Thương trường đã quá quen với "Bà Dung PNJ", "ông Phú DOJI", "ông Thanh Tân Hiệp Phát" hay "Bầu Hiển T&T"... nhưng tới lúc họ muốn nhường sân cho con cái.
Thập kỷ trước, nhắc đến PNJ, người ta chỉ biết đến bà Cao Thị Ngọc Dung hay DOJI là ông Đỗ Minh Phú, nhắc đến Tân Hiệp Phát là ông Trần Quý Thanh hay T&T là Bầu Hiển, SeaBank là bà Nguyễn Thị Nga... Họ, những người không chỉ là gầy dựng, mà còn là "thuyền trưởng" lèo lái của doanh nghiệp trụ cột trong nền kinh tế. Nhưng để một doanh nghiệp trường tồn, họ cần người kế cận.
Để tìm lãnh đạo một bộ phận nào đó thì không quá khó, nhưng để có một người đủ sức kế nhiệm vị trí số một, tức là có thể đại diện người đứng đầu thì lại là câu chuyện hoàn toàn khác. Với đặc trưng của nhiều doanh nghiệp hoạt động theo hơi hướng mô hình gia đình, vị trí khó khăn này được định vị cho chính con cái họ. Đó cũng là lý do khoảng 5 năm gần đây, bên cạnh những doanh nhân được xem là kỳ cựu, "nhẵn mặt" trên thị trường, một lớp doanh nhân trẻ hơn đang dần xuất hiện.
Phần lớn họ đều là những người trẻ thuộc thế hệ cuối 7x đến cuối 8x, có thời gian tu nghiệp ở nước ngoài, được tiếp cận văn hóa và tư duy phương Tây thay vì Đông Âu như thế hệ doanh nhân đi trước. Điều này giúp họ nắm bắt xu hướng trên thế giới nhanh hơn, tư duy cởi mở hơn và đặc biệt là tạo dựng các mối quan hệ với những người cùng tuổi. Ông Trần Hùng Huy, được xem là thế hệ kế cận đời đầu, từng học MBA tại Mỹ, bà Đặng Huỳnh Ức My theo học quản trị kinh doanh và tài chính tại New Zealand hay ông Đỗ Quang Vinh từng du học tại Singapore và hoàn thành chương trình thạc sỹ tại Anh.
Từ trái qua phải, Ông Đặng Hồng Anh (Thành Thành Công), Đỗ Minh Đức (DOJI), Trần Hùng Huy (ACB), bà Đặng Huỳnh Ức My (Thành Thành Công), Đỗ Vũ Phương Anh (DOJI) và ông Đỗ Quang Vinh (SHB). Đồ họa: Tạ Lư.
Nhưng để chuẩn bị cho bước tiếp quản hiện nay, hầu hết người trẻ đều chọn cách đi lên từ những vị trí thấp.
Ông Võ Quốc Thắng, Chủ tịch Công ty gạch Đồng Tâm Long An và cựu Chủ tịch Kienlongbank ít khi nhắc đến con trai Võ Quốc Lợi. Ông Lợi cũng không nắm giữ những vị trí chủ chốt trong ngân hàng. Nhưng ông Thắng đã chuẩn bị cho việc để Lợi kế nhiệm mình từ nhiều năm trước.
Tại một hội thảo cuối năm 2007, những người tham gia bắt đầu chú ý đến một thanh niên đi cạnh ông Thắng. "Con trai tôi, cho nó theo để học hỏi và làm quen với mọi người", ông Thắng giới thiệu về Võ Quốc Lợi. Ông không ngần ngại gửi con sang Nhật để chuyên gia về tư duy sáng tạo "quần thảo". Những năm sau đó, trong lần trả lời VnExpress, ông Thắng tiết lộ, con trai ông đã trải qua nhiều vị trí khác nhau tại nhà băng, từ nhân viên tín dụng, nhân viên kiểm toán nội bộ, nhân viên pháp chế và xử lý nợ, trợ lý tổng giám đốc, phó giám đốc chi nhánh, giám đốc chi nhánh...
