Các ngân hàng hé lộ kế hoạch kinh doanh và kế hoạch tăng vốn trong kỳ họp Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) năm nay.
Trong mùa ĐHĐCĐ năm nay, không ít nhà băng dự kiến trình cổ đông thông qua kế hoạch tăng thêm vốn.
Tại ACB, Ngân hàng dự kiến trình ĐHĐCĐ kế hoạch phát hành hơn 540 triệu cổ phiếu để chia cổ tức năm 2020 với tỷ lệ 25% bằng cổ phiếu, tăng vốn lên 27.019 tỷ đồng trong kỳ họp cổ đông thường niên diễn ra ngày 4/6. Nguồn sử dụng để tăng vốn đến từ lợi nhuận có thể sử dụng chia cổ tức sau khi trích lập các quỹ của năm 2020 và lợi nhuận còn lại chưa chia tính đến thời điểm 31/12/2020.
Việc tăng vốn nhằm bổ sung nguồn vốn trung, dài hạn cho các hoạt động cấp tín dụng, đầu tư trái phiếu chính phủ của ACB; cải tạo, sửa chữa, di dời trụ sở, đầu tư các dự án chiến lược giai đoạn 2019 - 2024 và nâng cao năng lực tài chính của ngân hàng.
ACB dự kiến hoàn thành việc tăng vốn điều lệ trong quý III/2021.
Về kế hoạch hoạt động trong năm nay, ACB đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế hợp nhất đạt 10.602 tỷ đồng, tăng 10,5% so với mức thực hiện năm 2020. Lợi nhuận sau thuế đạt 8.481 tỷ đồng, tăng 10,4%. Sau khi trừ 1.472 tỷ đồng để trích lập các quỹ, ACB dự kiến trích 6.754 tỷ đồng để chia cổ tức năm 2021 bằng cổ phiếu, tương đương tỷ lệ 25%.
Trong khi đó, BIDV dự kiến phát hành 207,3 triệu cổ phiếu để trả cổ tức năm 2019 (tương đương tỷ lệ 5,2%), phát hành 281,5 triệu cổ phiếu để trả cổ tức năm 2020 (tương đương tỷ lệ 7%). Thời gian thực hiện chia cổ tức bằng cổ phiếu dự kiến trong quý III và IV/2021. Đầu năm 2021, BIDV cũng đã dùng hơn 3.200 tỷ đồng để chia cổ tức bằng tiền mặt, với tỷ lệ 8%.
Tại cuộc họp ĐHĐCĐ của VIB, dự kiến diễn ra vào ngày 24/3, ngân hàng này sẽ trình cổ đông thông qua phương án tăng vốn, bao gồm tăng vốn bằng hình thức chia cổ phiếu thưởng từ nguồn vốn chủ sở hữu và phát hành chào bán cổ phiếu.
Năm 2020, lợi nhuận hợp nhất trước thuế của VIB đạt 5.801 tỷ đồng, tăng 42,1% so với năm 2019 và vượt 29% so với kế hoạch.
Ông Trịnh Văn Tuấn, Chủ tịch HĐQT OCB cho hay, ngân hàng này dự kiến mức tăng vốn điều lệ khoảng 25%, chia cổ tức ở mức 25%. Hiện vốn điều lệ của OCB xấp xỉ 11.000 tỷ đồng, sau khi chia cổ tức năm 2019 và bán cổ phần cho Aozora.
Tại SHB, Ngân hàng dự kiến chi trả cổ tức bằng cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu với tỷ lệ 20,5%, trong đó 10% cho năm 2019 và 10,5% cho năm 2020. Sau khi hoàn thành việc chi trả cổ tức, vốn điều lệ của SHB sẽ tăng lên mức gần 21.300 tỷ đồng.
Theo đại diện của SHB, việc tăng vốn điều lệ nằm trong lộ trình phát triển của ngân hàng nhằm nâng cao năng lực tài chính, đầu tư hệ thống công nghệ thông tin hiện đại, nâng cao tỷ lệ an toàn theo chuẩn Basel II và hướng tới tuân thủ Basel III.
Ngoài việc mạnh tay chia cổ tức bằng cổ phiếu và thưởng cổ phiếu để tăng vốn, trong mùa ĐHĐCĐ năm nay, không ít nhà băng dự kiến trình cổ đông thông qua kế hoạch tăng thêm vốn.
Cụ thể, Nam A Bank đang triển khai kế hoạch tăng vốn điều lệ lên 7.000 tỷ đồng, trong đó có phương án phát hành 57 triệu cổ phiếu (tương đương 570 tỷ đồng) để chi trả cổ tức với tỷ lệ 12,4878% và chào bán 143 triệu cổ phiếu riêng lẻ (tương đương 1.430 tỷ đồng).
Ông Trần Ngọc Tâm, Tổng giám đốc Nam A Bank cho hay, trong kế hoạch tăng vốn nói trên, Ngân hàng sẽ chào bán cho nhà đầu tư nước ngoài với tỷ lệ quy định. Ngoài ra, Nam A Bank cũng đang hoàn tất hồ sơ chuyển niêm yết cổ phiếu sang sàn HoSE, thay vì giao dịch trên UPCoM.
Ngân hàng Bản Việt đã trình cổ đông thông qua phương án phát hành cổ phần tăng thêm tối đa gần 1.000 tỷ đồng trong quý I/2021. Đồng thời, nhà băng này cũng vừa chốt danh sách cổ đông để lấy ý kiến bằng văn bản ủy quyền HĐQT quyết định tỷ lệ sở hữu của cổ đông nước ngoài tối đa mức 30%, nhằm hút vốn ngoại, tăng vốn.