Một làng nghề ở Đà Nẵng đã trở thành “làng tỉ phú” khi có nhiều cơ sở chế tác và nghệ nhân làm giàu từ nghề cha truyền con nối.
Làng đá mỹ nghệ Non Nước (phường Hòa Hải, quận Ngũ Hành Sơn, thành phố Đà Nẵng) không chỉ là một điểm đến du lịch nổi tiếng mà còn là một mô hình làng nghề kinh tế hiệu quả trên cả nước.
Hình thành giữa thế kỷ XVII đến đầu thế kỷ XVIII, trải qua bao thăng trầm, sự thịnh vượng của làng nghề truyền thống này như mạch lịch sử nối giữa quá khứ và hiện tại. Năm 2014, nghề truyền thống này đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia. Đáng chú ý hơn làng nghề này đã trở thành “làng tỉ phú” khi có nhiều cơ sở chế tác và nghệ nhân làm giàu từ nghề cha truyền con nối. Ước tính năm 2012, doanh thu của làng đạt hơn 312,7 tỉ đồng, năm 2013 tăng lên hơn 406,5 tỉ đồng.
Đá núi Ngũ Hành Sơn nhiều vân ngũ sắc, được ưa chuộng trong xây dựng và kiến trúc. Sản phẩm mỹ nghệ bằng đá khá phong phú: tượng Phật, tượng người, tượng muông thú, trang sức đá được chạm trổ công phu. Sản phẩm của làng nghề chủ yếu được bán trực tiếp cho khách tham quan khi thăm danh thắng Ngũ Hành Sơn. Còn lại khoảng 30% sản xuất theo đơn đặt hàng trong và ngoài nước.
Tuy nhiên, mấy năm trước, làng đá từng gặp nhiều khó khăn khi Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch khuyến cáo không sử dụng các biểu tượng, sản phẩm linh vật ngoại lai không phù hợp với thuần phong mỹ tục Việt Nam. Vì thế, những sản phẩm được coi là đặc trưng của Làng đá mỹ nghệ Non Nước như kỳ lân, sư tử đá, tỳ hưu... rơi vào tình trạng ế ẩm, mất khách.
Để tiếp tục bảo tồn và phát triển, hiện các cơ sở sản xuất đã được quy hoạch vào Làng nghề đá mỹ nghệ Non Nước tại tổ 52 và 53 (phường Hòa Hải, quận Ngũ Hành Sơn), cách địa điểm cũ khoảng 2 km. Làng nghề mới được xây dựng trên diện tích 35 ha với kinh phí đầu tư khoảng 154 tỉ đồng. Để tránh phụ thuộc vào một thị trường, làng nghề hiện sản xuất đa dạng sản phẩm, đủ kích cỡ tùy theo yêu cầu của khách hàng như tín ngưỡng; các tượng danh nhân, chân dung; các tác phẩm nghệ thuật cách điệu; bàn ghế, bồn tắm, tượng thú, đèn vườn, bình hoa...
Ở làng, những thế hệ nghệ nhân sáng tác và thổi hồn nghệ thuật cho những khối đá xù xì cứ tiếp nối nhau như chưa bao giờ đứt quãng. Hiện làng nghề có gần 500 cơ sở với 4.000 lao động và một số cơ sở đã đầu tư mạnh để mở rộng quy mô và tính chuyên nghiệp. Một vài cơ sở nổi bật tại làng nghề như Nguyễn Hùng, Trung Cường và 3 nghệ nhân từng được Chủ tịch nước vinh danh như Lê Bền, Nguyễn Việt Minh và Nguyễn Long Bửu. “Tôi là thế hệ thứ 4 và may mắn được học qua trường lớp nên kết hợp được lý thuyết và kiến thức thực tế để có nhiều sáng tạo hơn”, điêu khắc gia Nguyễn Long Bửu chia sẻ.
