung Quốc 45,07 triệu gói (+2,45%), Indonesia 14,26 triệu gói (+7,46%), Ấn Độ 7,58 triệu gói (+0,3%), Nhật Bản 5,98 triệu gói (+2,2%), Mỹ 5,15 triệu gói (+3,4%).
Việt Nam hiện có khoảng 50 công ty sản xuất mỳ ăn liền, bao gồm các doanh nghiệp trong và ngoài nước. Trong nhiều năm, thị trường nằm trong thế "chân vạc", dẫn đầu là Acecook với thương hiệu mỳ Hảo Hảo, xếp thứ hai là Masan Consumer (thành viên của CTCP Tập đoàn Masan) với các thương hiệu Omachi, Kokomi và thứ 3 là Asia Food với thương hiệu mỳ Gấu đỏ.
Vài năm nay, Uniben với thương hiệu mỳ 3 Miền dần mạnh lên và trở thành "tay chơi" thứ 4 đáng gờm.