Lạng Sơn là tỉnh miền núi biên giới, có nhiều đồng bào dân tộc. Do xuất phát điểm thấp, chuyển dịch cơ cấu kinh tế còn chậm, nên đời sống của người dân còn nhiều khó khăn. Xác định giảm nghèo là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, địa phương đang ra sức thực hiện chương trình giảm nghèo bền vững.
Trồng ớt hàng hoá - một trong những mô hình giảm nghèo ở Lạng Sơn (Ảnh: Đ.H)
Để triển khai thực hiện chương trình giảm nghèo bền vững, thời gian qua, địa phương đã ban hành nhiều chính sách hỗ trợ đặc thù như: hỗ trợ phát triển sản xuất, phát triển ngành nghề; hỗ trợ dạy nghề, tạo việc làm, xuất khẩu lao động; hỗ trợ học sinh bán trú chưa được hưởng các chính sách hỗ trợ theo quy định của Nhà nước; chính sách trợ giá lãi suất, chính sách hỗ trợ hộ nghèo cho nhóm dân tộc ít người trên địa bàn… Đồng thời, Ban Chỉ đạo giảm nghèo các cấp được thành lập và kiện toàn qua các giai đoạn để tập trung chỉ đạo, theo dõi, giám sát đánh giá quá trình tổ chức thực hiện các chính sách, chương trình giảm nghèo.
Nhờ đó, trong giai đoạn 2011-2015, đời sống của người dân nói chung, của người nghèo, cận nghèo, thôn, bản nghèo, xã nghèo nói riêng đã được cải thiện rõ rệt. Người nghèo, người cận nghèo được hưởng thụ đầy đủ chế độ, chính sách của Trung ương, của tỉnh, tiếp cận thuận lợi các dịch vụ xã hội cơ bản để giảm nghèo như y tế, giáo dục, văn hóa, nước sinh hoạt, nhà ở, các chính sách hỗ trợ như tín dụng ưu đãi, khuyến nông, khuyến lâm, khuyến công và chuyển giao khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Mục tiêu xóa nhà dột nát cho hộ nghèo cán đích trước thời hạn kế hoạch đề ra. Theo UBND tỉnh Lạng Sơn, đến hết năm 2013 toàn tỉnh đã cơ bản xóa xong nhà ở dột nát cho hộ nghèo theo chương trình hỗ trợ hộ nghèo về nhà ở tại Quyết định số 167/2008/QĐ-TTg ngày 12/12/2008 (theo đề án là hết năm 2015). Hộ gia đình chính sách, người có công ngày càng được quan tâm chăm lo và thụ hưởng đầy đủ, kịp thời các chế độ, chính sách của Trung ương, của tỉnh. Đời sống được nâng cao về cả vật chất và tinh thần, đến hết năm 2015 có 99,8% hộ gia đình chính sách người có công có mức sống bằng và cao hơn mức sống trung bình ở khu dân cư.
Tuy nhiên, công tác giảm nghèo vẫn còn những hạn chế. Kết quả giảm nghèo chưa thực sự bền vững. Tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh vẫn ở mức cao, tập trung chủ yếu ở khu vực nông thôn, tỷ lệ tái nghèo cao. Khả năng tiếp thu và áp dụng khoa học, công nghệ mới vào sản xuất và phát triển kinh tế của hộ nghèo còn hạn chế; một bộ phận không nhỏ hộ nghèo còn có tâm lý trông chờ, ỷ lại vào nhà nước, không muốn thoát nghèo. Theo kết quả tổng điều tra hộ nghèo, hộ cận nghèo cuối năm 2015, toàn tỉnh có 48.827 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 25,95% và 23.885 hộ cận nghèo, chiếm 12,69% tổng số hộ toàn tỉnh. Những hộ nghèo, cận nghèo chủ yếu tập trung ở các xã vùng cao, biên giới, khu vực các xã đặc biệt khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Qua đánh giá, ngoài thu nhập dưới chuẩn nghèo, hộ nghèo chủ yếu còn thiếu hụt các dịch vụ xã hội cơ bản cao như y tế; giáo dục, nhà ở, nước sinh hoạt và vệ sinh, tiếp cận thông tin.
