Sau quyết định tạm đình chỉ hoạt động kinh doanh dịch vụ mới đây của Thủ tướng Chính phủ nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch Covid-19, các con phố sầm uất của Hà Nội bỗng dưng im ắng, không bóng người qua lại. Chỉ riêng Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội, nơi đăng ký nhận bảo hiểm thất nghiệp, vẫn tấp nập người ra vào nườm nượp.
“Tôi chưa bao giờ nghĩ mình phải tới đây trong hoàn cảnh này", chị Nguyễn Vân Anh, Trưởng phòng nhân sự của một tập đoàn tư vấn giáo dục than thở. “Vài triệu đồng tiền trợ cấp thất nghiệp tại thời điểm này cũng rất quý”. Đứng chờ tới lượt nộp hồ sơ thất nghiệp với con số 1097 lúc 8 giờ sáng, chị Vân Anh kể lại rằng đã từng tới đây, nhưng với vai trò là người tuyển dụng cho công ty. Giờ đây, toàn bộ công ty tư vấn giáo dục với hơn 100 nhân sự đã phải dừng hoạt động 3 tháng nay, nhiều người lựa chọn làm không lương, chống lưng cùng công ty qua thời dịch bệnh, người thì lựa chọn chấm dứt hợp đồng lao động để lãnh bảo hiểm thất nghiệp, trang trải chi phí gia đình và chị Vân Anh là một trong những số đó. Số người thất nghiệp đến nộp hồ sơ để hưởng bảo hiểm thất nghiệp tháng 2 đầu năm là hơn 47.000 người, tăng 59,2% so với tháng trước và tăng 70% so với cùng kỳ trước, theo báo cáo của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội. Trong đó, tình hình lao động thất nghiệp phức tạp nhất diễn ra ở các thành phố lớn. Riêng tại TPHCM, đã có gần 10.000 lao động nộp hồ sơ hưởng bảo hiểm thất nghiệp, tăng hơn 80% so với tháng trước và hơn 57% so với cùng kỳ năm trước. Đặc biệt, trong tuần đầu tháng 3, có hơn 2.600 người nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp. Dệt may, ngành đang tuyển dụng 2,8 triệu lao động, đang sống qua ngày bằng cách giãn ca, không làm thêm giờ đặc biệt là thứ 7, chủ nhật. Ngành vận tải, hàng không, đường sắt, đường bộ và các hoạt động dịch vụ hỗ trợ vận tải, nơi tuyển dụng 500.000 lao động, đang phải cắt giảm lương từ 20-40%, cho nghỉ luân phiên. Nếu dịch bệnh kéo dài, hàng nghìn lao động sẽ mất việc trong thời gian tới. “Diễn biến dịch bệnh quá nhanh, chúng tôi không kịp trở tay”, Giám đốc một doanh nghiệp dệt may lớn bậc nhất cả nước nói. “Nếu tình hình này kéo dài, chúng tôi không thể không sa thải lao động”. Ngành nhựa cũng trong tình cảnh tương tự, ông Hồ Đức Lam, Chủ tịch Hiệp hội nhựa Việt Nam cho hay, các doanh nghiệp trong hiệp hội liên tục thông báo về việc các đối tác châu u và Mỹ báo huỷ hoặc dãn thời gian giao hàng đối với mặt hàng túi mua sắm (shopping bag) và túi đựng rác do nhu cầu lao dốc. “Nhiều doanh nghiệp trong hiệp hội báo doanh thu giảm hơn một nửa, gần như tất cả các doanh nghiệp đã cho 50-60% lao động nghỉ việc. Riêng công ty tôi, 40% lao động đã cho nghỉ việc, đóng dây chuyền sản xuất 2 tuần nay", ông Lam, đồng thời là Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Nhựa Rạng Đông, chia sẻ.
Quay trở lại câu chuyện của chị Nguyễn Vân Anh, người đã từng nhận mức lương tính bằng đơn vị ngàn đô la, cho biết chị cảm thấy may mắn hơn rất nhiều người vì còn được nhận khoảng tiền hơn 2 triệu mỗi tháng trợ cấp thất nghiệp. Nhiều lao động tự do, hay còn gọi lao động khu vực phi chính thức không được hưởng bất kỳ một khoản tiền nào phòng thân khi cơn lốc dịch bệnh Covid-19 kéo tới. Theo báo cáo của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐTBXH), Việt Nam có khoảng 56 triệu lao động, nhưng chỉ 27% tham gia bảo hiểm xã hội. Như vậy, một bộ phận rất lớn lao động sẽ không có hợp đồng lao động, không tham gia bảo hiểm xã hội, không được bảo vệ bởi các khung pháp lý, mà theo định nghĩa của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO), đây là lao động khu vực phi chính thức. Thu nhập của họ thường ở mức thấp nhất trong thang lương trên thị trường. Nền kinh tế sẽ chịu ảnh hưởng nặng nề nếu lao động khu vực phi chính thức không thể kiếm được việc đáp ứng những nhu cầu cơ bản của họ, kéo theo bất ổn xã hội gia tăng. “Thu nhập của tôi đã giảm đi một nửa, chỉ còn khoảng khoảng 150.000 đồng mỗi ngày”, anh Hiếu, tài xế GoViet, công ty con của hãng gọi xe Indonesia Go-Jek nói. Trước khi có dịch, Hiếu chạy xe khoảng 10 tiếng mỗi ngày