Cần có biện pháp ngăn chặn kịp thời dịch vụ cho vay online qua ứng dụng (app) trái phép từ Trung Quốc đang xâm nhập làm náo loạn thị trường Việt Nam, để không ảnh hưởng đến thị trường cho vay ngang hàng, dịch vụ tài chính số.
Chỉ cần thực hiện một thao tác tìm kiếm đơn giản, có thể tìm thấy hàng trăm ứng dụng cho vay tiền online.
Vay online, trả lãi tới… 90%/tháng
Tại Việt Nam có hơn 40 công ty cho vay ngang hàng (P2P lending) đang hoạt động. Nhưng chỉ cần vào Google, Facebook, hay lên “chợ” Google Play và gõ “vay online”, có thể tìm kiếm được khoảng 250 app cho vay tiền online.
Nếu có nhu cầu vay tiền online, người dùng chỉ cần tải app, điền đầy đủ thông tin cá nhân, cung cấp hình ảnh chứng minh thư nhân dân hoặc căn cước công dân, số tài khoản, chọn “Đồng ý” trong hợp đồng cho vay điện tử (trong đó có điều khoản “người vay đồng ý cho ứng dụng truy cập danh bạ trên máy điện thoại di động”).
Sau khi người vay hoàn tất việc tạo tài khoản, ứng dụng sẽ tự động báo về hệ thống, nhân viên của bộ phận cho vay sẽ liên lạc với người vay để thu thập thêm thông tin, kiểm tra lại thông tin đã đăng ký trên app. Nếu người vay thỏa mãn điều kiện vay tiền, thì chỉ trong vài phút, hệ thống tài khoản của công ty cho vay sẽ tự động chuyển tiền vay cho khách hàng theo số tài khoản đã kê khai.
Tại trang web vaytocdo.com, chỉ với vài thao tác đơn giản trong ít phút, người vay có thể vay được một khoản tiền từ 1,7 đến 2,75 triệu đồng. Tuy nhiên, nếu vay 1,7 triệu đồng, người vay chỉ được nhận 1,42 triệu đồng và sau 8 ngày phải trả cả vốn lẫn lãi là 2,04 triệu đồng. Nếu trả chậm một ngày, sẽ bị phạt 102.000 đồng.
Với ứng dụng “Moreloan” và “VD online”, khách hàng vay được tối đa 1,5 triệu đồng, nhưng chỉ nhận 900.000 đồng, 600.000 đồng còn lại là phí dịch vụ và tiền lãi trả trước trong 7 ngày. Sau 7 ngày, người vay phải trả tiền gốc là 1,5 triệu đồng, nếu trả chậm sẽ bị phạt mỗi ngày 2 - 5%. Như vậy, lãi suất cho vay qua 2 app này là 3%/ngày, 90%/tháng.
Đây chỉ là 3 trong số hàng chục ứng dụng cho vay online hoạt động trong 6 tháng qua vừa bị công an TP.HCM triệt phá, bắt giữ. Cơ quan điều tra xác định, các ông chủ Trung Quốc đã thuê 2 đối tượng người Trung Quốc và một nhóm người Việt Nam thực hiện hoạt động cho vay online. Các ứng dụng này đã cho khoảng 60.000 người vay với số tiền hơn 100 tỷ đồng, thu lợi hàng chục tỷ đồng.
Hiện trên thị trường, rất nhiều app cho vay online như Panda, Vay tia chớp, Vay ATM, Uvay, Bagang, Vaydi… vẫn đang hoạt động rầm rộ.
Mối họa của thị trường cho vay ngang hàng
Theo ông Nguyễn Hòa Bình, Chủ tịch Tập đoàn NextTech, có khoảng 60 - 70 doanh nghiệp cung cấp dịch vụ cho vay ngang hàng của Trung Quốc đã tràn sang Việt Nam sau khi mô hình này đổ vỡ tại Trung Quốc. Các ông chủ người Trung Quốc thuê người Việt làm đại diện và chỉ đứng sau điều hành. Các app cho vay online của Trung Quốc đã tạo ra sự cạnh tranh không lành mạnh, dùng các “chiêu” quảng cáo gây nhầm lẫn, lừa đảo… để thu hút khách hàng, nhưng thực chất là cho vay với lãi suất rất cao, lên tới 90 - 100%/tháng, gây ảnh hưởng lớn đến thị trường tài chính và an ninh, an toàn xã hội.