Để đẩy mạnh chương trình mục tiêu giảm nghèo trong thời gian tới, Lạng Sơn đã xác định tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp uỷ đảng, sự quản lý của chính quyền và phát huy vai trò của Ủy ban MTTQVN tỉnh và các đoàn thể chính trị - xã hội trong thực hiện các chương trình, kế hoạch về xóa đói giảm nghèo. Lấy công tác giảm nghèo là mục tiêu của Chương trình tổng thể phát triển kinh tế - xã hội chung của các cấp từ tỉnh đến xã, gắn với Chương trình xây dựng nông thôn mới. Tăng cường, đẩy mạnh và đổi mới các hoạt động, các hình thức tuyên truyền, đối tượng là cán bộ chủ chốt các cấp, các ngành và toàn thể xã hội trong đó tập trung vào các huyện, xã, thôn có tỷ lệ hộ nghèo cao vùng đặc biệt khó khăn và vùng đồng bào dân tộc thiểu số để nâng cao nhận thức, chống tư tưởng trông chờ, ỷ lại; biểu dương, nhân rộng các mô hình, các gương điển hình trong xoá đói, giảm nghèo. Tạo phong trào thi đua giảm nghèo, làm giàu chính đáng.
Thực hiện đồng bộ, có hiệu quả cơ chế, chính sách, giải pháp giảm nghèo để cải thiện điều kiện sống của người nghèo; tạo điều kiện hỗ trợ cho người nghèo, hộ nghèo ở nông thôn dễ dạng tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản: chính sách phát triển sản xuất; chính sách tín dụng ưu đãi; chăm sóc sức khỏe và bảo hiểm y tế; giáo dục và đào tạo; nhà ở; nước sạch và vệ sinh, tiếp cận thông tin. Huy động từ các đơn vị, cá nhân, đồng thời dành một phần kinh phí từ ngân sách của tỉnh hỗ trợ người nghèo thiếu hụt nhu cầu xã hội cơ bản theo hướng tiếp cận nghèo đa chiều.
Bảo đảm việc làm, nâng cao thu nhập của người nghèo, hộ nghèo. Xây dựng và nhân rộng mô hình tạo việc làm công cho người nghèo ở vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn thông qua việc thực hiện các công trình hạ tầng quy mô nhỏ ở thôn, bản. Phát triển mô hình sản xuất nông, lâm kết hợp, tạo việc làm cho người nghèo gắn với trồng rừng và bảo vệ rừng.
Đầu tư các chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội thu hút, tạo việc làm đáp nhu cầu của người lao động và người sử dụng lao động. Thực hiện chính sách hỗ trợ tạo việc làm cho người lao động; hỗ trợ các cơ sở sản xuất, các doanh nghiệp vừa và nhỏ thu hút tạo nhiều việc làm tăng thêm cho lao động nông thôn. Tập trung đào tạo nghề cho lao động nông thôn phù hợp với trình độ, điều kiện thực tế và thế mạnh của từng vùng tạo việc làm tại chỗ và đáp ứng nhu cầu sử dụng lao động qua đào tạo nghề của các doanh nghiệp đóng trên địa bàn.
Tiếp tục xem xét ban hành các chính sách đặc thù của tỉnh như chính sách hỗ trợ lãi suất cho hộ nghèo để cải thiện nhà ở, chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất đối với dân tộc thiểu số vùng khó khăn trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn nhằm khuyến khích các hộ nghèo thoát nghèo bền vững; chính sách hỗ trợ mua thẻ BHYT, chính sách tái cơ cấu trong nông nghiệp. Tăng cường nguồn ngân sách tỉnh và huy động các nguồn lực đầu tư để thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo, trong đó tập trung ưu tiên nguồn lực cho phát triển hạ tầng.
Tổ chức điều tra, rà soát làm rõ nguyên nhân dẫn đến nghèo, đói của từng hộ, nhóm hộ để đề ra giải pháp hỗ trợ phù hợp và hiệu quả. Vận động các chi họ, dòng họ vận động, giúp đỡ, cưu mang chính những người trong dòng tộc. Phân công cho các chi bộ đảng, các tổ chức hội, đoàn thể cử đảng viên, cán bộ, hội viên ưu tú, sản xuất kinh doanh giỏi giúp đỡ từng hộ nghèo vươn lên tự thoát nghèo. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, xây dựng cơ sở dữ liệu, phần mềm quản lý hộ nghèo, hộ cận nghèo. Nâng cao năng lực cho cán bộ giảm nghèo các cấp. Thực hiện tốt công tác thi đua khen thưởng để biểu dương những tổ chức, tập thể, cá nhân gương mẫu, làm tốt công tác giảm nghèo./.
Đặng Hiếu / dangcongsan.vn