Lạng Sơn là một tỉnh miền núi phía Bắc có vị trí quan trọng về an ninh quốc phòng và xuất nhập khẩu sang Trung Quốc. Có cửa khẩu quốc gia về đường bộ và đường sắt. Lạng Sơn có tổng diện tích tự nhiên 8.320 km², bằng 2,5% diện tích tự nhiên của toàn quốc. Tổng dân số của tỉnh Lạng Sơn hiện có 751 nghìn người. Mật độ dân số 90 người/km² với nhiều dân tộc khác nhau sinh sống.
Đường phố tại thành phố Lạng Sơn. |
Hiện nay, tỉnh Lạng Sơn có 15 đô thị. Trong đó có 1 đô thị loại III là TP Lạng Sơn và 14 đô thị loại V. Trong Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng trung du miền núi Bắc bộ đến năm 2020 xác định Lạng Sơn là vùng đệm của tam giác kinh tế phát triển vùng đồng bằng sông Hồng là Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh và trong tương lai không xa, Lạng Sơn sẽ trở thành một cực của tứ giác phát triển: Lạng Sơn - Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh.
Trong những năm qua, quá trình đô thị hóa tại Lạng Sơn có nhiều biến đổi. Năm 2013, tỷ lệ đô thị hóa toàn tỉnh là 23,4% (thấp hơn so với bình quân chung toàn quốc) nhưng các đô thị đã thu hút được một lượng lớn lao động từ các vùng miền đến hoạt động các công việc dịch vụ. Đặc biệt là các đô thị TP Lạng Sơn, các cửa khẩu như Đồng Đăng, Chi Ma… Trong đó có 2 đô thị là TP Lạng Sơn đã xây dựng đề án nâng cấp lên đô thị loại II và được UBND tỉnh phê duyệt. Thị trấn Đồng Đăng đã có đề án nâng cấp lên đô thị loại IV đang chờ thẩm định công nhận. Các thị trấn Lộc Bình, Na Dương, Chi Lăng, Hữu Lũng, Đồng Mỏ, Na Sầm, Thất Khê định hướng đến năm 2025 đạt đô thị loại IV. Còn lại các thị trấn Văn Quan, Bình Gia, Bắc Sơn định hướng đến năm 2025 đạt đô thị loại V.
Khách sạn Mường Thanh Lạng Sơn. |
TP Lạng Sơn là thành phố tỉnh lỵ, trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa thể thao, khoa học - kỹ thuật, giáo dục - đào tạo, du lịch, thương mại dịch vụ, đầu mối giao thông, giao lưu trong tỉnh. Là đô thị hạt nhân của tỉnh có vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của vùng tỉnh Lạng Sơn và hỗ trợ mạnh mẽ cho sự phát triển của Khu kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng - Lạng Sơn. Trong thời gian vừa qua, kinh tế thành phố đã có những bước chuyển biến tích cực, thu nhập bình quân đầu người tăng dần, đời sống người dân được cải thiện mọi mặt. Hệ thống hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật cần được tập trung đầu tư với nhiều dự án đầu tư xây dựng mới, hướng tới một đô thị văn minh, hiện đại. Đặc biệt nâng cấp về cơ sở hạ tầng đô thị như hệ thống công trình công cộng, thoát nước thải, thu gom xử lý chất thải... Theo các tiêu chí của một đô thị loại II, thì TP Lạng Sơn còn một số các tiêu chí chưa đạt theo quy định cần được tập trung đầu tư như xây dựng hệ thống hạ tầng xã hội như trường học, bệnh viện, công trình TDTT... Hoàn thiện hệ thống thoát nước mặt, hệ thống thoát nước thải. Đầu tư xây dựng nhà máy xử lý rác thải…
Khu nhà bảo tàng thị trấn Chi Lăng, Lạng Sơn. |
Thị trấn Đồng Đăng hiện nay cơ bản đã đạt các tiêu chí là đô thị loại IV, phấn đấu đến năm 2026 đạt các tiêu chí đô thị loại III. Là đô thị cửa khẩu, đô thị hạt nhân của Khu kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng - Lạng Sơn, có vai trò quan trọng trong việc phát triển kinh tế - xã hội, an ninh quốc phòng và đối ngoại của tỉnh và cả nước.
Nhìn chung các đô thị của tỉnh Lạng Sơn hiện có vai trò là hạt nhân phát triển kinh tế xã hội từng huyện thị, hình thành các đô thị công nghiệp, dịch vụ, trung tâm hành chính kinh tế - xã hội. Trong những năm qua tỉnh Lạng Sơn được sự hỗ trợ của Trung ương đã tích cực huy động nhiều nguồn lực từng bước đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng nâng cao chất lượng cuộc sống của nhân dân trong tỉnh. Tuy nhiên công tác đầu tư xây dựng cơ bản còn gặp nhiều khó khăn do nguồn lực chưa đáp ứng được yêu cầu. Trong đô thị còn tồn tại việc xây dựng tự phát gây mất mỹ quan đô thị và khó thực hiện được theo quy hoạch được phê duyệt. Kết cấu hạ tầng đô thị vẫn đang trong tình trạng thiếu đồng bộ chưa đủ đáp ứng trong điều kiện kinh tế thị trường hội nhập.