Ông Trần Hùng Huy (sinh năm 1978) cũng được xem là người kế nghiệp tại ACB từ cha là ông Trần Mộng Hùng, một trong những người sáng lập và giữ chức chủ tịch ACB trong thời gian dài. Năm 2012, sau sự cố bầu Kiên, "ghế nóng" chủ tịch tại nhà băng này bị bỏ trống. Trần Hùng Huy khi đó mới 34 tuổi, trở thành chủ tịch trẻ nhất, không chỉ tại ACB mà trong cả ngành ngân hàng.
Tuy nhiên, cũng như những người cùng thuộc nhóm kế cận, Hùng Huy cũng được chuẩn bị từ trước đó nhiều năm. Năm 2002, khi mới 24 tuổi, Huy tham gia ACB với vị trí chuyên viên nghiên cứu thị trường. Năm 2006, anh trở thành thành viên Hội đồng quản trị và tiếp quản vị trí phó tổng giám đốc ngân hàng sau đó hai năm.
Khi nhận vị trí ghế nóng tại ACB, những người trong cuộc chỉ đánh giá tân chủ tịch này bằng một nhận xét ngắn gọn: "trẻ nhưng làm được". Và thực tế nhiều năm sau, những gì mà người đứng đầu ACB làm được với nhà băng này đang chứng minh quyết định năm xưa không sai.
Việc kế nhiệm tại những tập đoàn khác gần đây cũng đang dần được đẩy nhanh hơn, khi Chủ tịch các ngân hàng thương mại không được kiêm nhiệm vị trí tương tự tại các doanh nghiệp khác. Ông Đỗ Minh Phú đã chọn TPBank, còn hoạt động tại DOJI phần lớn chuyển lại cho các con, trong đó ông Đỗ Minh Đức và bà Đỗ Vũ Phương Anh đều giữ chức phó chủ tịch HĐQT, kiêm tổng giám đốc và phó tổng giám đốc tập đoàn. Tương tự, tại SeABank, bà Lê Thu Thủy, con gái bà Nguyễn Thị Nga, đã giữ chức tổng giám đốc từ giữa năm 2018.
Từ trái qua phải, bà Lê Thu Thủy (SeaBank), bà Trần Uyên Phương (Tân Hiệp Phát), ông Nguyễn Ngọc Thái Bình (REE), Đoàn Quốc Huy (BIM), bà Trần Ngọc Phương Thảo (PNJ) và ông Lê Viết Hiếu (HBC). Đồ họa: Tạ Lư.
Không riêng ngành ngân hàng, những lĩnh vực khác cũng có cách khởi đầu tương tự. "Công chúa mía đường" là danh xưng mà thị trường đặt cho bà Đặng Huỳnh Ức My (sinh năm 1981), con gái ông Đặng Văn Thành. Bà My chọn cách nối nghiệp mẹ khi làm việc trong ngành mía đường, chứ không theo chân bố làm ngân hàng hay bất động sản như anh trai Đặng Hồng Anh.
Tuy nhiên, cũng giống như ông Hùng Huy, bà My trở thành người đảm nhận vị trí đứng đầu doanh nghiệp khi tuổi đời còn rất trẻ. Năm 2009, khi mới 28 tuổi, bà được trao vị trí CEO tại Thành Thành Công. Dấu ấn của bà My thể hiện qua các thương vụ thâu tóm Công ty Bourbon Tây Ninh hay xúc tiến việc niêm yết cổ phiếu trên sàn Singapore năm 2012.
Việc tham gia hoạt động kinh doanh tại chính những doanh nghiệp của gia đình, ngoài vì kế nghiệp, còn cho thấy tham vọng và cá tính riêng của lớp doanh nhân trẻ, một trong những mục tiêu là vượt qua hình bóng của cha mẹ.
Khác với hai người trước đó, Đỗ Quang Vinh (sinh năm 1989) được xem là tầng lớp kế cận trẻ nhất vừa xuất hiện trong giới ngân hàng. Mới nhận vị trí phó giám đốc khối bán lẻ SHB từ đầu năm nay, Vinh đánh giá bản thân sẽ là "làn gió mới" cho hoạt động của SHB. Vị trí này không chỉ giúp thay đổi diện mạo ngân hàng mà còn từng bước để anh khẳng định bản thân, thoát bóng "con trai Bầu Hiển".
