Sau 15 năm khôi phục, làng gốm cổ Chu Đậu (xã Thái Tân, huyện Nam Sách, tỉnh Hải Dương) đang từng bước phát triển, sản phẩm đã có chỗ đứng trên thị trường, thu nhập của người lao động tăng cao.
Khách thăm quan mua hàng tại Công ty CP gốm Chu Đậu
Theo ông Nguyễn Văn Hiệp - Trưởng thôn Chu Đậu, dòng gốm cổ Chu Đậu đã bị thất truyền một thời gian dài, đến năm 2001 dưới sự giúp sức của Tổng công ty Thương mại Hà Nội (Hapro) dòng sản phẩm này lại được khôi phục. Sau 15 năm phát triển, gốm Chu Đậu đã dần khẳng định được chỗ đứng trên thị trường. Cùng với đó, đời sống của người dân làng nghề cũng được cải thiện rõ rệt. “Một sào lúa cho thu nhập khoảng 4 triệu đồng/năm không bằng thu nhập một tháng của người làm gốm”- ông Hiệp ví dụ.
Cũng theo ông Nguyễn Văn Hiệp, ngay từ khi bắt đầu được khôi phục, làng gốm Chu Đậu đã được quy hoạch phát triển theo mô hình du lịch làng nghề. Hoạt động sản xuất được tập trung thành một vùng, trong làng chỉ xây dựng mô hình trình diễn nghề nhằm bảo vệ cảnh quan, môi trường. Trong làng hiện đã có 2 cơ sở với quy mô nhỏ, sắp tới Công ty CP Gốm Chu Đậu sẽ phối hợp với UBND xã xây dựng một xưởng có quy mô lớn hơn làm nơi sản xuất cho bà con. “Với định hướng phát triển rõ ràng chúng tôi rất hy vọng nghề gốm sẽ quay lại thời kỳ phát triển thịnh vượng, người dân Chu Đậu sẽ có cuộc sống tốt đẹp hơn” - ông Hiệp kỳ vọng.
Chia sẻ rõ hơn về quy hoạch vùng sản xuất tập trung cho gốm Chu Đậu, ông Nguyễn Hữu Hiệp - Phó giám đốc Công ty CP Gốm Chu Đậu cho hay: Chu Đậu đã được quy hoạch thành vùng nghề, lấy xưởng của công ty làm trung tâm kêu gọi một số doanh nghiệp xây dựng cơ sở vệ tinh. Hiện đã có 3 doanh nghiệp hưởng ứng dựng xưởng, thu hút 400 - 500 lao động trên địa bàn xã, bước đầu đã tạo thành vùng nghề. Hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp cũng rất thuận lợi, tuy vẫn chủ yếu phục vụ tiêu dùng trong nước nhưng doanh thu liên tục tăng trưởng, lượng lao động tăng với thu nhập bình quân 6 triệu đồng/người/tháng, với nghệ nhân, thợ giỏi thu nhập lên tới 11 - 12 triệu đồng/người/tháng.
Sắp tới, giai đoạn 2 của quy hoạch được triển khai sẽ có thêm một doanh nghiệp có quy mô diện tích 3,5 ha góp sức vào phát triển nghề gốm, đến giai đoạn 3 của quy hoạch, khu sản xuất tập trung, hệ thống giao thông, hạ tầng sẽ cơ bản hoàn thành. Ngoài ra, để tạo sức hút, đồng thời giúp doanh nghiệp vệ tinh vượt qua khó khăn ban đầu, Công ty CP Gốm Chu Đậu sẽ giúp chuyển giao công nghệ, đào tạo công nhân, bao tiêu sản phẩm. Đặc biệt, mỗi doanh nghiệp vệ tinh sẽ hướng vào một dòng sản phẩm riêng biệt nhằm tránh cạnh tranh và tạo sự đa dạng phục vụ nhu cầu của khách du lịch.
Về chiến lược sản phẩm của Chu Đậu ông Hiệp cũng cho hay: Do định hướng phát triển làng nghề gắn với du lịch sản phẩm của Chu Đậu kiên trì theo hướng sản xuất sạch. Sản phẩm không sử dụng bất cứ một loại hóa chất nào, dùng nguyên liệu tinh và son quặng cho màu vẽ, vẫn nung ở nhiệt độ cao nhằm đảm bảo độ bền cho thành phẩm.
“Gốm Chu Đậu có giá thành khá cao so với mặt bằng chung trên thị trường nhưng sản phẩm sạch đang là xu hướng phát triển, vì vậy, chúng tôi tin tưởng gốm Chu Đậu sẽ tiếp tục được người tiêu dùng lựa chọn” - ông Hiệp khẳng định.
Ông Nguyễn Văn Hiệp - Trưởng thôn Chu Đậu: Nhằm khuyến khích người dân Chu Đậu mở lò sản xuất, Công ty CP Gốm Chu Đậu đã cam kết sẽ bao tiêu toàn bộ sản phẩm, hỗ trợ công nghệ và miễn phí hoàn toàn khâu đào tạo nhân lực. |