Một góc phố thị trấn Đồng Đăng, Lạng Sơn. |
Theo quy hoạch, vùng tỉnh Lạng Sơn được phân thành 6 vùng phát triển kinh tế, cụ thể: vùng 1 là vùng kinh tế đô thị Đồng Đăng - Lạng Sơn, gồm TP Lạng Sơn, thị trấn Đồng Đăng và dọc 2 bên Quốc lộ 1A từ thành phố đi thị trấn. Tập trung phát triển các loại hình công nghiệp như chế biến nông lâm thực phẩm, hàng cơ khí tiêu dùng, lắp ráp điện tử, nâng cấp tái chế, sản xuất hàng xuất khẩu, các trung tâm thương mại, giao dịch, du lịch và dịch vụ về viễn thông, du lịch, ngân hàng...
Vùng 2 là vùng kinh tế Hữu Lũng - Chi Lăng, gồm các thị trấn Mẹt - Chi Lăng - Đồng Mỏ và dọc 2 bên Quốc lộ 1. Tập trung phát triển về công - nông nghiệp, sản xuất vật liệu xây dựng, hóa chất phân bón, đồng thời là vùng chuyên canh cây ăn quả nhãn, vải thiều, na...
Vùng 3 là vùng kinh tế Lộc Bình - Đình Lập, gồm trung tâm thị trấn Lộc Bình, Na Dương, Đình Lập. Cơ cấu phát triển về công - nông nghiệp, thương mại. Đối với công nghiệp chủ yếu loại hình khai thác than, barit, chế biến đường, gỗ, chè, nhựa thông; sản xuất gốm sứ, gạch ngói...
Vùng 4 là vùng kinh tế Văn Lãng - Tràng Định, gồm trung tâm thị trấn Na Sầm, Thất Khê. Cơ cấu phát triển nông - công nghiệp, thương mại, du lịch. Công nghiệp chủ yếu khai thác nước khoáng, antimon, chế biến bột giấy...
Vùng 5 là vùng kinh tế Văn Quan - Bình Gia - Bắc Sơn, gồm trung tâm các thị trấn Văn Quan, Bình Gia, Bắc Sơn. Cơ cấu phát triển kinh tế nông - lâm - công nghiệp và du lịch. Công nghiệp tập trung khai thác đá, chế biến thức ăn gia súc, chế biến gỗ, nấm...
Vùng 6 là vùng kinh tế cửa khẩu biên giới, gồm khu vực các cửa khẩu biên giới Tân Thanh, Đồng Đăng, Hữu Nghị, Chi Ma, Bình Nghi và các cặp chợ biên giới.
Với mục tiêu phấn đấu đến năm 2020, Lạng Sơn trở thành tỉnh có nền kinh tế tăng trưởng bền vững, cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực. Có hệ thống kết cấu hạ tầng phát triển đồng bộ. Tạo sự chuyển biến rõ rệt về chất lượng nguồn nhân lực; nâng cao đời sống vật chất và văn hóa tinh thần của nhân dân. Vì vậy tập trung xây dựng Khu kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng - Lạng Sơn sớm trở thành trung tâm đầu mối quan trọng của tuyến hành lang kinh tế Nam Ninh - Lạng Sơn - Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh là nhiệm vụ chiến lược của tỉnh. Lạng Sơn phấn đấu đến năm 2015 tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân đạt trên 10%. GDP bình quân đầu người đạt 1.600 USD. Tỷ trọng các ngành nông nghiệp, công nghiệp - xây dựng, dịch vụ trong cơ cấu GDP tương ứng chiếm 34% - 24% - 42%. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội đạt 43 - 44 nghìn tỷ đồng. Đến năm 2020, tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân đạt 9 - 10%. GDP bình quân đầu người đạt khoảng 2.600 USD. Tỷ trọng các ngành nông nghiệp, công nghiệp - xây dựng, dịch vụ trong cơ cấu GDP tương ứng chiếm 28% - 28% - 44%. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội đạt 64 - 66 nghìn tỷ đồng. Tỷ lệ che phủ của rừng đạt khoảng 60%. Có 99,9% dân cư thành thị được sử dụng nước sạch và 95% dân số nông thôn được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh. Tỷ lệ thu gom và xử lý chất thải sinh hoạt ở đô thị đạt 100%.
Khu nhà liền kề tại thành phố Lạng Sơn. |
Như vậy, sau thời gian phát triển chưa tương xứng với tiềm năng thế mạnh, Lạng Sơn có quyết tâm mới, tập trung đầu tư xây dựng đô thị mới, gắn với việc mở rộng, nâng cấp, chỉnh trang đô thị theo hướng văn minh, hiện đại, thân thiện môi trường. Hình thành và phát triển đồng bộ các đô thị là trung tâm hành chính huyện cũ và mới thành lập. Thu hút đầu tư phát triển các đô thị tiềm năng, phấn đấu đến năm 2020 toàn tỉnh Lạng Sơn có 1 đô thị loại II, 5 đô thị loại IV, 18 đô thị loại V.
Linh Khang - Báo Xây dựng