Còn Trần Phương Ngọc Thảo (sinh năm 1984), con gái bà Cao Thị Ngọc Dung, việc trở về Việt Nam chỉ đơn giản là thời điểm hiện tại đã phù hợp. Bà Thảo vừa trở thành Giám đốc Chuyển đổi số hoá và trúng cử Hội đồng quản trị PNJ tại phiên họp thường niên tháng 6 năm nay. Khi nhận được câu hỏi việc thăng tiến nhanh tại PNJ có phải tiến trình "mẹ truyền con nối", bà Thảo chỉ trả lời ngắn gọn: "Nếu là mẹ truyền con nối thì đáng lẽ việc tôi về PNJ phải xảy ra từ ba năm trước".
Nhận nhiệm vụ mới tại PNJ, những gì mà bà Thảo kỳ vọng là mang đến tư duy mới, cách làm mới và tác phong gần giống với startup nhất để bù đắp khuyết điểm "chậm chuyển đổi" của PNJ, tạo ra sự linh hoạt cho bộ máy vận hành.
Đặc điểm nổi bật của thế hệ doanh nhân mới, theo ông Trần Nam Dũng, Phó tổng giám đốc EY Việt Nam, người cũng đang là lãnh đạo của Chương trình EY Private Đông Dương nhận xét, là họ dám nghĩ, không ngại chia sẻ ước mơ lớn. "Họ dám xác lập một cách rõ ràng, đón nhận mục tiêu kinh doanh cao và luôn trăn trở tìm cách đạt được điều đó", ông nói.
Theo ông Dũng, phần đông thế hệ doanh nhân này được tiếp cận nền giáo dục phương tây tiên tiến, được trang bị những kiến thức quản trị kinh doanh hiện đại, và thể hiện tư duy đổi mới, linh hoạt.
"Họ không còn loay hoay tìm kiếm câu trả lời cho câu hỏi 'cái gì', 'như thế nào'. Thay vào đó, họ tập trung giải quyết câu hỏi 'vì sao' và 'sự phù hợp, thích ứng' như về môi trường kinh doanh, văn hóa doanh nghiệp và nguồn lực nhân sự", ông Dũng nhận xét.
Dù vậy, tư duy dám nghĩ, dám làm của lớp lãnh đạo trẻ, vừa là điểm cộng, nhưng cũng là khó khăn. Khi nhận nhiệm vụ mới tại SHB, một trong những khác biệt lớn, theo Đỗ Quang Vinh, là tư duy. Khó khăn, thách thức lớn nhất là làm thế nào để dung hòa giữa tư duy mới của một người trẻ hiện đại thế hệ cuối 8x, với những người lãnh đạo thế hệ 6x, 7x.
Nhưng thay vì tìm cách bảo vệ cái tôi của bản thân, Vinh cho rằng, việc đầu tiên là làm thế nào để 'làn gió mới' không gây ra xáo trộn, phản ứng với mọi người. Anh vẫn bảo vệ những quan điểm riêng, nhưng cũng nói rằng sẽ tiếp thu những ý kiến của người đi trước, bởi kinh nghiệm là điểm mà bản thân còn thiếu sót.
"Nếu xét về sự tăng trưởng của các chỉ số tài chính như doanh thu, lợi nhuận, tốc độ tăng trưởng hay tỷ suất sinh lời, chúng tôi đánh giá tích cực về công tác điều hành của số đông doanh nhân kế cận trong gần đây, đặc biệt trong tình hình Covid-19 diễn ra phức tạp ở Việt Nam và toàn cầu", ông Dũng bình luận.
Đại diện EY Private Đông Dương cũng cho rằng, những thay đổi và thành công của thế hệ lãnh đạo mới cần phải đứng trên khía cạnh và bối cảnh từng doanh nghiệp. Không có mô hình chung cho sự chuyển đổi hay thành công của từng loại hình doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp gia đình.