Anh Huỳnh Văn Trung, chủ cơ sở Trung Cường, tuổi đời 34 nhưng có đến 20 năm kinh nghiệm, cũng là truyền nhân của nghề chế tác đá. Từ năm học cấp 3, sau nhiều lần thuyết phục, với số vốn 10 triệu đồng mẹ cho, 2 anh em Trung và Cường mở một cơ sở sản xuất đá mỹ nghệ. Sản phẩm làm ra có kích thước nhỏ gọn, nặng chừng 1-2 kg như gạt tàn thuốc, đá phong thủy, tượng Chăm Pa... bỏ mối cho các cửa hàng mỹ nghệ. Năm 17 tuổi, mỗi tháng anh em kiếm được gần 20 triệu đồng từ công việc này. Để bồi đắp cho đam mê và nghề nghiệp, anh quyết định vừa làm vừa theo học Khoa điêu khắc, Đại học Mỹ thuật Huế.
Đến nay, 2 anh em đã có xưởng chế tác trên 2.000 m² và xưởng phụ hơn 400 m² dùng để đúc khuôn cho những sản phẩm phức tạp. Bởi vì đối với những sản phẩm khó, có giá trị nghệ thuật cao, phải dùng đất sét làm phôi, khi đạt yêu cầu mới làm chính thức. Theo bản vẽ phác thảo, người thợ sẽ đục phôi, khi phôi hoàn thành, người thợ sẽ thực hiện các chi tiết để hoàn thành, chạm hình nét, trang trí hoa văn, mài, đánh bóng sản phẩm.
Đá chế tác có nguồn gốc từ Nghệ An, Thanh Hóa, Thái Nguyên, Quảng Nam, Vinh và một số đá được nhập khẩu từ Pakistan, Ấn Độ. Hiện tại, cơ sở Trung Cường, sử dụng loại đá thông dụng nhất là đá sa thạch và cẩm thạch, sa thạch có 2 màu vàng và tím, cẩm thạch trắng càng sáng màu, giá trị càng cao, giá thành từ 10-12 triệu đồng tùy thuộc vào chất lượng đá. “Do mua đá nên đỡ được chi phí khai thác, ngoài ra mình được quyền lựa chọn đá và giá sản phẩm ở cơ sở tùy theo sản phẩm to hay nhỏ, loại đá gì, độ khó hay dễ...”, anh Trung cho biết thêm.
Sản phẩm hiện có 2 loại, sáng tác và sao chép theo mẫu, trong đó loại sáng tác không được nhiều cơ sở chú trọng vì mất nhiều thời gian mà giá bán vẫn không thay đổi. Với anh Trung, việc đa dạng hóa sản phẩm cũng không thành vấn đề, bởi anh được học hành bài bản và tham khảo nhiều mẫu mới trên thế giới. Mới đây, anh có được hợp đồng thực hiện 500 bức tượng La Hán tại chùa Linh Ứng (Bắc Giang), đơn hàng được thực hiện trong 3 năm và đã hoàn thành được 250 bức tượng. Ngoài ra, anh cũng vừa xuất khẩu được lô hàng 20 sản phẩm với trọng lượng hơn 35 tấn sang một ngôi chùa đang được xây dựng tại Mỹ. Sản phẩm của anh cũng được xuất sang Nhật, Thái Lan và Anh... Ước tính doanh thu mỗi năm khoảng hơn 2 tỉ đồng. Từ những ngày đầu, cơ sở chỉ có 4-5 lao động với mức lương từ 2-2,5 triệu đồng, đến nay, đã có 30 lao động hành nghề, mức lương trung bình từ 9 triệu đồng, thợ lành nghề có mức lương 21 triệu đồng/tháng.
Những người thợ như anh Trung ao ước Làng đá mỹ nghệ Non Nước được phát triển chuyên nghiệp hơn như mô hình “Mỗi làng một sản phẩm” mà nhiều nước trong khu vực đang áp dụng như Satu Kampung Satu Produk tại Brunei và Malaysia, Balik Desa ở Indonesia hay One Tambon One Product tại Campuchia... Trong đó, làng nghề nhận được sự hỗ trợ mạnh mẽ hơn ở các khâu thiết kế, phát triển sản phẩm, xúc tiến thương mại và đào tạo nguồn nhân lực, tạo ra sản phẩm mang tính đặc thù của địa phương có chất lượng, độc đáo về mẫu mã, kiểu dáng, xuất khẩu rộng rãi trên thị trường thế giới.
Đức Tài / nhipcaudautu.vn