Làn sóng đầu tư thứ hai vào Việt Nam của các doanh nghiệp Thụy Điển tập trung nhiều vào lĩnh vực tiêu dùng.
Nguồn ảnh: Fortune |
Mỗi tháng một lần, đại sứ Thụy Điển mới nhậm chức hồi tháng 9 năm ngoái, ông Pereric Högberg lại từ Hà Nội vào TP.HCM để nhóm họp và gặp gỡ với cộng đồng doanh nghiệp và công dân Thụy Điển sinh sống tại đây. Cuối tháng 10 này, ông lại vào như kế hoạch đã định, nhưng lần này có thêm một dịp đặc biệt khác, đó là tham dự lễ ra mắt dòng xe mới của Volvo tại cuộc triển lãm xe hơi nhập khẩu năm 2017.
Tên tuổi hãng xe Volvo được xem như thương hiệu người Thụy Điển. “Thước đo sự thành công của tầng lớp trung lưu ở đây là phải sở hữu biệt thự, thú nuôi và một chiếc xe hơi Volvo”, ông Högberg chia sẻ. Volvo bắt đầu gia nhập thị trường xe ô tô nhập khẩu hạng sang vào đầu năm ngoái. Khi đó, ông Högberg nói rằng: “Volvo như là một biểu tượng, hay một dấu mốc quan trọng trong mối quan hệ đầy hứa hẹn giữa Thụy Điển và Việt Nam. Dù cho kim ngạch thương mại giữa hai nước còn khiêm tốn, nhưng vẫn đều đặn tăng lên, tương tự sự quan tâm của các doanh nghiệp Thụy Điển dành cho việc đầu tư và sản xuất tại Việt Nam, cũng như việc kinh doanh các sản phẩm và dịch vụ của họ tại thị trường Việt Nam”. Sự thay đổi năm nay đã rõ rệt hơn.
Volvo không phải là doanh nghiệp Thụy Điển duy nhất gây chú ý. Gần đây nhất là chuỗi bán lẻ nội thất IKEA xác định kế hoạch mở cửa hàng mới ở Việt Nam trong vòng 5 năm tới, theo thông tin từ Bloomberg. Trong khi đó, chuỗi bán lẻ thời trang H&M sẽ mở tiếp cửa hàng mới ở Hà Nội, sau khi có cửa hàng đầu tiên ở TP.HCM trong năm nay. Những cái tên tiềm năng không chỉ xuất hiện ở mảng bán lẻ, mà còn cả những startup thế hệ mới đầy hứa hẹn như Spotify, ứng dụng nghe nhạc trên smartphone cũng được đồn đoán sẽ sớm xuất hiện chính thức ở Việt Nam. Trước đó, không chỉ có dòng xe cá nhân, Tổng Công ty Bến Thành và Savico (công ty mẹ của đơn vị nhập khẩu của Volvo tại Việt Nam) cho biết, hãng xe tải và xe bus Volvo cũng đã đặt vấn đề với họ.
“Đó là làn sóng Thụy Điển thứ hai”, ông Högberg mô tả. Thực tế, dòng vốn Thụy điển đã có mặt ở Việt Nam từ lâu, nhưng chủ yếu trong lĩnh vực công nghiệp. Có thể điểm tên như Tập đoàn ABB thành lập ở Việt Nam từ năm 1993, có nhà máy và tập trung vào 4 mảng chính là sản phẩm điện tử, robot hóa, công nghệ tự động trong các ngành công nghiệp và lưới điện.
Một trường hợp đặc biệt khác là Tetra Pak, mô tả khá chính xác về sức mạnh của doanh nghiệp Thụy Điển tại thị trường Việt Nam. Hằng ngày rất nhiều người Việt Nam đang cầm trên tay sản phẩm của Tetra Pak. Công ty này cung cấp bao bì hộp sữa cho các hãng sữa Việt Nam như Vinamilk, TH True Milk, hay sữa đậu nành Vinasoy. Tetra Pak chiếm khoảng thị phần 98% cho loại bao bì hộp sữa, theo thống kê không chính thức. Bức tranh đầu tư của Thụy Điển cũng đang thay đổi đáng kể ở Việt Nam khi đầu tháng 10 vừa qua Tetra Pak đã đầu tư thêm nhà máy mới với quy mô 110 triệu USD, lớn hơn cả con số FDI của Thụy Điển tính lũy kế tới tháng 9.2017 chỉ là 100 triệu USD với 54 dự án trên cả nước.
Tên tuổi của các công ty hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp, sản xuất này có thể xa lạ với người tiêu dùng, nhưng người Thụy Điển cũng có rất nhiều thương hiệu tiêu dùng khá gần gũi như hàng điện tử gia dụng Electrolux, điện thoại Ericsson trước đây. Người dùng văn phòng không thể không biết đến phần mềm nhắn tin và thoại Skype, người sử dụng smartphone thì biết quá rõ trò chơi Candy Crush. Ngay cả H&M, IKEA cũng đã có cơ sở gia công và sản xuất ở Việt Nam.
Có thể nhận thấy làn sóng đầu tư thứ hai của Thụy Điển tập trung nhiều vào lĩnh vực tiêu dùng. Trong thời gian tới, ông Högberg còn hy vọng vào sự xuất hiện không chỉ là ngành thời trang Thụy Điển, mà còn là ngành y tế, giao thông, sản xuất xanh và các công ty khởi nghiệp.