là được 250.000 đồng, nhưng sau khi có dịch, đặc biệt sau khi có yêu cầu hạn chế đi lại, đóng cửa các cơ sở dịch vụ, anh phải chạy xe tới 15-16 tiếng mỗi ngày mà thu nhập vẫn giảm nghiêm trọng. Ở nhà, người vợ của anh, một giáo viên mầm non tư thục cũng đang cảnh ngồi chơi không lương. Hai vợ chồng thuê nhà, lại phải nuôi hai đứa con nhỏ. “Tôi không làm thì sẽ không có gì ăn”, Hiếu nói. “Tôi không thể làm việc tại nhà”, Lan, nhân viên spa trên đường Tràng Thi, Hà Nội nói. Khoảng 1 tuần trở lại đây, mỗi ngày lượng khách đến quán giảm 20% và tới ngày hôm nay thì không còn một ai tới đây làm đẹp cả. “Tôi chỉ có thể duy trì được trong vòng 2 tới 3 tuần tới”, cô nói. Lan không biết chuyện gì sẽ xảy ra với mình nếu tình trạng này tiếp tục kéo dài thêm vài tháng nữa. Hiện nay Lan, mẹ đơn thân có một bé nhỏ đang học mẫu giáo, đang phải cắt giảm tất cả mọi chi phí để dành dụm tiền mua thực phẩm. Theo báo cáo của các địa phương, do bị tác động bởi Covid-19, hàng chục nghìn hộ sản xuất kinh doanh buộc phải tạm ngưng, bỏ kinh doanh. Riêng Hà Nội, 2 tháng đầu năm đã lên tới 3 triệu hộ, chủ yếu tập trung vào nhóm kinh doanh thuộc lĩnh vực lưu trú, ăn uống, kinh doanh các mặt hàng có liên quan đến thị trường hoặc có xuất xứ từ Trung Quốc. “Tính trung bình mỗi hộ thuê 2 lao động thì một số lượng lớn lao động với vài chục ngàn người đã không có việc làm. Những lao động này hầu như không hợp đồng lao động hoặc được hưởng bất kỳ chế độ gì khi mất việc”, theo Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội. Đại dịch Covid 19 đang tác động tới mọi ngóc ngách cuộc sống, đặc biệt là tới tầng lớp lao động phổ thông, lao động phi chính thức. Dù Việt Nam được đánh giá cao trong công tác phòng chống dịch bệnh nhưng những ngày gần đây dịch diễn biến phức tạp, khó lường khi số lượng người mắc bệnh, tử vong trên toàn cầu tăng nhanh và chưa có dấu hiệu dừng lại. Tại Việt Nam, trong tháng 2 chỉ có 16 ca mắc bệnh, nhưng chỉ trong vòng 20 ngày (từ ngày 6 đến 26 tháng 3), đã có 137 bệnh nhân mới tại 23 tỉnh, thành phố, gấp trên 8,5 lần số ca mắc trước đó, đưa tổng số ca mắc lên 153 ca. Hiện nay, đã có hiện tượng lây nhiễm đối với cán bộ y tế, xuất hiện lây nhiễm trong cộng đồng, nhất là tại một số thành phố lớn. Trước diễn biến này, Thủ tướng Chính phủ vừa ký Chỉ thị số 15 yêu cầu quyết liệt thực hiện đợt cao điểm phòng, chống dịch Covid-19, trong đó quy định tạm đình chỉ hoạt động cơ sở kinh doanh dịch vụ từ 28-3 đến hết 15-4. Đây là biện pháp cần thiết nhưng cũng là đòn giáng mạnh vào “nồi cơm” của lao động tự do. Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã đưa ra ba kịch bản về tác động của Covid 19 tới thị trường lao động, trong đó kịch bản xấu nhất, tức dịch bùng phát trên diện rộng. Khi đó, GDP quí 1 có thể sẽ tăng chậm hơn so với mục tiêu đề ra từ 2-3%, số lao động bị giảm giờ làm hoặc mất việc dự kiến từ 880.000 tới 1,32 triệu lao động. Ước tính các ngành công nghiệp chế biến - chế tạo, vận tải và kho bãi, du lịch sẽ chịu ảnh hưởng nhiều nhất, với số người chịu ảnh hưởng chiếm khoảng 75-85% tổng số bị ảnh hưởng theo các ước tính ở trên. “Với các kịch bản trên thì ngay trong tháng 3 này áp lực lao động mất việc làm sẽ tăng ít nhất 2 lần so với cùng kỳ năm trước”, theo Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội. Một số doanh nghiệp đã bắt đầu có những động thái hỗ trợ lao động khu vực phi chính thức. Ví dụ, GoViet đã mua bảo hiểm Covid-19 cho hàng nghìn tài xế thuộc top đầu, những tài xế còn lại sẽ được công ty hỗ trợ mua bảo hiểm với giá gốc. Dù đây là những hỗ trợ nhỏ, nhưng là sáng kiến đầu tiên của hãng xe công nghệ này khi họ không công nhận các tài xế là lao động chính thức của họ mà chỉ là đối tác nên không có hợp đồng lao động và bất kỳ chế độ nào khác. “Ưu tiên của chúng tôi là đảm bảo sức khoẻ và sự an toàn của đối tác tài xế, cũng như giảm thiểu những rủi ro liên quan đến Covid-19 đối với sự ổn định thu nhập của họ”, ông Phùng Tuấn Đức, Giám đốc vận hành GoViet cho biết. Nếu người lao động khu vực phi chính thức không có được những hỗ trợ tương tự, e rằng tổn thất tới thị trường lao động sẽ còn kéo dài, bất ổn kinh tế, xã hội là khó tránh khỏi. |