“Đặc điểm chung rất đáng lo ngại là các doanh nghiệp này không hề có hoạt động kêu gọi người cho vay, mà chỉ quảng bá kêu gọi người vay. Như vậy, đây không phải là mô hình P2P thực sự. Lãi suất của các công ty tín dụng đen đội lốt thường rất cao, dùng mẫu quảng cáo cho vay tiền online, nhưng lại gán logo của các ngân hàng để cho vay tiền. Đây là hành vi lừa đảo người dân”, ông Bình nói.
Ông Trần Việt Vĩnh, CEO của FIIN cũng chỉ ra, các doanh nghiệp Trung Quốc thường đăng ký núp bóng thành các công ty hoạt động kinh doanh tại Việt Nam và cho vay theo mô hình hoạt động của công ty tài chính, nhưng lại không có giấy phép kinh doanh dịch vụ tài chính tại Việt Nam. Mỗi doanh nghiệp Trung Quốc này thường tạo ra nhiều app với tên gọi khác nhau để tiếp cận người vay trên môi trường mạng Internet. Qua các app cho vay online này, các doanh nghiệp Trung Quốc cung cấp dịch vụ tín dụng đen, cho vay nặng lãi với lãi suất có thể lên tới 700%/năm. Sau đó, họ sử dụng các hình thức thu đòi nợ kiểu “khủng bố tinh thần”, bôi nhọ người vay hoặc làm phiền người có liên quan trong danh bạ của người vay.
“Các doanh nghiệp tín dụng đen của Trung Quốc đang chiếm tới hơn 60% số lượng giao dịch cho vay online qua app tại Việt Nam. Nếu không có biện pháp ngăn chặn kịp thời, thì sẽ ảnh hưởng đến các công ty fintech đang hoạt động theo mô hình P2P lending ở trong nước, đồng thời khiến người dân hiểu nhầm rằng, cứ app cho vay online là tín dụng đen. Như vậy, khách hàng sẽ có tâm lý e ngại, lo sợ khi tiếp cận dịch vụ tài chính số”, ông Vĩnh cảnh báo.
Bên cạnh đó, theo ông Vĩnh, các công ty của Trung Quốc đang núp bóng doanh nghiệp Việt sẽ gây nhiễu loạn thông tin. Hậu quả là các cơ quan quản lý nhà nước sẽ gặp khó khăn trong việc xây dựng hành lang pháp lý cho các doanh nghiệp đổi mới sáng tạo thực sự trong lĩnh vực fintech, kìm hãm sự phát triển của các mô hình dịch vụ tài chính mới trên mạng Internet như cho vay ngang hàng.
Giám đốc một công ty fintech đánh giá, thị trường cho vay ngang hàng tại Việt Nam còn non trẻ và đang có nguy cơ bị phá hỏng bởi làn sóng tội phạm cho vay online nặng lãi tràn vào núp bóng hoạt động.
Ngân hàng Nhà nước đã từng cảnh báo về hoạt động cho vay ngang hàng tại Việt Nam. Theo đó, một số đối tượng có thể lợi dụng mô hình cho vay ngang hàng để thực hiện hành vi bất hợp pháp (hoạt động tín dụng đen, cho vay nặng lãi, cho vay cầm đồ biến tướng, hoạt động tài chính đa cấp...), quảng cáo sai sự thật, hứa hẹn lợi nhuận cao, lãi suất cạnh tranh để lừa đảo, chiếm dụng vốn của người dân; tác động tiêu cực đến cuộc sống của người dân, gây bất ổn an ninh kinh tế và ổn định xã hội. Trong một số trường hợp, công ty cho vay ngang hàng và công ty cầm đồ còn có dấu hiệu vi phạm Luật Các tổ chức tín dụng khi thực hiện hoạt động ngân hàng dưới hình thức cấp tín dụng. Mới đây, Ngân hàng Nhà nước, Bộ Công an, Bộ Tư pháp… đã thành lập đoàn khảo sát một số công ty cho vay ngang hàng tại Việt Nam để chuẩn bị cho việc xây dựng khung pháp lý liên quan đến việc thử nghiệm mô hình cho vay ngang hàng tại Việt Nam. |