“Với bức tranh và môi trường ở Việt Nam, đã đến lúc Thụy Điển tăng cường kinh doanh. Chính phủ Thụy Điển và bản thân tôi đặc biệt ấn tượng với sự phát triển của nền kinh tế Việt Nam kể từ sau Đổi Mới, đặc biệt là tăng trưởng kinh tế bền vững, tầng lớp trung lưu và tiêu dùng cũng tăng lên”, vị Đại sứ Thụy Điển giải thích vì sao các thương hiệu Thụy Điển xuất hiện ngày càng nhiều ở Việt Nam.
Mặc dù vậy, không thể không kể đến một yếu tố vĩ mô khác tại thị trường bản xứ có thể ảnh hưởng tới nhu cầu đầu tư của giới doanh nghiệp Thụy Điển, đó là lãi suất của Ngân hàng Trung ương Thụy Điển đưa ra ở mức -0,5%. Nền kinh tế của Thụy Điển đang bùng nổ với tốc độ tăng trưởng 3,2% trong năm ngoái và bình quân 2,8% kể từ năm 2009 đến nay.
Nhưng điều này cũng mang lại rủi ro, giá bất động sản Thụy Điển đã tăng lên 8% trong năm 2016 và 10,5% trong năm 2015, theo The Economist. Ông Högberg cho biết đồng Krona và lạm phát vẫn ổn định, tin rằng hiện tượng này sẽ sớm kết thúc ở nền kinh tế tăng trưởng dựa hơn một nửa vào xuất khẩu và vẫn đang khao khát lao động có kỹ năng.
Ông Högberg tình cờ đến Việt Nam trong giai đoạn quốc gia này đang đón nhận làn sóng đầu tư thứ hai từ Thụy Điển. “Thật thú vị khi có 2 nhu cầu xuất hiện cùng một lúc. Công ty Thụy Điển có nhiều sản phẩm muốn bán tại thị trường châu Á, trong khi Việt Nam có thị trường thú vị, đồng thời cũng là lúc cần phải nâng cao năng lực sản xuất của chính mình”. Ông Högberg tin rằng ngành sản xuất Việt Nam không thể tiếp tục với những sản phẩm giản đơn và đó cũng là cơ hội dành cho các công ty Thụy Điển có công nghệ, kỹ thuật cao.
Trên phương diện quốc gia, Thụy Điển là đất nước phương Tây đầu tiên đặt vấn đề hỗ trợ Việt Nam từ những năm 1960, thiết lập quan hệ ngoại giao vào năm 1969. Ông Högberg lần đầu đến Việt Nam năm 1996, sau đó nhận nhiệm vụ ngoại giao ở nhiều quốc gia khác trước khi quay trở lại đây. “Trong hơn 20 năm đó, tôi luôn chú ý quan sát Việt Nam, tìm hiểu mọi thứ diễn ra. Khi sếp tôi đề nghị tôi đến Việt Nam, tôi đồng ý ngay lập tức và vô cùng háo hức với xứ sở thú vị này”. Hành trình của ông Högberg chỉ mới bắt đầu.
Ông Pereric Högberg, Đại sứ Thụy Điển tại Việt Nam: Để sáng tạo, hãy tạo môi trường Các sản phẩm của Thụy Điển được cả thế giới biết đến đều là kết quả của sự sáng tạo và tái sáng tạo. Để giải thích lý do người Thụy Điển thành công, có thể nói rằng đó là do chúng tôi tư duy cởi mở. Chúng tôi có thể không phải là người sáng tạo ra các ý tưởng, nhưng thay vào đó là sự quan sát, lắng nghe, cố gắng thay đổi, sáng tạo mà không hề sợ mình làm sai, hay bị phê bình và cứ thế mà tiếp tục. Volvo, chẳng hạn, luôn tìm tòi, thiết kế lại để tìm ra mẫu xe tốt hơn, được cả thế giới công nhận về mức độ an toàn. Cả Ericsson, thành lập từ những năm 1800, cũng vậy. Ngày nay Ericsson tuy không còn sản xuất điện thoại nữa, nhưng lại đi đầu trong công nghệ viễn thông mới như 5G. Tập đoàn ABB cũng thực hiện điều tương tự với ngành tự động hóa. Tôi không nghĩ đó là do gen của người Thụy Điển, thế giới cả 7 tỉ người ai cũng giống nhau, mà đến từ môi trường. Sự tò mò và hệ thống giáo dục của chúng tôi cho phép sự tò mò đó. Hệ thống giáo dục của chúng tôi dựa trên 2 điều quan trọng: thứ nhất là hệ thống thông tin nhanh chóng, chính xác và tin cậy và thứ hai là tư duy phân tích. Tôi có thể làm điều này bằng cách khác được hay không? Tôi có thể thay đổi nó không? Đó là lý do vì sao chúng tôi có nhiều startup như Spotify, Skype, Candy Crush… Rất nhiều ý tưởng mới kéo đến. Đó là hệ tư duy mà chúng ta không thể làm trong một thời gian ngắn, mà phải mất cả trăm năm. Người Việt thường nói bạn không thể làm cái này, bạn không được phép và rồi sẽ tạo ra con người như thế. Còn chúng tôi thì nói: “Hãy cứ làm đi, thất bại ư, hãy thử lại”. |
Việt Dũng / nhipcaudautu