Lần đầu tiên TP HCM công bố một số quy tắc ứng xử dành cho khách du lịch khi tới TP, với những thông tin cơ bản về văn hoá ứng xử tại điểm đến và khuyến nghị những hành vi không phù hợp...
Ngày 5-1, Sở Du lịch TP HCM tổ chức công bố Quy tắc ứng xử dành cho khách du lịch khi tới TP. Bộ quy tắc ứng xử được ngành du lịch TP nghiên cứu và xây dựng nhằm cung cấp những thông tin cơ bản về văn hóa ứng xử tại điểm đến và khuyến nghị những hành vi không phù hợp, hướng đến mục tiêu làm tốt đẹp hơn giữa du khách và điểm đến TP.
Ông Lã Quốc Khánh, Phó giám đốc Sở Du lịch TP, cho biết năm 2016 ngành du lịch TP đã đón 5,2 triệu lượt khách, tăng 13,03% so với năm trước. Sự lựa chọn TP HCM là điểm đến của hàng triệu du khách trong và ngoài nước đã góp phần kích thích sự tăng trưởng của các ngành dịch vụ trong lĩnh vực du lịch, quảng bá hình ảnh TP năng động, hiện đại.
"Sau khi Tổng cục du lịch khuyến khích các địa phương trong cả nước xây dựng một số quy tắc ứng xử tại điểm đến dành cho khách du lịch, cũng là giữ gìn các giá trị truyền thống, tập quán địa phương, TP đã nghiên cứu và triển khai một số quy tắc ứng xử dành cho du khách khi tới TP" - ông Lã Quốc Khánh nói.
Các quy tắc ứng xử được in ấn đẹp mắt để phát cho du khách đến TP HCM. Ảnh: Thái Phương
Theo đó, các quy tắc được phát hành dưới dạng 5 ngôn ngữ gồm tiếng Việt, Anh, Hoa, Hàn và Nga, được thiết kế một các đơn giản, dễ hiểu, nhỏ gọn tiện lợi cầm theo khi di chuyển. Đặc biệt, các quy tắc được thiết kế sáng tạo dưới dạng chiếc quạt nan như một món quà dành cho du khách khi đến TP.
Các quy tắc ứng xử sẽ được triển khai và phát hành đến các khách sạn 3-5 sao, công ty du lịch trên địa bàn, sân bay Tân Sơn Nhất, các đơn vị làm công tác ngoại giao... Bộ quy tắc ứng xử dành cho du khách đến TP gồm 8 điều với những nội dung như văn minh lịch sự nơi công cộng, đặc biệt là nơi tôn nghiêm; nghiêm cấm việc làm hư hỏng các hiện vật hoặc làm thay đổi hiện trạng tại các di tích văn hoá, lịch sử, bảo tàng; khuyến khích tiết kiệm, không lãng phí đồ ăn thức uống...
Theo Thái Phương
Người lao động